Gần 700 dự án bất động ở TP.HCM có tiến độ triển khai ì ạch đang đứng trước nguy cơ bị thu thu hồi, do hết thời gian gia hạn đầu tư.
Một góc Dự án Đông Tăng Long (quận 9), một trong những dự án có tốc độ triển khai rất chậm |
Hàng trăm dự án trong tầm ngắm bị thu hồi
Lãnh đạo TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, rà soát gần 700 dự án trên địa bàn đã được chấp thuận địa điểm đầu tư từ nhiều năm nay, nhưng chủ dự án vẫn chưa triển khai, hoặc triển khai rất chậm.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, qua kiểm tra cho thấy, có 479 dự án đã có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư sử dụng đất vào mục đích sử dụng phát triển nhà ở, sản xuất kinh doanh, phúc lợi công cộng, với tổng diện tích 4.390 ha. Trong số này, có 142 dự án với tổng diện tích hơn 1.300 ha có tỷ lệ bồi thường dưới 50% diện tích và các dự án đã bồi thường trên 50% nhưng không đủ điều kiện được gia hạn đã bị UBND TP.HCM chấm dứt hiệu lực văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư; 327 dự án còn lại với tổng diện tích hơn 3.000 ha có tỷ lệ bồi thường đạt trên 50% diện tích đất dự án chưa hoàn thành bồi thường, chưa lập thủ tục để được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng đã hết thời gian gia hạn đầu tư đang được Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thành phố chờ xem xét, xử lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số các dự án bất động sản hết thời gian gia hạn đầu tư, có nhiều dự án quy mô lớn, trong đó có Dự án Khu dân cư Hạnh Phúc tại Khu Nam Sài Gòn do Tổng công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, với tổng mức đầu tư dự kiến 9.000 tỷ đồng được chia làm 4 giai đoạn (thực hiện từ năm 2008 đến năm 2016), Dự án sẽ được xây dựng thành một khu đô thị hiện đại hoàn chỉnh có quy mô hơn 42 ha với các hạng mục: chung cư cao cấp, nhà liên kế, biệt thự song lập, đơn lập, trung tâm thương mại, trường học, trung tâm y tế... Dự án này dù đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2004, nhưng đến nay, tỷ lệ đền bù vẫn chưa đâu vào đâu.
Dự án Khu dân cư Hạnh phúc đã từng bị Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi, nhưng sau đó, UBND TP.HCM xin cho chủ đầu tư được gia hạn với điều kiện cam kết về tiến độ thực hiện và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận.
Một dự án có quy mô lớn khác là dự án khu vui chơi, công viên giải trí ở phường Bình Hưng do Công ty Park City làm chủ đầu tư. Dự án được UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch 1/2.000 từ tháng 7/2009 với quy mô 50,03 ha, có chức năng công viên công cộng, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí, tổ chức không gian xanh phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, kết quả triển khai Dự án rất chậm.
Tương tự, trong số dự án hết thời gian gia hạn đầu tư còn có Dự án Khu dân cư Phước Kiểng (huyện Nhà Bè, TP.HCM) do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Đây là dự án có quy mô lên đến 90 ha, vị trí khá đắc địa tại Khu Nam Sài Gòn.
Cương quyết với chủ đầu tư thiếu năng lực
Trao đổi với phóng viên, đại diện một số chủ đầu tư dự án bất động sản cho rằng, có những dự án do chủ đầu tư không có năng lực để triển khai, nhưng có những dự án dù chủ đầu tư đã nỗ lực rất nhiều, nhưng vẫn không thực hiện được do sự vướng mắc về thủ tục.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai, chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Phước Kiểng cho biết, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã rất nỗ lực thực hiện Dự án. Đến nay, Dự án đã đền bù giải tỏa được 82%; 18% còn lại không thể đền bù được, do một số người có đất không chịu di dời.
“Công ty Quốc Cường Gia Lai làm đơn xin gia hạn thời gian đầu tư, thì được cơ quan chức năng giải thích, Dự án sẽ phải đấu thầu lại theo quy định. Chúng tôi đã vay ngân hàng 1.500 tỷ đồng để đầu tư vào Dự án, nếu quay lại từ đầu, thủ tục sẽ kéo dài cả năm với lãi vay phát sinh thêm khoảng 180 tỷ đồng. Chi phí này sẽ làm đội giá thành và người tiêu dùng bị thiệt”, bà Loan nói và kiến nghị, việc thu hồi dự án chậm tiến độ là cần thiết, song Thành phố nên xem xét, phân loại các dự án để có hướng xử lý thấu tình, hợp lý.
Về hướng xử lý các dự án chậm tiến độ, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Sở đã có kiến nghị Thành phố theo ba hướng:
Thứ nhất, với các dự án sau khi hết thời gian gia hạn, nhưng chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng chủ đầu tư vẫn muốn tiếp tục thực hiện, thì Sở Xây dựng hướng dẫn lập thủ tục để doanh nghiệp thực hiện.
Thứ hai, với các dự án nhà ở đã hoàn tất bồi thường 100%, các cơ quan có thẩm quyền xem xét năng lực của chủ đầu tư trước khi chấp thuận tiếp tục đầu tư.
Thứ ba, với các dự án nhà ở quy mô lớn đã bồi thường trên 80%, chủ đầu tư không có khả năng bồi thường tiếp, thì đề nghị hỗ trợ để doanh nghiệp đẩy nhanh việc triển khai. Một số trường hợp khác phải thu hồi đấu giá dự án.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, chủ trương của Thành phố là tiếp tục tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp có nhiệt huyết đầu tư, song cũng kiên quyết thu hồi các dự án mà chủ đầu tư không có năng lực.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư