Ai là “tổng đạo diễn”?

Cập nhật 18/11/2009 14:55

Một phần do cung cầu thiếu cân đối nên thị trường xuất hiện những đợt sốt nóng. Phần khác, quan trọng hơn, là do các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đang cố tình “găm giữ” một lượng lớn thửa đất...

Một phần do cung cầu thiếu cân đối nên thị trường xuất hiện những đợt sốt nóng. Phần khác, quan trọng hơn, là do các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đang cố tình “găm giữ” một lượng lớn thửa đất, căn hộ, đồng thời áp dụng nhiều chiêu “kích” giá lên hòng tung hàng ra hốt bạc trong tương lai.

“Công cuộc” thổi giá được bắt đầu từ khi tòa nhà còn chưa đào móng


“Găm” hàng, tạo khan hiếm


Nói về cơn sốt nóng giá đất ở Hà Nội những ngày gần đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, đó là do cung cầu chênh lệch. Nhu cầu quá lớn trong khi cung ít. Có thể có nguyên do này song sẽ thật vô lý nếu người ta biết được cơn sốt đã bùng phát ngay sau khi Hà Nội công bố danh mục 240 dự án đầu tư, đồ án quy hoạch (trong đó, đa phần là dự án bất động sản) từ vành đai 4 trở vào được tiếp tục triển khai. Chỉ có thể giải thích sự vô lý này là người ta đã cố ghìm nguồn cung lại, không chịu bung hàng ra thị trường.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia kinh tế cùng chung nhận định, “tổng đạo diễn” giật dây cho những cơn sốt đất cục bộ vừa qua chính là các chủ đầu tư ở phía Tây thành phố. Động cơ của những chủ dự án là khá rõ ràng bởi họ chính là đối tượng thu lợi lớn nhất khi giá đất lên đỉnh.

Một chuyên gia phân tích: “Ai có lợi từ những cơn sốt giá nhà đất? Nhà nước không được lợi, người dân thiệt nặng, chỉ có một nhóm nhỏ các nhà đầu tư và doanh nghiệp được lợi. Sau hơn 1 năm đình đốn vì đa số nằm trong diện dự án, đồ án phải được rà soát, đáng lý, lượng hàng mới cho thị trường phải được tung ra ồ ạt ngay sau khi 240 dự án được thành phố Hà Nội “cởi trói”, giúp hạ “cơn khát” và bình ổn giá.

Thực tế lại diễn ra ngược lại. Càng nhiều dự án thoát “cửa” rà soát, hàng càng được đưa ra theo kiểu nhỏ giọt và giá leo thang từng ngày. Rõ ràng có hiện tượng “găm” hàng, tạo khan hiếm ảo. Có lợi nhiều nhất trong cơn sốt này, không ai khác, chính là những chủ đầu tư các khu đô thị, những người nắm giữ nhiều đất đai nhất và có quyền lực chi phối thị trường ở phía Tây thành phố”.
 

Nhiều chuyên gia kinh tế cùng chung nhận định, “tổng đạo diễn” giật dây cho những cơn sốt đất cục bộ vừa qua chính là các chủ đầu tư ở phía Tây thành phố. Động cơ của những chủ dự án là khá rõ ràng bởi họ chính là đối tượng thu lợi lớn nhất khi giá đất lên đỉnh.

“Các dự án xung quanh trục Láng - Hòa Lạc, Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn là những ví dụ điển hình. Thật là kỳ cục bởi dự án bên trong, sát trung tâm hơn, lại không nóng trong khi những dự án bên ngoài lại sôi sùng sục. ở đây, các doanh nghiệp đã tạo ra “sóng” bất động sản như “sóng” trên thị trường chứng khoán. Và ở thời điểm này, người ta chỉ “đánh” theo từng dự án, hết khu này sẽ kéo sang khu khác...” - ông Nguyễn Đức Kiên, ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Tuy nhiên, nếu mãi chỉ nóng ở một vài khu sẽ gây “dị nghị” nên phải tiến hành “nghi binh”, gây nhiễu ở nhiều khu vực lân cận để đánh tiếng rằng “tất cả đều nóng nhé, đâu riêng mình tôi”.

“Bài” kích giá

Một nhà đầu tư (đề nghị không nêu tên) đang tham gia vào các dự án bất động sản lớn ở phía Tây Hà Nội tiết lộ, chủ động tăng giá bán là cách “làm hàng” nhanh và hiệu quả nhất, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Ông này kể, hồi đầu năm 2009, khi thị trường bất động sản còn đang chưa rõ phương hướng, giao dịch hầu như không có nhưng công ty này vẫn phải chủ động cứ 3 tháng tăng 20% giá bán một lần. Đơn giản là để cho các nhà đầu tư thấy “có lãi” còn người chưa đầu tư thì thấy ham mà “ôm” vào, khiến việc bán hàng thuận lợi hơn nhiều.

Thật quái lạ là “chiêu” kích giá này càng dễ thành công khi thị trường ấm dần lên. Nhiều khách hàng đã bị choáng khi chỉ sau 2 tuần đi công tác về, hợp đồng góp vốn chưa kịp ký đã phải hủy bỏ vì giá đã tăng tới 15, thậm chí 20% nhưng cuối cùng vẫn cố ký vì “không nhanh “nó” lại tăng tiếp”...

Tại khu căn hộ chung cư Usilk City (Văn Khê, Hà Đông) một trong những tâm điểm của cơn sốt nhà đất hiện nay ở Hà Nội, trong vòng 3 tháng gần đây, giá căn hộ được điều chỉnh tăng tới 3 lần! Căn hộ có vị trí tốt nhất ở khu này (giao nhà vào năm 2012) có thể lên tới mức giá gần 2.000 USD/m2, trong khi căn hộ tại Sky City Tower (88 Láng Hạ), giao nhà ngay cũng chỉ được giao dịch trên 2.000 USD/m2 một chút.

Ai cũng rõ lợi thế trong nội thành của tòa 88 Láng Hạ tốt hơn, thuận tiện hơn nhiều so với khu Văn Khê, Hà Đông, nhưng thật quái lạ là người ta vẫn đổ xô vào mua (theo lời quảng cáo của nhân viên bán hàng).

Các chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư hãy cẩn thận. Rất có thể thị trường bất động sản và cả thị trường chứng khoán sẽ biến động dai dẳng theo hình răng cưa và tương đối gấp, nên độ rủi ro rất cao. Nếu cứ nghe khu vực nào đang “sốt”, các nhà đầu tư lại lao bổ vào thì rất dễ mất tiền oan khi bong bóng bất động sản nổ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, không ai khác, chính các nhà đầu tư phải tự thiết lập được bộ lọc cho mình bởi sẽ không có cơ quan Nhà nước nào đứng ra bảo vệ cho họ. Thông tin nào có lợi, thông tin nào không xác thực, thời điểm mua vào - bán ra sẽ quyết định khả năng thắng bại trong đầu tư. “Lướt sóng” bất động sản tuy có thể đem lại lợi nhuận lớn song cũng có thể bị ụp thuyền như chơi nếu cái đầu không tỉnh táo.
 

>>Bài 1:Tứ bề tăng giá


DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô