Bài 2: Đất và người cùng… "sốt"

Cập nhật 10/06/2010 10:10

Đúng là cơn sốt đất tại khu vực phía Tây Thủ đô hạ nhiệt, song hoàn toàn không có chuyện “giá rớt thảm hại” như một số thông tin gần đây. Theo ghi nhận của phóng viên...

Đúng là cơn sốt đất tại khu vực phía Tây Thủ đô hạ nhiệt, song hoàn toàn không có chuyện “giá rớt thảm hại” như một số thông tin gần đây. Theo ghi nhận của phóng viên, dù không còn cảnh chen chân mua bán thì giá đất tại khu vực này vẫn được giữ nguyên như khi đang “sốt xình xịch”.

Một đại gia buôn đất ở huyện Hoài Đức cho hay, sở dĩ có chuyện thị trường bỗng yên ắng là vì cả người bán lẫn người mua vẫn ngóng thông tin trung tâm hành chính quốc gia có được chuyển về Ba Vì hay không. Thậm chí, một số nhà đầu cơ non gan còn sẵn sàng bỏ 50 - 100 triệu tiền đặt cọc để thoát cảnh ôm đất giá cao. Tuy nhiên, đại gia này cho biết, nếu chính quyền không siết chặt, cơn sốt đất sẽ tiếp diễn và chắc chắn giá sẽ “khủng” hơn nhiều.


Giao dịch trầm lắng, các văn phòng môi giới vừa mọc lên như nấm cũng vắng người qua lại.

Giao dịch ngầm sẽ chịu thiệt

Trong những ngày nhập vai người mua đất tại đây, kèm theo những lời chào mời “béo bở” từ phe cò mồi, chúng tôi cũng nhận được lời nhận “chạy” giấy tờ để hợp thức đất nông nghiệp thành đất thổ cư. Giá “chạy sổ đỏ” mà “cò” đưa ra dao động từ ba triệu đồng - 10 triệu đồng một m2, tùy theo vị trí của lô đất. Tuy nhiên, ông Hồ Trung Nghĩa, Trưởng phòng TN-MT huyện Hoài Đức khẳng định: “Cò tung tin để lừa tiền của người dân mà thôi. Thời gian qua, chúng tôi cưỡng chế rất nhiều những công trình xây trên đất nông nghiệp”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì, khi thông tin giá đất tại Ba Vì bị giới đầu cơ, cò thổi phồng để trục lợi, huyện thành lập đoàn kiểm tra tình hình sử dụng đất tại địa phương, tuy nhiên chủ yếu là tuyên truyền giáo dục cho người dân hiểu rõ pháp luật về quản lý đất đai.

Thực tế xuất hiện những giao dịch bất hợp pháp qua việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất nông trại của nhà nước giữa người dân trong huyện với những đối tượng từ nơi khác về. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là giao dịch ngầm, bất hợp pháp và không có cơ quan nhà nước chứng thực. Vì thế, đối với những trường hợp này, khi triển khai dự án quy hoạch sẽ phải chịu thiệt thòi vì không có cơ quan nào bảo lãnh.

Quản lý đất đai quá lỏng lẻo

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan khẳng định: “Cơn sốt đất vừa qua ở phía Tây Hà Nội chung quy cũng chỉ tại… bản dự thảo quy hoạch quy hoạch chung Thủ đô”. Việc giới đầu cơ, cò lợi dụng để “làm trò” khiến giá đất bị thổi phồng một cách quá đáng.

Theo bà Loan, tình trạng sốt đất kiểu bong bóng như vậy là rất nguy hiểm. Bởi khi bong bóng vỡ, những người đầu tư theo phong trào sẽ lãnh đủ. “Cơ quan quản lý quá buông lỏng, để mặc thị trường nhà đất phát triển tự do và lệ thuộc vào những tay đầu cơ”, bà Loan nói và cho rằng, nếu cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt, tình trạng sốt đất như vừa qua sẽ còn tái diễn trong nhiều năm nữa.

Ở một góc độ khác, nguyên Phó thủ tướng Trần Phương khẳng định: “Chuyện đất lên giá là đương nhiên. Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều xảy ra hiện tượng như vậy khi có quy hoạch bất kỳ một vị trí địa điểm nào thuận lợi cho việc làm ăn, sinh sống”. Ông Phương cho rằng, đầu cơ đất là một hiện tượng bình thường trong nền kinh tế thị trường. Người đầu cơ là người nhìn ra xu hướng và biết rằng giá đất của nơi đó sẽ lên và kiếm được lợi nhuận. Những người có trường vốn thì cứ việc đầu tư lên Ba Vì, sau này đất của những nơi đó có giá trị thì con hoặc cháu họ sẽ là người hưởng lợi từ việc đầu cơ đó. Đó cũng có thể nói là đầu tư cho tương lai.

Theo ông Phương, việc thị trường trong hai tuần nay lắng xuống cũng là chuyện đương nhiên vì trong xã hội hiện nay rất ít người có tiền đầu cơ để hy vọng ít nhất là 20 năm nữa mới sinh lời. Chính vì thế, những người thiệt thòi nhất là sẽ những người “tát nước theo mưa”, a dua đầu tư mong kiếm lời nhanh.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên nhân chính dẫn tới việc sốt đất ở phía Tây Hà Nội là từ các thông tin quy hoạch và qua các cuộc triển lãm bản Quy hoạch chung Thủ đô, tạo ra tâm lý, hiệu ứng của toàn xã hội là có thể đầu cơ đất ở phía Tây để kiếm tiền. Điều đáng tiếc là chính quyền lại không kịp thời phản ứng. Theo ông Doanh, Chính phủ phải xem xét lại trách nhiệm của Hà Nội đối với vấn đề này đến đâu, can thiệp kịp thời hay chưa. Không chỉ phía Tây, trong tương lai phía Đông cũng có thể bị ảnh hưởng. Nếu thu nhập của người dân tiến với tốc độ thấp, còn giá đất tiến với tốc độ cao thì sẽ để lại hậu quả rất là nghiêm trong cho toàn bộ nền kinh tế.


>>Bài 1: Đất và người cùng… "sốt"


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt