Ai sẽ mạnh tay “trảm” cò thổi giá BĐS?

Cập nhật 26/06/2014 13:19

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu thị trường bất động sản (BĐS) đã thực sự ấm lên khi hàng loạt các dự án nhà ở từ cao cấp đến thứ cấp đều có hiện tượng thổi giá, làm chênh với mức từ 100 đến 300 triệu đồng, thậm chí cao hơn? Để tránh vấp phải “vết xe đổ” của thị trường, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ với nhiều giải pháp nhằm triệt tiêu việc thổi giá, tuy nhiên, đây không phải là chuyện ngày một, ngày hai và thị trường vẫn đang là cơ hội cho cò BĐS “đục nước, thả câu”!

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu thị trường bất động sản (BĐS) đã thực sự ấm lên khi hàng loạt các dự án nhà ở từ cao cấp đến thứ cấp đều có hiện tượng thổi giá, làm chênh với mức từ 100 đến 300 triệu đồng, thậm chí cao hơn? Để tránh vấp phải “vết xe đổ” của thị trường, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ với nhiều giải pháp nhằm triệt tiêu việc thổi giá, tuy nhiên, đây không phải là chuyện ngày một, ngày hai và thị trường vẫn đang là cơ hội cho cò BĐS “đục nước, thả câu”!


Việc BĐS thổi giá đang khiến cho niềm tin của thị trường ngày càng mai một.

“Cò đất” ra sức thổi giá BĐS

Sau thời dài lắng xuống, nhiều “cò đất” lại có cửa làm ăn khi thị trường có dấu hiệu tăng thanh khoản, đặc biệt tại các phân khúc nhà ở giá rẻ, có giá trên dưới 1 tỷ đồng đang là thị phần hấp dẫn người mua . Khảo sát tại nhiều dự án nhà giá rẻ thuộc diện được vay vốn ưu đãi từ gói 30 nghìn tỷ như VP5, VP6 Linh Đàm, Kim Văn – Kim Lũ (Đại Kim – Hoàng Mai) hay các dự án được chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội khác đều cho thấy, khách hàng thuận mua với nhu cầu ở thực đều phải chấp nhận tiền chênh từ 100 đến 350 triệu đồng/căn.

Chị Lê Thị Liên (Thanh Trì – Hà Nội) cho biết: “Vợ chồng tôi đã nhắm đến dự án VP6 Linh Đàm để mong có cơ hội mua được căn hộ có giá cả hợp lý. Tuy nhiên, khi đến làm việc trực tiếp của với sàn giao dịch của dự án, tôi thực sự thấy thấy vọng, bởi số tiền chênh quá cao, từ 150 đến 250 triệu đồng/căn, tùy diện tích lớn nhỏ. Như vậy, dù được mang danh là nhà giá rẻ nhưng thực tế chỉ có nhà đầu cơ hoặc do “quan hệ” thì mới có thể mua được giá gốc mà chủ đầu tư ký bán ban đầu”.

Theo chân anh Nguyễn Văn Lợi, một nhân viên kinh doanh của sàn giao dịch BĐS nằm trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân – Hà Nội) đến một số dự án nhà ở thương mại ở 143 Trần Phú (Hà Đông), với các căn hộ từ 45 cho đến hơn 70m2, anh cho biết tiền chênh rơi ở ngưỡng 100 cho đến 250 triệu đồng/căn. Vị này cũng giới thiệu ở các dự án khác mà sàn giao dịch của anh nắm giữ như dự án khu đô thị mới Trung Văn, 30 Phạm Văn Đồng hay Dự án Tổ hợp nhà ở thương mại dịch vụ chung cư AZ Thăng Long (Hoài Đức) cũng có mức chênh tùy theo. “Các dự án này đều trong giai đoạn đang hoàn thiện, nếu quyết, tiền chênh sẽ “nhẹ” hơn chứ để lâu, sợ không còn hàng để mua”, anh Lợi nói.

