Ác mộng tái định cư ven phá

Cập nhật 12/03/2010 10:05

Với nhiều hộ ven đầm phá Tam Giang, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, tái định cư (TĐC) đã trở thành cơn ác mộng.

Với nhiều hộ ven đầm phá Tam Giang, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, tái định cư (TĐC) đã trở thành cơn ác mộng.

Không một bóng người, khu TĐC Cồn Đường. Ảnh: Ngọc Văn

Đua nhau bỏ làng


Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, được xem là địa phương đứng đầu toàn tỉnh về lượng nhà TĐC bị bỏ phế, nhiều hộ dân lần lượt rời bỏ nơi ở mới để quay về chốn cũ cơ hàn.

Khu Cồn Đường (thôn Hà Lạc) là một trong những địa chỉ TĐC bị dân bỏ hoang như vậy. Về Cồn Đường đang độ giữa trưa, chúng tôi vẫn có cảm giác rờn rợn bởi sự âm u, đổ nát của hàng loạt ngôi nhà hoang loang lổ rêu phong nằm biệt lập giữa không gian tĩnh lặng.

Điều gì khiến dân kéo nhau bỏ xóm làng ra đi. Một thảm họa nào đó từng xảy ra nơi đây? Thắc mắc của chúng tôi cuối cùng cũng được giải đáp phần nào từ một gia đình nghèo còn cố đeo bám xóm hoang Cồn Đường. Đó là hộ ông Hồ Ký.

“Ngày mới ra tái định cư, xóm có gần 20 nóc nhà chứ ít mô. Hồi đó, ở chốn đồng không mông quạnh ni, chỉ những hộ quá nghèo, quá khó khăn chỗ ở mới chịu đến”, ông Ký thủng thẳng.

Khi dời ra Cồn Đường, dân được cấp đất sản xuất, đất ở và nhận hỗ trợ kinh phí từ tổ chức nước ngoài để cất nhà ở. Nhưng rồi, qua 10 năm, xóm Cồn Đường vẫn thế, như một ốc đảo bị lãng quên.

Không đường, không điện, không nước sạch, trường học. Thiên tai triền miên, đất cằn cỗi, nhà cửa ngày càng xuống cấp, nên gần đây dân lần lượt bỏ đi. Cả khu TĐC hiện chỉ còn 4 hộ cố bám lại.

Vợ ông Ký than: “Mùa mưa, bão lụt tứ bề, dân phải bỏ nhà vào làng Hà Lạc lánh nạn. Làm ra hạt lúa, củ khoai đã khổ, giữ được chúng càng khó. Tái định cư mà chỉ sống được mỗi mùa khô, bà con không bỏ đi nơi khác mới lạ. Năm rồi, thêm 4 hộ nữa bỏ đi”.

Kinh tế khó khăn, con em những hộ dân còn cố trụ lại Cồn Đường cũng không đủ sức đeo đuổi con chữ. “Năm rồi, thằng cu lớn nhà tui mới học lớp 7 thì nghỉ giữa chừng. Con em của ba hộ khác là Võ Lộc, Đặng Sanh, Đặng Nhung cũng vậy, cứ học đến lớp 6, lớp 7 đành phải dang dở”, ông Hồ Ký nói chua chát.

Vạn đò lên bờ hứng lụt

Rời Cồn Đường sang thôn Ngư Mỹ Thạnh, thêm một cụm TĐC mới được đầu tư tiền tỷ dành cho dân vạn đò Quảng Lợi cũng bị bỏ hoang phế. Khu TĐC mới với 40 nhà được đầu tư bài bản, khang trang, hiện đại hơn so với vùng Cồn Đường.

Ông Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, kiến nghị: “Kinh nghiệm từ nhiều nhà dân bị bỏ hoang, ngành chức năng và địa phương nên tổ chức định cư xen ghép tại những vùng dân cư đã ổn định. Có như vậy, bà con vạn đò hay diện giãn dân sẽ thuận tiện ăn ở, sớm an cư lạc nghiệp”.
Nhà xây đồng bộ, mái tôn, đường bê tông, điện sinh hoạt dẫn đến tận thôn, có thêm giếng bơm do tỉnh hỗ trợ… Song, những phận người lênh đênh sông nước nơi này lại không muốn gắn bó với khu ở mới.

Ngư dân Nguyễn Ngọc kêu: “Nhà mới chi mô còn dở hơn ở đò. Mùa mưa nước ngập nửa vách tường, cả ngày canh chừng dọn lụt thôi cũng đủ mệt, mần ăn chi được nữa”.

Khu TĐC Ngư Mỹ Thạnh bố trí sát phá Tam Giang nhằm phù hợp với tập quán làm ăn, sinh sống của cư dân vạn đò. Ngặt nỗi, nền móng thiết kế ở vị trí thấp trũng, hễ mưa to, nhà cửa và bao nhiêu đồ đạc bên trong đều bị ngập, mái tôn cũng bị gió giật tơi tả.

Được biết, khi thực hiện khu TĐC theo kiểu chìa khoá trao tay, dân xin tự bỏ kinh phí để nâng cao nền nhà tránh lụt nhưng không được chấp nhận. Đơn vị thi công cãi lý rằng, phải tuân thủ theo mô hình đồng bộ đã thiết kế sẵn.

Cả khu TĐC hiện có hơn 10 hộ bỏ nhà hoang quay về hẳn sông nước. Những nhà còn lại, tuy có người đi về, nhưng chưa thực sự là chốn an cư của dân vạn đò. Thời điểm chúng tôi ghé qua, cả khu chỉ có trẻ con và một vài phụ nữ ở nhà.

“Bỏ hẳn nhà quay lại phá còn phải gánh theo cả cục nợ anh ạ. Đó là khoản vay mượn trên dưới chục triệu đồng để tự san nền, làm công trình phụ, nhà vệ sinh, vì cứ tưởng sẽ gắn bó lâu dài”, anh Nguyễn Huấn ngán ngẩm.

Dân lên bờ rồi trở lại sông nước, giữa lúc công tác tái định cư vạn đò ở Quảng Lợi vẫn chưa hoàn thành. “Xã còn nhiều hộ vạn đò chưa được lên cạn, nhưng bố trí vào những ngôi nhà bị bỏ trống thì không ai thèm nhận, do nằm ở chỗ thấp, lụt”, ông Hoàng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, thở dài.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong