Bán dự án bất động sản để lấy vốn

Cập nhật 06/08/2009 08:35

Một số công ty phải bán lại các dự án bất động sản để cơ cấu lại chiến lược đầu tư. Đa số các công ty này kinh doanh bất động sản như “nghề tay trái”.

Công ty TNHH SX-TM-XD Thiên Thanh vừa mua lại khách sạn Green Plaza Đà Nẵng của VNECO. Ảnh: T.T

Một số công ty phải bán lại các dự án bất động sản để cơ cấu lại chiến lược đầu tư. Đa số các công ty này kinh doanh bất động sản như “nghề tay trái”.

Giữa lúc giá văn phòng cho thuê lên đến đỉnh điểm đầu năm ngoái, một số công ty đã dùng tiền từ phát hành cổ phiếu, hoặc vốn vay để mua đất đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê, xem đây là một trong những lĩnh vực kinh doanh mới mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, giờ đây những chủ đầu tư này phải tính đến việc bán dự án bất động sản (BĐS) vốn một thời từng được xem là “trụ cột” mới, nhằm giải quyết những áp lực về vốn.

Khi tấc đất không phải là tấc vàng

Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) vừa xin ý kiến cổ đông về việc bán dự án cao ốc văn phòng cho thuê tại 143-145 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh-TPHCM với giá trị chuyển nhượng 40 tỉ đồng. Nếu như cách đây một năm, SFC cho rằng dự án trên có tính khả thi cao thì năm nay họ lại đánh giá khu đất mà họ đang sở hữu quá nhỏ (349 m2) và với giá văn phòng cho thuê tại khu vực này đang khá thấp nên nếu triển khai xây dựng dự án chắc chắn hiệu quả sẽ không cao. Vì thế SFC buộc phải bán dự án để bổ sung nguồn vốn cho các dự án khác có hiệu quả cao hơn.

Cách đây 2 năm, HBC đã mua lại khu đất rộng 2.775 m2 tại đô thị mới Phú Mỹ Hưng với mục tiêu xây dựng cao ốc văn phòng có diện tích sàn 44.500 m2 để làm trụ sở công ty và cho thuê. Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo công ty đã thông báo về quyết định không tiếp tục đầu tư và bán lại dự án với giá trị hợp đồng xấp xỉ 12 triệu USD. Đại diện công ty này giải thích, nếu triển khai dự án trên, công ty phải chuẩn bị nguồn vốn lớn trên 20 triệu USD, nhưng hiện công ty chưa đủ tiềm năng để phát hành cổ phiếu thêm như năm 2007.

Thị trường cũng đã ghi nhận nhiều vụ chuyển nhượng lớn khác mà nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng thua lỗ và buộc phải tính đến phương án thu hẹp đầu tư BĐS. Mới đây, Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) đã phải quyết định bán dự án khách sạn Green Plaza tại TP Đà Nẵng do mảng kinh doanh chính (xây dựng điện) cũng như chi phí tài chính cao đã khiến công ty thua lỗ trong năm 2008 và riêng quý I/2009 lỗ 25,7 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Việt bán cao ốc 10 tầng trên khu đất diện tích 4.350 m2 ở đường Võ Văn Tần (TPHCM) cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Nam Long Bitexco với giá 8 triệu USD. Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun, cũng quyết định bán lô đất rộng 717 m2 tại đường Thủ Khoa Huân (TPHCM) thay vì đầu tư tháp văn phòng Vinasun Tower...

Cần có định hướng tốt

Thực tế khi thị trường BĐS “nóng”, các công ty Việt Nam thường đầu tư theo kiểu “ăn theo” mà không làm bất kỳ một cuộc điều tra thị trường nào. Đặc biệt là những doanh nghiệp trái ngành thường “chỉ cần có tiền là làm dự án”. Điều này đã tạo những cơn “nóng lạnh” thất thường, không theo quy luật. Nhiều công ty nghiên cứu thị trường cho biết có rất ít đơn hàng nghiên cứu thị trường từ các công ty BĐS của Việt Nam.

Chính vì vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng đã đến lúc cần có những dự báo về hệ quả của sự phát triển nóng. Tuy không đáng lo ngại thị trường khủng hoảng thừa do các nhà đầu tư địa ốc lớn liên tục ra đời nhưng các chuyên gia cho rằng cần phải tính đến mặt trái của nó là tính mù quáng và độ trễ của thị trường sẽ xuất hiện. Rủi ro trong kinh doanh không chỉ gây thiệt cho doanh nghiệp mà ở mức độ nào đó nó làm rối thị trường. Những khó khăn mà các chủ đầu tư vào phân khúc văn phòng cho thuê đang gặp phải về một sự đầu tư tràn lan trong thời điểm hiện nay chính là một bài học lớn.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động