Thị trường đất nền vắng lặng - Ảnh: D.Đ.M |
Mặc cho giá thị trường xuống thấp nhất sau nhiều năm biến động, mãi lực trên thị phần đất nền dự án vẫn tiếp tục trả về số 0.
Giá giảm vẫn ế Ngay sau khi hình thành, các quận mới như Thủ Đức, quận 9, 2, 7, 12 (TP.HCM) đã trở thành “đại lý” chủ lực cung cấp sản phẩm cho thị trường địa ốc. Nóng là vậy, nhưng 2 năm trở về đây, thị trường đất dự án thực sự đóng băng. “Bây giờ mà có được một khách hàng tìm mua đất nền là một điềm lành. Hai tháng nay, tôi chỉ tiếp đúng 3 khách hàng. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 2 nền được giao dịch thành công" - Dũng, nhân viên bán hàng thuộc một phòng giao dịch địa ốc lớn, trên đường Trần Não, Q.2 than thở. Đây cũng là tình trạng chung của các văn phòng giao dịch môi giới địa ốc dọc theo tuyến đường Trần Não hiện nay.
Đi kèm ngay sau mãi lực thị trường tụt giảm, giá đất nền dự án cũng bị ảnh hưởng. Nhiều dự án tốt nhưng nằm những khu vực xa thuộc Q.9, giá giảm tới 50 - 60% so với thời điểm 2007 và không có dấu hiệu nào cho thấy sự hồi phục.
Theo số liệu nghiên cứu thị trường của Công ty VinaLand đầu tháng 8 này, mức độ tăng giá của thị trường đất nền so với tháng trước là bằng 0. Trong 10 dự án đất nền tại Q.9, thì cả 10 dự án đều không có hiện tượng tăng giá. Khu vực Q.2, dự án tăng cao nhất là 0,7%. Tương tự, toàn bộ dự án đất nền tại khu vực Q.7, đều giậm chân tại chỗ với mức độ tăng giá là 0%.
Việc trơ đáy của thị trường cũng đã giảm bớt số lượng văn phòng môi giới giao dịch trên các tuyến đường. Dọc theo tuyến đường Dương Đình Hội, Q.9 chỉ còn lác đác vài ba văn phòng hoạt động ở cấp độ nhỏ, người môi giới hiện nay rút về hoạt động sau những tấm bảng giới thiệu kiểu truyền thống.
Ông Nguyễn Thành Đông, Trưởng phòng nghiên cứu thị trường Công ty địa ốc Phúc Đức, cho biết: đầu năm 2010, sau khi có thông tin về hầm Thủ Thiêm đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thi công, giá thị trường địa ốc có nhích lên nhưng tập trung chủ yếu tại một số khu vực Q.2 như khu vực Thạnh Mỹ Lợi. Sau những đợt giá tăng nhẹ thì thị trường lại im ắng và mãi lực thì không còn gì để nói. “Đa số người mua đón gió trước khi cơ sở hạ tầng hoàn thành, nên tạo ra hiện tượng giá nhích nhẹ. Tuy nhiên từ đầu tháng 7 đến nay thì gần như đứng im, giao dịch rất ít”, ông Đông nhận xét.
Sản phẩm "chính chủ" quá ít
Theo những người môi giới tại khu vực quận 2, 9, 7, khách hàng quan tâm và bỏ vốn đầu tư chủ yếu là những đất nền do chính chủ đầu tư đứng ra sang nhượng. Còn những dự án lâu đời thì rất ít người quan tâm. Tuy nhiên, sản phẩm “chính chủ” hiện còn rất ít trên thị trường.
Lý giải về mức tụt giảm của mãi lực thị trường trên thị phần đất nền dự án, ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc sàn giao dịch Đại Phúc cho rằng, từ năm 2007 tới nay, thị trường đất nền hầu như không có sản phẩm mới. Sản phẩm cũ thì được mua đi bán lại nhiều lần nên giá đã đội lên quá cao, do vậy không thu hút khách hàng đầu tư vào. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Đông nhận xét: đợt đóng băng 2008, đã kéo đi một lượng tiền đầu tư khá lớn nên nhiều nhà đầu tư không còn khả năng quay lại thị trường. Những người tìm được lợi nhuận vào năm 2007 lại chuyển hướng đầu tư về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An do giá rẻ. Tuy nhiên, đến khi cần bán thì lại không thể ra hàng được, nhiều người thậm chí bán huề vốn, bán lỗ vẫn không được khiến nguồn vốn dành cho địa ốc ngày càng tụt giảm. Ngoài ra lãi suất ngân hàng cao nên nhà đầu tư cũng không dám mạo hiểm vay vốn. Những yếu tố đó cộng lại khiến thị trường ngày càng ảm đạm.
Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường hiện nay đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, sự hồi phục kinh tế chung sẽ có những tác động không nhỏ đến thị trường địa ốc. Trong tương lai gần, hy vọng sẽ có những thay đổi tích cực về mãi lực.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên