Ai đứng sau huy động vốn dự án của VinaMegastar?

Cập nhật 18/07/2013 10:46

Nhiều dự án BĐS của VinaMegastar đều thông qua Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hạ Long, ông Phạm Như Quỳnh là Giám đốc để huy động vốn từ khách hàng cá nhân.

Nhiều dự án BĐS của VinaMegastar đều thông qua Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hạ Long, ông Phạm Như Quỳnh là Giám đốc để huy động vốn từ khách hàng cá nhân.

Thông tin chủ tịch VinaMegastar bị bắt tạm giam gần đây đã khiến hàng trăm khách hàng đã góp vốn hàng trăm tỷ đồng vào các dự án đang rất hoang mang. Qua tìm hiểu, được biết VinaMegastar đã tiến hành thực hiện chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng vào một số dự án BĐS lớn tại Hà Nội như Hesco Văn Quán, Vĩnh Hưng Dominium,…

Trong những năm 2009 – 2010, để triển khai đầu tư dự án, VinaMegastar đã tiến hành huy động vốn đầu tư, thế chấp dự án, phát hành trái phiếu để có nguồn vốn thực hiện. Việc huy động vốn từ khách hàng cá nhân chủ yếu đến từ Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hạ Long (Hạ Long)-đơn vị thứ cấp của dự án.

Qua tìm hiểu của chúng tôi được biết, Hạ Long đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Megastar Land từ 2009, để trở thành đơn vị thứ cấp tại dự án. Sau đó, Hạ Long tiếp tục tiến hành huy động vốn từ hàng trăm khách hàng. Tổng số tiền có thể lên đến gần 400 tỷ đồng, số tiền huy động vốn này đang có nguy cơ “chết chìm” cùng với dự án.

Đơn cử như tại dự án 409 Lĩnh Nam (Vĩnh Hưng Dominium), Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hạ Long do ông Phạm Như Quỳnh là Giám đốc có trụ sở tại Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh đã ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư với Megastar Land vào tháng 10/2009.

Theo đó, hai bên đã thống nhất cùng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án Vĩnh Hưng Dominium với tổng diện tích sàn xây dựng dự kiến 46.000m2, diện tích kinh doanh là 35.000m2, cao 25 tầng, với giá bán 2 bên thống nhất là 11,4 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT).

Hạ Long phải trả cho VinaMegastar tổng số tiền là 399 tỷ đồng, được nộp thành 6 lần. Lần 1, Hạ Long chuyển cho Megastar Land 10 tỷ đồng ngay sau khi ký hợp đồng; Lần 2 sau 10 ngày kể từ khi nhận tiền lần 1 là 35 tỷ; Lần 3 là 88 tỷ khi khởi công móng trong 20 ngày; Lần 4 là 133 tỷ sau 1 tháng hoàn thành móng; Lần 5 là 100 tỷ sau 1 tháng kể từ khi xong thân; Lần 6 khi bàn giao công trình là 33 tỷ.

Tại dự án Hesco Văn Quán, Hạ Long cũng đã ký hợp đồng góp vốn với hàng trăm khách hàng, trong khi dự án vẫn đang “đắp chiếu”. Megastar Land giới thiệu dự án này là một tòa tháp đôi cao 50 tầng và 45 tầng, xây dựng trên lô đất 21.000m2, KĐT Văn Quán, Hà Nội. Đây là dự án Megastar Land hợp tác với Công ty CP Thiết bị Thủy lợi.

Hesco Văn Quán vẫn chỉ là bãi đất trống

Theo đại diện nhóm khách hàng Hesco Văn Quán, nhóm khách hàng này đã lập Hội dự án Hesco, đến nay Hội đã quy tụ được hơn 100 thành viên. Trong số đó, có đến 80% là hợp đồng khách hàng ký với Hạ Long. Ngoài ra, còn rất nhiều người mua nhà khác từ các tỉnh ngoại thành cũng đã trót ký hợp đồng góp vốn vào dự án.

Mới đây, trên phương tiện truyền thông, sau khi ông Nguyễn Hoàng Long, chủ tịch VinaMegastar bị bắt, ông Lê Văn Phú, chủ tịch mới của VinaMegastar đã có động thái trấn an dư luận. Ông Phú cho biết sẽ có buổi họp mặt khách hàng, đồng ý thành lập công ty mới do người mua nhà làm chủ, và người mua nhà sẽ tiếp tục nộp tiền vào công ty để triển khai dự án.

Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng, mô hình công ty này khó có tính khả thi vì gặp rất nhiều vấn đề phát sinh như giải quyết vấn đề tài chính như thế nào, phân chia lợi nhuận, sản phẩm thế nào, những vấn đề tồn đọng của dự án xử lý thế nào,…để điều hành hoạt động công ty này thì người mua nhà phải đạt được sự đồng thuận rất cao.

Ngoài những dự án của VinaMegastar mà Công ty Hạ Long làm thứ cấp và huy động vốn từ người dân. Theo một khách hàng của Hạ Long, không chỉ riêng dự án của VinaMegastar mà Hạ Long còn huy động vốn tại nhiều dự án khác, theo vị này danh sách phải lên đến 14 dự án, trong đó có một số dự án tại Hà Nội như CT3 Trung Văn, Thanh Hà,…

Chẳng hạn trường hợp tại CT3 Trung Văn, vào cuối 2012  báo chí cũng đã phản ánh nhiều về việc khách hàng có nguy cơ mất nhà, mặc dù đã đóng tiền cho công ty Hạ Long lên đến 90% giá trị căn hộ. Công trình đi vào bàn giao nhà, tuy nhiên, hàng chục khách hàng lại không nằm trong sanh sách được bàn giao nhà của chủ đầu tư với lý do Hạ Long chưa đóng hết tiền cho chủ đầu tư. Theo đại diện của Hanic, khi đó Hạ Long mới nộp tương đương 70%.

Như vậy, “phát súng” đổ vỡ của VinaMegastar như một lời cảnh báo cho vấn đề rủi ro khi mua nhà qua công ty thứ cấp. Đây cũng là dấu hiệu, tín hiệu của sự đổ bể của những công ty kinh doanh BĐS “tay không bắt giặc” ngày càng lộ diện. Phát súng này có thể sẽ báo hiệu cho nhiều doanh nghiệp khác có thể cũng sẽ là VinaMegastar thứ hai, thứ ba,…

DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