Ba cái nhất đáng buồn trong quản lý đất đai

Cập nhật 16/09/2011 08:55

Đó là: Không được lòng dân nhất, có nhiều biểu hiện tiêu cực nhất và thất thoát nhiều nhất.

Đó là: Không được lòng dân nhất, có nhiều biểu hiện tiêu cực nhất và thất thoát nhiều nhất.

Mở đầu tham luận của mình tại hội thảo khoa học về kiểm toán các nguồn thu từ đất do kiểm toán nhà nước tổ chức ngày 15-9, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), nhận định: “Tổng kết lĩnh vực đất đai ở VN thời gian qua cho thấy có ba cái nhất. Một là không được lòng dân nhất, thể hiện qua con số 70% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai. Hai là có nhiều biểu hiện tiêu cực nhất, thể hiện qua số lượng quan chức bị mất chức, xử lý hành chính, xử lý hình sự liên quan đến đất đai là nhiều nhất. Ba là thất thoát nhiều nhất khi có tới 10% tổng diện tích đất chưa được sử dụng - đây là một nguồn lực khổng lồ bị thất thoát”.

Từ ba vấn đề nêu trên, ông Cường cho rằng thực tế đang vướng hai điểm, đó là việc ồ ạt giao đất và việc tính giá đất theo giá thị trường.

Bán hết rồi lấy gì mà thu?

Ông Cường cho biết có ý kiến cho rằng nên chuyển thật nhanh từ cho thuê sang giao đất để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Cường, nên xem khoản thu từ đất là thu tài nguyên. “Nếu chuyển từ cho thuê sang giao đất thì sẽ không thể thu thêm lần nào nữa. Vì thế, chúng ta nên nghiêm túc xem lại có nên phát triển nguồn thu này không. Nếu ồ ạt giao đất ở vì mục tiêu tài chính thì nay mai muốn phát triển đô thị, làm các khu hành chính, công trình phúc lợi… chúng ta sẽ không còn đất để mà làm gì cả” - ông Cường cảnh báo.

Nguồn thu từ tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất sẽ không bền vững khi quỹ đất ngày một hẹp lại. Trong ảnh: Thi công một dự án nhà xưởng tại quận 12, TP.HCM. Ảnh: HTD

Đồng tình, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, cho biết thu nội địa từ tiền sử dụng đất của Đà Nẵng luôn luôn năm sau cao hơn năm trước, có năm tăng 50%. “Nếu cứ tăng tốc độ giao đất - chuyển quyền sử dụng đất như hiện nay thì không bao lâu nữa Nhà nước sẽ không còn đất. Đất đã giao cho doanh nghiệp rồi thì rất khó thu hồi, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu thu hồi lại thì chắc chắn phải bồi thường với giá rất đắt. Chúng ta nên dừng việc giao đất ồ ạt như hiện nay mà chuyển sang cho thuê thôi. Nếu cứ tiếp tục giao đất thì hậu quả con cháu sẽ phải gánh chịu” - ông Khương nhấn mạnh.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cũng cung cấp thông tin: Nguồn thu từ ngân sách từ đất khoảng 30.000 tỉ đồng nhưng có tới 80% là thu từ tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất. Về bản chất là Nhà nước bán quyền sử dụng đất. Nguồn thu này không bền vững khi quỹ đất ngày một hẹp lại.

Vẫn tắc chuyện giá đất thị trường


Về giá đất, ông Cường phân tích sau bốn lần sửa Luật Đất đai thì đến năm 2003, chúng ta mới khẳng định chuyển nhượng đất đai phải theo giá thị trường. Nhưng hiện nay, không chỉ cơ quan nhà nước mà các chuyên gia, người dân cũng băn khoăn việc tính giá đất theo thị trường. “Không thể không tính giá đất theo giá thị trường. Bởi giá đất là thành tố của chi phí sản xuất, nếu trong kinh tế thị trường mà lại cho rằng có những thành tố phi thị trường thì thật không ổn. Nhưng thế nào là giá đất theo giá thị trường thì lại rất khó. Hiện giá đất do UBND tỉnh quy định cũng chưa thật theo giá thị trường” - ông Cường bày tỏ.

Ông Khương cũng cho hay để hướng dẫn tính giá đất theo giá thị trường, Đà Nẵng có thuê tư vấn tính giá đất quận Hải Châu. “Nhưng vừa rồi Đà Nẵng cũng đã phải báo cáo với Bộ Tài chính xin lùi việc tính giá đất theo giá thị trường sang năm 2012” - ông Khương nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP