Khu du lịch đại nam của ông Huỳnh Uy Dũng
|
Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng (chủ khu du lịch Đại Nam), đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 12.2013.
>> Bài 1: Ai cho phép Đại Nam biến khu công nghiệp thành đất ở?
Ở góc độ quản lý nhà nước, chiếu theo các quy định liên quan đến khu công nghiệp và đất đai, Bình Dương đã đi sớm trong việc đưa ra phương án chỗ ở cho công nhân trong các khu công nghiệp (Việt Nam – Singapore 2, Đại Đăng, Kim Huy, Đồng An 2…). Ít nhất từ những năm 2006, UBND tỉnh đã quy hoạch “khu ở” trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 khi chưa có chính sách rõ ràng từ Chính phủ.
Trước đó, một nghị định năm 1999 ban hành “Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao” chỉ nêu ngắn gọn: trong khu công nghiệp “không có dân cư sinh sống” và gợi ý “phải tính đến các khu dân cư, lao động phục vụ khu công nghiệp”. Khu dân cư ở đây được hiểu là ở ngoài và bên cạnh khu công nghiệp.
Gần hai năm, sau ngày tỉnh Bình Dương ký văn bản cho phép trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 có “khu ở”, Chính phủ mới có một nghị định mới quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế (thay nghị định năm 1999), trong đó mới đặt vấn đề có khu nhà ở cho công nhân.
Liền sau đó là các nghị quyết của Chính phủ, đề cập chi tiết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung. “Khu ở” hay “nhà ở công nhân” được hiểu là nhà cho công nhân hay người làm việc tại khu công nghiệp đó thuê, hết thời hạn thuê sẽ được mua và được cấp sổ đỏ.
Lúc này, mọi chuyện mở toang. Theo luật, nhà đầu tư như Công ty cổ phần Đại Nam sẽ là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở công nhân. Sau khi xong hạ tầng, Công ty Đại Nam được xây nhà ở hoặc chuyển giao đất bằng cách cho các nhà đầu tư khác thuê đất xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
UBND tỉnh khi duyệt quy hoạch khu nhà ở công nhân có thể cho phép chủ đầu tư sử dụng một phần quỹ đất này để xây dựng nhà ở thương mại, tạo nguồn bù đắp chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khu nhà ở công nhân.
Nếu chỉ dừng ở giới hạn cho phép Công ty Đại Nam xây nhà cho công nhân thuê như phê duyệt dự án ban đầu, mọi việc đã không có gì tranh cãi. Nhưng ở đây, UBND tỉnh đã đi “lố”, vượt ra ngoài các quy định khi phóng tay giao “đất ở lâu dài” cho Công ty Đại Nam.
Chưa dừng lại, trong một lần kiểm tra dự án khu công nghiệp Sóng Thần 3 theo lệnh của UBND tỉnh (đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhiều sở, ngành), đoàn kiểm tra vẫn kết luận “Công ty Đại Nam phân lô, góp vốn là đúng luật”. Mặc dù tại Điều 84 Nghị định 18/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định: thời hạn sử dụng đất trong khu công nghiệp theo thời hạn của dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Chỉ đến khi Tỉnh ủy Bình Dương đặt vấn đề về tính hợp pháp của việc góp vốn, phân lô (bản chất là bán đất ở trong khu công nghiệp) tại dự án khu công nghiệp Sóng Thần 3, Sở Xây dựng và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương mới "giật mình".
DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế Giới