99% dự án xây dựng chậm tiến độ do quản lý lỏng lẻo?

Cập nhật 21/12/2011 10:50

Mới đây Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa công bố một thông tin gây "sốc", hầu hết các dự án đầu tư tại Việt Nam đều chậm tiến độ và tỷ lệ về đích đúng hẹn chỉ chiếm chưa tới 1%. Đặc biệt có những dự án trọng điểm Quốc gia nhiều năm liền vẫn ỳ ạch ở công tác giải phóng mặt bằng.


Ông Trần Ngọc Hùng - chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Mới đây Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa công bố một thông tin gây "sốc", hầu hết các dự án đầu tư tại Việt Nam đều chậm tiến độ và tỷ lệ về đích đúng hẹn chỉ chiếm chưa tới 1%. Đặc biệt có những dự án trọng điểm Quốc gia nhiều năm liền vẫn ỳ ạch ở công tác giải phóng mặt bằng.

Xung quanh vấn đề này, PV báo Nguoiduatin.vn đã có buổi trao đổi với ông Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Vốn thiếu và nhiều hệ lụy vì thiên về chọn nhà thầu... rẻ

* Theo số liệu Tổng hội Xây dựng đưa ra thì có đến hơn 99% các dự án xây dựng, trong đó chủ yếu là dự án trọng điểm Quốc gia bị chậm tiến độ. Vậy nguyên nhân chủ yếu do đâu, thưa ông?

Thực tế nhiều công trình kéo dài 5- 7 năm. Nguyên nhân dẫn đến chậm trễ chủ yếu do cơ chế, chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) còn bất cập liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân "bị giải phóng mặt bằng". Cụ thể, giá đền bù thiếu nhất quán và không phù hợp; khu tái định cư không bằng nơi ở cũ; các tổ chức tư vấn, lập phương án GPMB, các ban GPMB không chuyên nghiệp, lúng túng; các chế tài còn chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh.

Bên cạnh đó là giai đoạn đấu thầu và thực hiện thi công. Có rất nhiều công trình đấu thầu kéo dài xảy ra chủ yếu ở công trình vốn Nhà nước. Hiện tượng cục bộ, địa phương, nể nang trong tổ chức lựa chọn nhà thầu (kể cả đấu thầu và chỉ định thầu), hiện tượng tiêu cực "quân xanh, quân đỏ" cho các công ty "sân sau" của chủ đầu tư cũng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng thầu. Trong khi đó, những công trình vốn tư nhân công tác đấu thầu cực kỳ đơn giản và gọn nhẹ. Đặc biệt Luật Đấu thầu thiên về chọn nhà thầu giá rẻ mà không tính đến đầy đủ năng lực đảm bảo tiến độ và chất lượng nhà thầu dẫn đến đấu thầu kéo dài.

* Ngoài vấn đề năng lực nhà thầu, hiện nay chênh lệch do trượt giá quá lớn so với hợp đồng ký ban đầu dẫn đến nhiều nhà thầu thua lỗ. Do đó, họ cố tình tìm cách chây ỳ vì càng làm càng lỗ. Theo ông, có biện pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Bên cạnh những nguyên nhân trên, một nguyên nhân khác dẫn đến hầu hết các công trình chậm tiến độ là do vốn không được đảm bảo. Hiện tượng phân bổ vốn dàn trải vẫn phổ biến, trình tự, thủ tục cấp vốn, thanh toán chậm trễ dẫn đến tiến độ thi công kéo dài. Thực tế, chỉ trừ một số dự án trọng điểm còn tuyệt đại đa số dự án triển khai chậm do nguồn vốn thực hiện không đủ, chậm quyết toán. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của các chủ thể tham gia dự án từ người quyết định đầu tư, chủ đầu tư các nhà thầu tư vấn, xây lắp còn hạn chế, bất cập so với tốc độ phát triển nhanh, quá nóng.

Có hai điều quan trọng trong lĩnh vực đấu thầu khi nhà thầu đã nhận thầu và ký hợp đồng với chủ đầu tư. Nhà thầu phải tính toán đến mức độ trượt giá cũng như rủi ro ngay trong hợp đồng đã ký. Chúng ta thừa biết rằng, ở Việt Nam chỉ số lạm phát luôn rất cao nên nhà thầu bắt buộc phải tính toán đến yếu tố đó. ở nhiều nước vấn đề này được xử lý rất nhanh nhưng ở nước ta vấn đề khúc mắc chính là vốn Nhà nước còn hạn chế. Nhà nước phải tìm cách xử lý.

Mỗi dự án, cần có người chịu trách nhiệm cá nhân rõ ràng

* Theo ông, các dự án chậm tiến độ gây thiệt hại đến kinh tế - xã hội như thế nào?

Các dự án chậm tiến độ sẽ gây thiệt hại và lãng phí vô cùng lớn. Nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội bỏ vốn đầu tư vào các dự án xây dựng (chiếm 40% GDP), nhưng do chậm hoàn thành dẫn đến đình trệ sản xuất, nguồn vốn không được quay vòng kịp thời, bị "chôn" vốn, lãi suất vẫn phải trả, thiếu công trình cho xã hội, cho người dân... Đặc biệt, lãng phí về đất đai khó có thể đo đếm hết.

* Những đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm về những dự án "treo" này thưa ông?

Chúng ta cần phải làm rõ cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm với từng dự án, từ phân bổ vốn kiểu rải mành mành đến vì sao chọn nhà đầu tư thiếu năng lực, chính quyền địa phương quan liêu... để từ đó có chế tài xử lý. Thực tế, chúng ta đã có đủ quy định pháp lý để xử lý trách nhiệm dẫn đến tình trạng dự án "treo" nhưng chính chúng ta đang mắc bệnh cái gì cũng tập thể nên rất khó xử lý.

* Một thực tế trong công tác quản lý nhà và đất dự án hiện nay, đất sau khi đã hoàn thành thủ tục giao cho các chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà đất coi như hoàn thành nhiệm vụ, dù có muốn cơ quan này cũng không thể kiểm tra, kiểm soát gì được. Liệu có phải quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đang bị buông lỏng?

Trước đây, Nhà nước giao cho chủ đầu tư tự giải phóng mặt bằng. Tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị Nhà nước thay đổi. Chúng ta phải học tập các nước xung quanh, GPMB sạch, đầu tư toàn bộ hạ tầng, đấu thầu các dự án trên mảnh đất đã được GPMB và có hạ tầng. Giá trị chênh lệch địa tô đó Nhà nước sẽ được hưởng chứ không như hiện nay bị các doanh nghiệp hưởng lợi.

* Tổng hội Xây dựng có những kiến nghị gì để giải quyết tình trạng này?

Toàn bộ công trình xây dựng đều phải xuất phát từ quy hoạch. Quy hoạch kinh tế xã hội phải đi trước một bước, quy hoạch vùng, chi tiết làm cơ sở cho dự án. Nhà nước phải sửa đổi bổ sung, thậm chí xây dựng hàng loạt những điểm mới liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch. Hiện Bộ Xây dựng cũng đang chủ trì một đề án lớn, đó là đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng. Mọi vấn đề tồn tại đều được nhắc đến trong đề án này.

Bên cạnh đó, phải có chính sách chế độ với ngành xây dựng để cán bộ, công nhân viên sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu xây dựng của đất nước. Mới đây, chúng tôi có tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng năng lực ngành xây dựng Việt Nam. Có một điều đáng buồn là chúng ta chưa coi trọng đúng mức lao động của những người xây dựng.

Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin