Bán, cho thuê nhà sẽ không phải "qua sàn"

Cập nhật 25/05/2014 06:27

Trong thời gian tới, tổ chức và cá nhân khi bán, cho thuê bất động sản có thể sẽ không phải bị bắt buộc thông qua sàn giao dịch bất động sản như lâu nay. Ngoài ra, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản dự kiến cũng sẽ được quy định chặt chẽ hơn.

Trong thời gian tới, tổ chức và cá nhân khi bán, cho thuê bất động sản có thể sẽ không phải bị bắt buộc thông qua sàn giao dịch bất động sản như lâu nay. Ngoài ra, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản dự kiến cũng sẽ được quy định chặt chẽ hơn.

Đại biểu Quôc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Văn phòng Quốc hội.

Trên đây là những điểm đáng chú ý dự báo có tác động mạnh đến thị trường bất động sản khi Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi được Quốc hội thông qua.

Ngày 24-5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.

Theo ông Dũng, một số nội dung mới trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi gồm: mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài; mở rộng cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản các dự án hình thành trong tương lai thay vì chỉ được cho thuê các dự án bất động sản đã có sẵn.

Đáng chú ý là luật sửa đổi sẽ bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê bất động sản phải qua sàn giao dịch bất động sản; quy định chặt chẽ điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của tổ chức cá nhân kinh doanh lĩnh vực bất động sản; quy định cụ thể và rõ ràng hơn về các loại nhà, công trình xây dựng được đưa vào kinh doanh, quy định rõ điều kiện hồ sơ bất động sản được đưa vào kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 đã bộc lộ một số bất cập như chưa có đủ chế tài để tạo lập một thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh để nhà nước có thể kiểm soát trực tiếp cung cầu thị trường dẫn đến thị trường bất động sản thời gian qua phát triển thiếu ổn định, tình trạng đầu tư tự phát, theo phong trào, theo đám đông diễn ra phổ biến, nhiều dự án bất động sản chậm tiến độ, thi công cầm chừng, không triển khai, để đất hoang hóa lãng phí làm mất mỹ quan đô thị.

"Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 đã bộc lộ một số bất cập như chưa đủ chế tài tạo lập một thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh để nhà nước có thể kiểm soát trực tiếp cung cầu thị trường dẫn đến thị trường bất động sản thời gian qua phát triển thiếu ổn định, tình trạng đầu tư tự phát, theo phong trào, theo đám đông diễn ra phổ biến, nhiều dự án bất động sản chậm tiến độ, thi công cầm chừng, khong triển khai, để đất hoang hóa lãng phí làm mất mỹ quan đô thị",

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
 

Ngoài ra, luật hiện hành chưa phân định rõ đối tượng kinh doanh bất động sản và đối tượng không thuộc diện kinh doanh bất động sản dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu bán, cho thuê bất động sản do dư thừa hoặc không còn nhu cầu sử dụng mà cũng phải đăng ký kinh doanh và thành lập pháp nhân phải có vốn pháp định theo quy định mới được bán, cho thuê là không phù hợp thực tế, không có tính khả thi.

Bên cạnh đó, luật hiện hành còn hạn chế tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Những hạn chế này đã tạo ra sự không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh nước ta ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, khiến Việt Nam khó thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản.

Một hạn chế khác là luật hiện hành chưa cho phép cho thuê, cho thuê mua nhà công trình xây dựng hình thành trong tương lai đã hạn chế khả năng huy động vốn, khai thác từng phần công trình của chủ đầu tư dự án cũng như chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê, thuê mua các loại bất động sản này.

Bất cập nữa là luật hiện hành bắt buộc doanh nghiệp bất động sản khi bán, cho thuê bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản đã làm tăng thêm tổ chức kinh doanh, dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, chi phí, góp phần đẩy giá và tạo giao dịch ảo, làm hạn chế quyền tự chủ trong kinh doanh bất động sản.
 

Luật Đầu tư công: Không phân định rõ trách nhiệm, sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý!

Cũng trong chiều nay, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đầu tư công và các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đầu tư công.

Theo một số đại biểu Quốc hội, luật Đầu tư công đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đợi chờ khá lâu, dư luận đánh giá cao và cho rằng Việt Nam đã đổi mới trong hoạt động đầu tư công, thể hiện tính quyết liệt trong chấn chỉnh hoạt động đầu tư công.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), việc phân loại các dự án đầu tư công là rất quan trọng. Luật Đầu tư công muốn thực hiện tốt, nguyên tắc công khai minh bạch thì việc phân loại phải được rõ ràng cụ thể, do đó luật phải cụ thể hóa các tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C …

Ngoài ra, luật này nên được quy định theo hướng giao cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm A từ nguồn vốn ngân sách địa phương không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong việc quản lý sử dụng nguồn lực của mình.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng cho rằng trên thực tế tại địa phương phải rất nhiều năm mới có dự án nhóm A, nhóm B, còn lại gần 99% là dự án nhóm C có vốn đầu tư dưới 120 tỉ đồng. Đây vốn dĩ là các dự án dân sinh liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân nhưng chỉ để một người quyết định theo như trong dự thảo Luật Đầu tư công (giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định dự án nhóm C) là không ổn.

Tiền thuế của dân phải được giám sát, muốn đầu tư vào đâu thì phải được đồng ý của dân. Do vậy, luật nên quy định giao cho hội đồng nhân dân quyết định các dự án nhóm C.

Về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, dự thảo Luật Đầu tư công quy định các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc lập, thẩm định dự án, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được vốn, gây thất thoát lãng phí do lỗi mình gây ra thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý, kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại.

Phân tích sự thiếu chặt chẽ trong các quy định nói trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng hiện nay việc bồi thường thiệt hại lại tuân theo Luật Bồi thường Nhà nước.

“Thực tế thời gian qua, chúng ta mới chỉ làm mỗi một việc là dùng ngân sách nhà nước để bồi thường cho dân, còn việc bồi hoàn và xử phạt cán bộ sai phạm chưa được thể hiện nghiêm túc, gây mất lòng tin trong nhân dân, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Như vậy, liệu rằng khi thông qua dự luật này, đối tượng phải xử lý, chịu trách nhiệm bồi thường trong dự án đầu tư công chủ yếu giữ các chức vụ cao, quan trọng, chủ chốt trong bộ máy nhà nước là chủ tịch UBND các cấp trở lên thì xử lý thế nào?”, đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt vấn đề và đề nghị Ban soạn thảo Luật Đầu tư công nghiên cứu phân định rõ mức độ chịu trách nhiệm của các chủ thể quyết định dự án đầu tư công ngay trong luật, nhất là dự án đầu tư công có số tiền đặc biệt lớn. Có như vậy thì việc xử lý trách nhiệm cán bộ sai phạm và bồi thường thiệt hại mới đảm bảo tính khả thi.

Dự kiến Luật Đầu tư công được các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp này và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2015.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG