Diện tích đất trồng lúa ngày càng thu hẹp, trong khi an ninh lương thực vẫn là nhu cầu bức bách trong những năm tới. Nhưng để bảo đảm an ninh lương thực, không đơn thuần chỉ là giữ đất mà còn phải giải quyết hài hòa lợi ích của người chủ đất.
Diện tích đất trồng lúa ngày càng thu hẹp, trong khi an ninh lương thực vẫn là nhu cầu bức bách trong những năm tới. Nhưng để bảo đảm an ninh lương thực, không đơn thuần chỉ là giữ đất mà còn phải giải quyết hài hòa lợi ích của người chủ đất.
Đất lúa đang mất dần
Theo một báo cáo hồi năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm có bình quân khoảng 73.000 héc ta đất nông nghiệp bị thu hồi để làm khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf... Trong năm năm qua, đời sống của 627.495 hộ dân với khoảng 950.000 lao động đã bị tác động do bị thu hồi đất nông nghiệp, kéo theo khoảng 2,5 triệu người cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Số hộ nông dân bị mất đất ngày càng tăng, trong khi các ngành nghề phi nông nghiệp chưa phát triển để giải quyết số lao động dôi ra, đã tạo nhiều nguy cơ xấu trong tương lai. Nhưng đáng lo nhất là an ninh lương thực có thể bị ảnh hưởng do diện tích trồng lúa giảm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đa số diện tích bị quy hoạch, thu hồi đều là đất tốt, thuộc đất ven lộ; trong đó có xã mất đến 80% đất canh tác. Diện tích đất trồng lúa đã giảm chỉ còn khoảng 4,2 triệu héc ta trên phạm vi cả nước. Những năm qua, năng suất lúa tăng nhờ nông dân áp dụng nhiều biện pháp canh tác tiên tiến đã bù đắp phần sản lượng lúa bị mất do giảm diện tích.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, việc tiếp tục tăng năng suất trong những năm tới là rất khó và mặc dù Chính phủ đã có chủ trương hạn chế việc chuyển đổi, thu hồi đất lúa, nhưng xem ra diện tích lúa vẫn khó có thể ổn định.
Chẳng hạn ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, ven các tuyến đường mới mở như quốc lộ 91B, đường Nam Sông Hậu... nhiều mảnh ruộng ven đường đang dần bị san lấp cát để xây nhà, xưởng. Những chủ ruộng, dù có thể không muốn, nhưng vẫn phải san lấp để cất nhà hoặc bán cho người khác xây dựng. Đường mở đến đâu, đất nông nghiệp mất theo đến đấy.
Theo Tiến sĩ Chu Tiến Quang, cán bộ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kết quả điều tra hồi năm 2009 cho thấy thị trường mua bán đất nông nghiệp ở miền Nam diễn ra mạnh hơn so với miền Bắc nhưng “nóng” nhất là vùng Tây Nguyên. Đáng chú ý, kết quả điều tra đã phát hiện ra rằng, các giao dịch đất nông nghiệp không theo hướng chuyển dịch tư liệu sản xuất, tức không nhằm mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, mà theo hướng chuyển dịch tài sản!
Làm sao để giữ đất lúa?
Theo một số nhà khoa học, để giữ vững diện tích lúa không đơn thuần là bằng mọi cách giữ đất mà phải tiến hành nhiều biện pháp sao cho người trồng lúa làm giàu được thì tự họ sẽ giữ đất. Thế nhưng thực tế hiện nay người trồng lúa vẫn nghèo! Theo Tiến sĩ Chu Tiến Quang, một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng sử dụng đất nông nghiệp quá manh mún, phân tán. Điều này làm cản trở việc áp dụng máy móc, thiết bị cơ giới và ảnh hưởng lớn đến việc hạ giá thành sản xuất cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó làm giảm lợi nhuận của nông dân.
Theo Niên giám thống kê năm 2008, bình quân một hộ nông dân trên cả nước chỉ có 5.769,95 mét vuông đất nông nghiệp, trong đó thấp nhất là ở đồng bằng sông Hồng khi một hộ chỉ sở hữu bình quân 2.057,96 mét vuông đất. Những hộ có quy mô đất sản xuất trên một héc ta, có thể đạt giá trị sản xuất cao chỉ chiếm khoảng 17,8%.
Với quy mô như vậy thì khó tính đến chuyện chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn và tính chuyên nghiệp cao để làm giàu. Muốn tăng quy mô sử dụng đất của hộ nông dân thì phải tăng quỹ đất, nhưng điều này không thực tế vì quỹ đất có khả năng sản xuất nông nghiệp đã cạn kiệt.
Vì vậy, chỉ còn cách chuyển đất nông nghiệp từ hộ này sang hộ khác, nghĩa là giảm số lượng hộ dân làm nông nghiệp. Nhưng nếu vậy, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách giải quyết việc làm dành cho số lao động dôi ra. Theo một số nhà khoa học, trong khi ở nhiều nước, số lao động nông nghiệp đã giảm ở mức tối đa có thể thì Việt Nam vẫn có xu hướng tăng thêm! Nếu lấy mốc thời điểm những năm 1980, Thái Lan chỉ mất một thập niên để đạt được điểm “bước ngoặt” trong việc giảm lực lượng lao động nông nghiệp thì Việt Nam sau hơn hai thập niên vẫn chưa làm được điều này.
Mặt khác, theo ông Quang, chính những quy định về hạn mức sử dụng đất cũng làm giảm động lực và khả năng tích tụ ruộng đất. Chẳng hạn, Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 181 năm 2004 quy định, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm... cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 2 héc ta đối với các tỉnh phía Bắc và không quá 3 héc ta đối với các tỉnh phía Nam...
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG