5m2 đất giá... 2 tỷ đồng

Cập nhật 15/06/2009 16:30

Chỉ có 5m2 bám vào mặt đường nhưng bằng nhiều "chiêu", chủ sở hữu những "tấc đất, tấc vàng" ở Thủ đô đã buộc những người hàng xóm của mình móc túi hàng tỷ bạc để được sở hữu nó.

Chỉ có 5m2 bám vào mặt đường nhưng bằng nhiều "chiêu", chủ sở hữu những "tấc đất, tấc vàng" ở Thủ đô đã buộc những người hàng xóm của mình móc túi hàng tỷ bạc để được sở hữu nó.

5m2 đổi được 2 tỷ đồng

Do cần mặt tiền để làm ăn, ông Nguyễn Đức T. ở mặt phố Đội Cấn (Q. Ba Đình) đã quyết định thỏa thuận để mua 5m2 đất án ngữ ngay trước cổng nhà mình với giá 350 triệu đồng.

Nguồn gốc của miếng đất đó là của chị Hằng, trước đây là một cái nhà vệ sinh công cộng cho lô cửa hàng bách hóa của Phường Đội Cấn ở đối diện đó, sau khi cơ chế cửa hàng mậu dịch được dẹp bỏ thì nhà vệ sinh đó đã bị bỏ hoang.

Để căn nhà vuông vức và mở được cửa hàng ông Nguyễn Đức T đã phải bỏ ra 350 triệu đồng để mua 5 m2 của chị Hằng án ngữ trước cửa nhà mình. (Ảnh LM)



Thấy chỗ đất đó bỏ hoang ở vị trí khá đắc địa để buôn bán, chị Hằng, người dân sống trong làng Vạn Phúc đã ra đó dọn dẹp quây lại 5m2 để... bán bún ốc buổi sáng.

Sau khi lấy chồng thì chị đã sửa sang lại "cửa hàng" của mình khang trang hơn đồng thời "tậu" thêm cho anh chồng 1 cái tủ kính ngay bên cạnh để bày bán và sửa chữa đồng hồ đến nay.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như gia đình ông Nguyễn Đức T. không chuyển đến mua đất ở đây. Ngôi nhà mặt phố mà ông mua có diện tích tới hơn 40m2, nhưng ngặt nỗi từ khi mua về ông T. đã tìm hết cách thuyết phục chị Hằng nhượng lại 5m2 án ngữ ngay trước mặt ngôi nhà của ông nhưng không được chấp nhận.

Ông T cũng đã gửi đơn lên phường kiến nghị cưỡng chế tháo dỡ, nhưng hòa giải lên hòa giải xuống, phạt hành chính cũng có... nhưng gia đình chị Hằng vẫn kiên quyết "bám trụ" mà nhất quyết không thả miếng đất.

Biết không thể làm căng, ông T. đành phải xuống nước đàm phán với gia đình chị Hằng. Tuy nhiên, để nhận được cái gật đầu từ người hàng xóm "bất dắc dĩ" này, nhà ông T đã phải kiên trì thương lượng đến... 2 năm và giá để trả cho 5m2 đó khá "chát": 350 triệu đồng (tương đương 70 triệu/m2).

Câu chuyện "bi hài' như nhà ông T. tưởng như rất hạn hữu ở Hà Nội, nhưng thực chất lại đang xảy ra đầy rẫy ở đoạn đường đắt nhất hành tinh - Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa kéo dài.

Một cán bộ xây dựng của UBND phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội, kể lại, sau khi hoàn thành cung đường này thì một số hộ dân có nhà, đất “siêu mỏng” còn lại đã nghĩ ra một cách, thương lượng bán lại cho các hộ có đất bên trong để được ra mặt đường.

"Tôi đã từng được biết những người đã đồng ý "chồng" tới gần 1,5 tỷ đồng chỉ để mua lại... 4,5m2 đất, khủng khiếp hơn có người đã chấp nhận giá "chát đắng" 2 tỷ đồng (khoảng 400 triệu đồng/m2) để được sở hữu thêm 5m2... mặt đường để mở cửa hàng", vị cán bộ này nói mà sắc mặt không được dấu vẻ thảng thốt.

