Theo Bộ TN&MT, những chính sách mới về đất đai được ban hành thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Song, qua thực tiễn triển khai...
Theo Bộ TN&MT, những chính sách mới về đất đai được ban hành thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Song, qua thực tiễn triển khai, các quy định hiện hành về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang tồn tại 3 bất cập cần sửa đổi.
Thứ nhất, về quy hoạch sử dụng đất, Bộ TN&MT cho biết, nội dung quy hoạch sử dụng đất đã được quy định tại Điều 23 của Luật Đất đai, Điều 12 và Điều 14 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP. Quy định về nội dung quy hoạch sử dụng đất tại các điều này được áp dụng cho tất cả các cấp lập quy hoạch. Việc quy định nội dung quy hoạch sử dụng đất cả nước cũng tương tự như nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện là không hợp lý, dẫn tới hệ thống chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của cả nước quá chi tiết, vừa chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường, vừa hạn chế quyền chủ động của địa phương.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 26 và khoản 4 Điều 27 của Luật Đất đai, Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc ban hành nghị quyết xét duyệt, điều chỉnh của Chính phủ đòi hỏi phải theo quy trình với thời gian khá dài, trong khi nhiều trường hợp, nhất là những trường hợp điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đòi hỏi phải thực hiện nhanh, kịp thời.
Thứ hai, là việc sắp đặt tiến độ triển khai quy hoạch sử dụng đất theo thời gian trong kỳ quy hoạch sử dụng đất. Nhưng khi triển khai trong thời gian qua cho thấy, việc quyết định, xét duyệt kế hoạch sử dụng đất của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương (Quốc hội, Chính phủ) khó sát với diễn biến trong quá trình thực hiện của địa phương.
Bất cập thứ ba là nội dung quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch về xây dựng có mặt trùng lặp, chồng chéo, đặc biệt là trong khu vực đô thị và mối quan hệ này chưa được xác định cụ thể.
Theo N.C - Kinh Tế & Đô Thị