Theo thống kê của UBND các quận - huyện, tại TPHCM còn khoảng 80.000 các giấy tờ về nhà - đất hợp pháp được cấp qua...
Theo thống kê của UBND các quận - huyện, tại TPHCM còn khoảng 80.000 các giấy tờ về nhà - đất hợp pháp được cấp qua các thời kỳ (thường gọi là giấy trắng).
Theo quy định tại NĐ 84/CP của Chính phủ, đến ngày 1.1.2008, những loại giấy tờ nhà - đất muốn giao dịch phải chuyển qua các loại giấy chứng nhận mới (giấy hồng, giấy đỏ). Chỉ vài ngày nữa là đến thời hạn nhưng vẫn có những cách hiểu khác nhau giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường và TP: Bộ nói còn, còn TP thì nói không!
Hiểu thế nào cho đúng?
Theo khoản 1 Điều 66 của Nghị định 84/CP của Chính phủ thì kể từ ngày 1.1.2008, người sử dụng đất phải có các loại giấy chứng nhận (tức là giấy hồng, giấy đỏ) mới thực hiện được giao dịch.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều này, thì những trường hợp nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận (GCN) trước ngày 1.11.2007 mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCN, người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất như quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai (các loại giấy trắng) thì vẫn được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…
Chính vì thế có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan liên quan đến việc giải quyết thủ tục giao dịch nhà - đất tại TPHCM về thực hiện Khoản 2 Điều 66 của NĐ 84/CP.
Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường thì giấy trắng vẫn sẽ được giao dịch bình thường sau ngày 1.1.2008 vì NĐ 84/CP không hề yêu cầu người dân phải đi chuyển giấy trắng sang giấy hồng, giấy đỏ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đỗ Phi Hùng lại tỏ ra băn khoăn vì Luật Nhà ở thì không quy định thời gian đổi giấy trắng nhưng NĐ 84/CP lại khống chế thời hạn giao dịch. Nhưng theo nhận định của ông Hùng thì theo điều khoản trên, muốn giao dịch kể từ ngày 1.1.2008 người dân phải tiến hành đổi giấy trắng sang giấy hồng trước đó.
Việc quy định tại Khoản 2 điều này chỉ cho các trường hợp nộp hồ sơ cấp đổi giấy trước ngày 1.11.2007 nhưng chưa được cơ quan quản lý giải quyết thì vẫn được giao dịch vì lỗi là do sự chậm trễ của cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng khẳng định rằng, ngày 1.1.2008 chỉ là mốc thời gian chi phối về giao dịch, riêng tính pháp lý của các loại giấy trắng vẫn còn nguyên giá trị. Nếu không có nhu cầu giao dịch thì giấy trắng vẫn còn giá trị xác lập quyền sở hữu nhà sau 1.1.2008.
Ngân hàng: Nơi nhận thế chấp, nơi không
Hiện số lượng nhà - đất có các loại giấy trắng thực hiện thủ tục giao dịch tại các cơ quan có thẩm quyền tại TPHCM chiếm khoảng 30% tổng số hồ sơ. Sự mâu thuẫn của các cơ quan Nhà nước không chỉ làm cho người dân hoang mang mà còn gây lúng túng cho các cơ quan công chứng và ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng Lâm - Phó Phòng Tín dụng Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, Chi nhánh Sài Gòn cho biết, hiện ngân hàng vẫn nhận thế chấp các loại nhà- đất là giấy trắng vì theo ông Lâm các loại giấy trắng vẫn được xác lập chủ quyền nhà - đất.
Tuy nhiên, sau ngày 1.1.2008, nếu người dân có nhu cầu đổi giấy trắng thì ngân hàng sẽ cho nhân viên ngân hàng cầm giấy trắng đến cơ quan cấp giấy với khách hàng để làm thủ tục chuyển sang giấy đỏ, giấy hồng mới theo quy định. Ngân hàng Á Châu hiện nay khi nhận thế chấp với các loại giấy trắng đã hỗ trợ khách hàng liên hệ với các cơ quan cấp giấy đổi sang giấy hồng trước khi nhận thế chấp.
Tuy nhiên, một số ngân hành nhằm hạn chế rắc rối phát sinh nên không nhận thế chấp các loại giấy trắng từ vài tháng trước. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện số nhà - đất có giấy trắng thế chấp tại ngân hàng không nhiều, tuy nhiên ngân hàng chủ yếu nhận thế chấp đối với nhà - đất có giấy hồng, giấy đỏ và những hồ sơ đã thông qua giao dịch bảo đảm tại các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm mà thôi.
Không chỉ ngân hàng, hiện các phòng công chứng cũng có những cách giải quyết khác nhau. Lãnh đạo Phòng công chứng số 2 cho rằng theo NĐ 84/CP thì từ ngày 1.1.2008 muốn mua bán, tặng cho, chuyển nhượng… nhà đất thì người dân phải chuyển đổi sang giấy hồng mới được xác nhận hợp đồng giao dịch.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp người dân đã đi làm thủ tục đổi giấy nhưng việc chậm trễ cấp giấy mới là do lỗi của cơ quan cấp giấy thì chủ sở hữu có thể sử dụng giấy tờ, biên nhận đã nộp hồ sơ hoàn tất trước ngày 1.11.2007 để công chứng các hợp đồng, giao dịch của loại giấy trắng này.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Công chứng số 6 Huỳnh Thị Ngọc Yến thì nếu chỉ căn cứ vào tờ biên nhận mà các cơ quan công chứng các hợp đồng giao dịch sẽ gặp rắc rối và thiếu chặt chẽ vì biên nhận không ghi rõ chủ sở hữu là ai đối với những tài sản chung, diện tích căn nhà đó bao nhiêu, quy hoạch ra sao?
Ngày 25 -12, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn để thống nhất việc thực hiện các giao dịch giấy trắng từ ngày 1.1.2008. Nhiều ý kiến cho rằng việc thống nhất các loại giấy tờ nhà - đất là đúng đắn nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người dân. 80.000 trường hợp nhà - đất là giấy trắng tại TPHCM là không ít, do đó cho gia hạn cho giấy trắng tiếp tục được giao dịch sau ngày 1.1.2008 được nhiều người ủng hộ.
Theo Sài Gòn Giải Phóng