Theo ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, thì theo quy định, giá đền bù của nhà nước ở khu vực này giá chỉ là 35 triệu đồng, tuy nhiên, sau khi con đường được hoàn thành, nhiều vị hàng xóm trước đây sống tốt với nhau là vậy, nhưng vì lợi nhuận sẵn sàng "bóp chẹt" bằng cách sang nhượng vài m2 đất với giá gấp đôi, gấp ba (từ 85 - 95 triệu đồng/m2).

Những căn nhà chỉ vài m2 này luôn có giá hàng trăm triệu thậm chí là hàng tỷ đồng. (Ảnh LM)



Chuyện mấy m2 đất bị đẩy giá... lên trời, ngoài khu Kim Liên - Ô Chợ Dừa còn xảy ra phổ biến ở những khu vực mới mở đường khác, điển hình như tuyến đường Hồ Tùng Mậu chạy dài hơn 2km từ thị trấn Cầu Diễn lên cầu Mai Dịch.

Giá đất ở đây so với đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa thì còn khác xa nhưng độ "khát" đất mặt đường thì đều giống nhau. Đã có thương vụ nhà bên trong thỏa thuận với "ngôi nhà" có chiều rộng gần 2m nhưng chiều dài chỉ... 60cm (Nếu dựng lên 1 chiếc cửa thì là vừa hết diện tích).

"Vậy mà không hiểu sao mảnh đất đó đã được chủ nhân của nó sang nhượng lại cho người hàng xóm "khát mặt đường" này với giá gần 50 triệu đồng", Bà Đặng Thị Ngoan, người dân cùng phố kể lại.

Theo ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Giải phóng mặt bằng của TP.Hà Nội thì đối với những trường hợp thỏa thuận để mua thêm vài m2 với giá cao ngất để được ra mặt tiền diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội.

Để kiếm được lợi nhuận, các chủ đất cũ sẵn sàng dựng nên một bức tường, một cánh cửa hoặc một căn hộ "siêu mỏng" chỉ vài m2 để sau đó đi "làm giá" với những người hàng xóm ở phía sau bán với giá cao gấp 4-5 lần so với giá thị trường.

Điều này một mặt tạo ra đô thị nhôm nhoam, nhếch nhác, gây khó khăn cho các đơn vị thi công. Mặt khác, việc sang nhượng mua bán đã xảy ra những tranh chấp, kiện cáo chỉ vài m2 do không đạt được thỏa thuận....

"Nhưng vì đây là những giao dịch do người dân tự thỏa thuận với nhau nên các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát, hơn nữa bên bán cũng mong được giá, bên mua thì "say" với những thước đất "vàng" nên sẵn sàng lao như thiêu thân bỏ hàng trăm triệu chỉ để sở hữu vài m2 đất mặt đường. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan giải phóng mặt bằng mà đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị", ông Biền cho biết.

Lợi dụng quy định nhà nước để "bắt chẹt" hàng xóm


Đầu năm ngoái, ông Nguyễn Hùng Hải, ở sát đường Phạm Hùng (đội 4, thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình, Từ Liêm) đã bán cho gia đình anh Nguyễn Việt Hùng, công tác tại Công ty tư vấn thiết kế, Bộ Xây dựng một thửa đất 28m2 với giá gần 40 triệu/m2 (giá nhà nước công bố là 20 triệu đồng/m2).

Do chưa được tuổi xây nhà, anh Hùng chờ đến đầu năm 2009 mới khởi công, nhưng đến đầu 2009, anh Hùng đã bị vướng Quyết định 58 của UBND TP Hà Nội (có hiệu lực từ ngày 9/4/2009) với quy định không cấp sổ đỏ cho diện tích đất dưới 30m2, điều này khiến cho anh Hùng khá bối rối.

Sau khi bàn bạc với gia đình, anh Hùng đã sang thương lượng với ông Hải để mua thêm 2m2 để tránh phức tạp về sau. Biết "khổ chủ" đang gặp khó lần này ông Hải đã không đồng ý với mức 40 triệu/m2 như trước đây mà cả quyết: Chồng 80 triệu/m2 thì... OK!

Biết "cái bụng" của ông hàng xóm là vậy, nhưng vì rao bán thì cũng không ai mua do đất thiếu diện tích để được cấp sổ đỏ, anh Hùng đành phải "nghiến răng" chi thêm 160 triệu để mua thêm 2m2 đất mà không ngớt... rủa thầm ông hàng xóm tốt bụng.

Đã có nhiều tình huống bi hài xảy ra quanh mấy m2 "đất vàng" này. (Ảnh LM)



Ngược lại với trường hợp anh Nguyễn Việt Hùng, ông Lương Hữu Công ở phố Khương Đình, Thanh Xuân lại bị người mình bán đất "bắt chẹt" lại.

Năm 2007 ông cắt 42m2 đất bán cho Nguyễn Thanh Đức là tiểu thương buôn bán ở chợ Mới Thanh Xuân, 58m2 đất còn lại vợ ông ở cùng với hai con trai.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2008 đưa con trai thứ hai lập gia đình nốt, ông Công đã cắt đôi mảnh đất chia cho hai đứa con, nhưng ngặt nỗi chả đứa nào dám xây để ở riêng vì nếu chia đôi thì diện tích chưa đủ để được cấp sổ đỏ. Đặng chẳng đừng ông Công đành phải sang bên nhà người hàng xóm xin được mua lại 5m2 đất ở phía sau mà nhà anh Đức chưa xây hết để cho đủ diện tích.

Là người buôn bán, anh Đức đã tính toán rất nhanh và đồng ý bán nếu ông Công chấp nhận mức giá 40 triệu/m2. "Trước đây khi bán cho anh Đức giá chỉ 16 triệu đồng/m2, nay phải ngậm đắng nuốt cay trả gần gấp 4 lần để mua lại cho hai con. Có lẽ đây là bài học để đời cho tôi", ông Công than thở.

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Văn phòng luật sư Đông Nam Á (Hà Nội) cả Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai 2003, đều không quy định hạn mức tối thiểu trong việc mua bán, cho tặng, thừa kế, chia tài sản ly hôn.

Việc không cấp sổ đỏ cho những thửa đất nhỏ hơn 30m2 vô tình hạn chế các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời từ đó nảy sinh các tiêu cực như ép giá, bắt chẹt nhau để xẻ vài m2, từ đó tạo ra một thị trường BĐS manh mún và khó kiểm soát.

"Đã có một cặp vợ chồng ly hôn có mảnh đất 58m2, hai bên đều có nguyện vọng được ở trên phần đất sẽ được chia nhưng đến giờ vẫn chưa đi đến thống nhất và từ đó ngoài việc mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến cả tranh chấp đất đai", ông Thuật cho biết thêm.

Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, từ năm 2007 đến nay đã có trên 170 nhà siêu mỏng hoặc lô đất mặt đường, mặt phố có kích thước hình học bất hợp lý.

Riêng quận Tây Hồ có 80 trường hợp, quận Ba Đình có 53 trường hợp, quận Hai Bà Trưng có 18 trường hợp...

Khó nhất trong việc xóa nhà đất siêu mỏng, siêu méo là không có nguồn kinh phí để bồi thường.

Nếu bồi thường theo giá của nhà nước thì người dân khó chấp thuận. Đất trên đường Ô Chợ Dừa - Kim Liên hiện có giá gần 100 triệu đồng/m2 trong khi giá bồi thường của nhà nước chỉ có 35 triệu đồng/m2.


Dự thảo quản lý nhà "siêu mỏng, siêu méo" hai bên đường của Hà Nội do Sở Quy hoạch & Kiến trúc TP soạn thảo quy định:

- Đất từ 25 m2 đến dưới 36 m2, mặt tiền từ 3 m trở lên: Được xây nhà ba tầng.

- Đất từ 36 m2 đến dưới 45 m2, mặt tiền 3 m trở lên: Được xây nhà bốn tầng.

- Đất từ 45 m2 đến 50 m2, mặt tiền lớn hơn 4 m: Được xây nhà năm tầng.

- Đất lớn hơn 50 m2, mặt tiền lớn hơn 8 m: Được xây sáu tầng.

- Nhà từ vành đai 2 trở vào trung tâm thành phố: Được xây tối đa sáu tầng.

- Ô đất dưới 25 m2 sẽ không được xây nhà. Những ô đất có kích thước hình học nhiều góc cạnh, tỷ lệ chiều dài, chiều rộng không hợp lý theo quy hoạch, kiến trúc thì cũng không được xây nhà.

- Nhà liền kề ở hai bên tuyến đường có chiều rộng chung của cả dãy từ 20 m đến 50 m, nếu cùng chức năng sử dụng, quy mô công trình, kích thước mặt chính thì bắt buộc phải thiết kế cùng hình thức kiến trúc để tạo thành công trình hợp khối thống nhất.


DiaOcOnline.vn - Theo VTC News