Ở một hạng khác, chị Tô Như Huyền (Vĩnh Phúc) sau thời gian dài tìm mua chung cư cao cấp cũng than thở: “Đi đâu cũng gặp cò đất, lúc gọi điện đến họ nói rằng, sẽ làm việc trực tiếp với chủ đầu tư nhưng khi ưng ý thì cò mới cho biết đến số tiền chênh cao ngất”. Hiện, một số dự án chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội đang xuất hiện giá chênh lớn, cụ thể: Trung Yên Plaza có mức chênh 150 triệu đồng/căn, Madrin Garden và Lancanster (Ba Đình) là 200 triệu đồng/căn…

Liệu có bị các cơ quan chức năng “gõ đầu”?

Anh Vũ Minh Tuyến, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Phúc Hà (Phúc Hà Group) cho biết: “Thị trường BĐS không khác các thị trường tài chính khác, có cung có cầu và việc làm giá cao hay thấp phụ thuộc vào giá trị căn hộ và xuất phát từ nhu cầu của người mua. Tuy nhiên, kinh phí tư vấn sẽ được đặt ra một cách hợp lý còn việc thổi giá quá cao là do một số “cò đất” hoặc nhiều sàn giao dịch BĐS được dựng lên nhưng hoạt động hình thức là chính” .

Thực tế này cũng cho thấy, thị trường bất động sản phát triển chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Đây cũng là căn nguyên khiến Bộ Xây dựng bác bỏ việc giao dịch BĐS bắt buộc phải thông qua sàn trong Dự thảo Luật kinh doanh BĐS đã được Quốc hội thông qua trước đó.

Tại Đề án phát triển thị trường BĐS đã được trình Chính phủ hôm rồi, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận: “Giao dịch ngầm dẫn đến hiện tượng làm giá, đầu cơ, lũng đoạn thị trường đang diễn ra phức tạp tại nhiều dự án”. Và nếu không kiểm soát chặt, khi thị trường ấm lên rất dễ tạo cơ hội cho nhiều kẻ chuộc lợi đứng ra “tạo sóng”.

Chia sẻ về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: “Hiện nay, bất động sản tăng giá một phần là do sự thổi giá của cò đất. Nhiều năm trước đây, khi thị trường BĐS còn ở thời khởi sắc thì đây là nơi ăn nên làm ra của nhiều người, lúc thị trường đóng băng, họ chuyển hướng làm ăn khác, nhưng đến khi thị trường có dấu hiệu ấm lên, cò lại trở về với thói kiếm tiền theo kiểu chộp giật. Vậy nên, các cơ quan quản lý cần mạnh tay với kiểu làm ăn này, tránh việc đi theo vết xe đổ vốn đã khiến thị trường sống trong những cơn sốt ảo như trước đây”.

Ông Phạm Ngọc Dũng, CTHĐQT Sông Đà 207, chủ đầu tư dự án Thăng Long Victory (Khu đô thị Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Tâm lý người mua cũng là nguyên nhân khiến cò thổi giá, bởi khách hàng hễ thấy thông tin các dự án sốt nóng, có giá chênh thì lại ồ ạt kéo đến mua, trong khi nhiều dự án chủ đầu tư để giá gốc thì lại chẳng màng để tâm tới”. Ông cũng cho rằng, chính khách hàng sẽ là người “gõ đầu” các cò bất động sản và nên tìm hiểu việc mua nhà qua nhiều nguồn tin, tránh rơi vào “mâm cỗ” đã bày sẵn của những đối tượng này.

Lâu nay, thị trường BĐS vẫn phát triển theo hướng thuận mua, vừa bán nên chưa có sự kiểm soát chặt chẽ về giá. Trong Đề án phát triển thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc làm giá bất động sản rất cần sự chung tay vào cuộc của Nhà nước và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong lúc đợi “bề trên” vào cuộc thì khách hàng vẫn là người cần tỉnh táo để đưa ra những quyết định cuối cùng.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng