Bài 3: Đất và người cùng... "sốt"

Cập nhật 11/06/2010 13:10

Giá đất bị thổi phồng do cò mồi chỉ là phần nhỏ, còn thực chất là do những đại gia thuộc về nhóm lợi ích nào đó đứng đằng sau giật dây. Vì thế, một khi bong bóng bất động sản vỡ...

Giá đất bị thổi phồng do cò mồi chỉ là phần nhỏ, còn thực chất là do những đại gia thuộc về nhóm lợi ích nào đó đứng đằng sau giật dây. Vì thế, một khi bong bóng bất động sản vỡ, chỉ có những kẻ giật dây hưởng lợi, trong khi những nhà đầu tư kiểu “bầy đàn” sẽ lãnh đủ, tựa như câu chuyện đầu tư chứng khoán cách đây vài năm.

Các chuyên gia kinh tế, bất động sản như bà Phạm Chi Lan, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình như trên khi trao đổi với Đất Việt, liên quan đến câu chuyện sốt đất tại khu vực phía Tây Thủ đô thời gian qua.

Hậu quả nghiêm trọng


Bà Phạm Chi Lan nhận định, đã có một lượng vốn rất lớn đổ vào bất động sản khu vực phía tây Hà Nội. Trong khi nền kinh tế còn đang thiếu vốn ở nhiều lĩnh vực, nhất là phúc lợi dân sinh, thì việc làm của “nhóm giật dây” là một trò xảo thuật tệ hại. Ở đây, cần phải nói đến trách nhiệm của cơ quan chức năng khi đưa ra bản quy hoạch, song lại không có động thái ngăn chặn những tiêu cực phát sinh. Tới khi sốt đất lên cao mới đưa ra cảnh báo. Hơn nữa, những cảnh báo này cũng chỉ là tín hiệu rất mù mờ về ý tưởng quy hoạch, chưa thật sự rõ ràng minh bạch và đáng tin cậy. Điều này chứng tỏ những người khi đưa ra quy hoạch thiếu sự tỉnh táo.

Theo bà Lan, nếu sự việc trên diễn biến lâu dài, sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng tới nền kinh tế. Thứ nhất, nguồn tiền bị điều chuyển vào dòng đầu tư bất hợp lý, không những không có lợi cho quốc kế dân sinh mà còn mang lại đầy rẫy rủi ro cho người dân. Thứ hai, nông dân thấy lợi trước mắt đã đổ xô bán đất mà không hề nghĩ rằng vài chục năm nữa, không có đất trong tay họ sẽ sinh sống bằng gì. Thứ ba, nghiêm trọng nhất, người dân sẽ mất niềm tin vào đường lối chính sách của Nhà nước khi họ thấy quyền lợi tiếp tục rơi vào tay của những nhóm có thế lực trong xã hội.


Những nhà đầu tư kiểu “lướt sóng” chắc chắn lãnh đủ nếu bong bóng vỡ. Ảnh: Tuyết Trịnh.

Nhiều kẽ hở trong quản lý


Dẫn lại câu chuyện thị trường chứng khoán cách đây vài năm, khi bong bóng vỡ, đã có không biết bao nhiêu nhà đầu tư “lướt sóng” theo tâm lý bầy đàn phải ôm hận, nguyên Thứ trưởng Bộ TN- MT Đặng Hùng Võ đánh giá: “Khi đó, chúng ta đang có quan niệm thị trường chứng khoán như một sới bạc. Đến như ông xe ôm cũng bỏ việc để ngày nào cũng lên sàn”. Ông Võ cho rằng, đợt sốt đất vừa qua cũng tương tự như thị trường chứng khoán hồi đó, chỉ có điều hơi khác là việc đầu tư được thông qua hình thức mua bán trên giấy.

Về trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân, ông Võ khẳng định các cơ quan chức năng làm chưa đến nơi đến chốn. Trong khi đó, chính sách quản lý đất đai hiện cũng không hoàn chỉnh và thống nhất. Chính vì thế mới xảy ra tình trạng chuyển nhượng tự do, chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp diễn ra một cách vô tư. Để xảy ra việc đầu cơ, buôn bán đất một cách tự do như vậy, lỗi đầu tiên là ở chính quyền địa phương. Luật đất đai hiện nay đã giao cho cấp xã, phường những trọng trách rất lớn.

“Cái gì trong thẩm quyền có thể ngăn chặn được thì lập tức làm. Cái gì không làm được thì báo chính quyền cấp huyện. Luật quy định trong 2 ngày cấp huyện phải đưa người xuống xử lý tại chỗ. Nếu làm được thế, đã chẳng xảy ra sốt đất”, ông Võ nói và nhận định thêm, công cụ quản lý còn có kẽ hở và bộ máy quản lý yếu kém cũng là những nguyên nhân quan trọng.

Cùng quan điểm, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: “Việc tăng giá nằm trong sự tính toán trước của một nhóm lợi ích. Vấn đề là chính quyền xử lý vấn đề bằng cách nào”. Theo TS Liêm, thay vì cảnh báo, các cơ quan chức năng nên sớm quyết liệt vào cuộc để đưa bất động sản tại khu vực này sớm trở lại giá trị thực.

>>Bài 1: Đất và người cùng… "sốt"

>>Bài 2: Đất và người cùng… "sốt"


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt