Đề xuất giảm mức thu khi cấp giấy chứng nhận lần đầu và tăng mức thu với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
“Cả nước đã cấp được trên 92% diện tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận. Như vậy, ngành TN&MT đã thực hiện được yêu cầu Quốc hội đặt ra, đến 31-12-2013 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trên cả nước. Bước sang năm mới, chúng tôi có thể thở phào nhẹ nhõm” - ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai - Bộ TN&MT, cho biết.
Nhiều nơi chưa có bản đồ địa chính
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, bên cạnh kết quả đạt được như trên, việc cấp giấy chứng nhận cho nhà, đất vẫn còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, tình trạng tồn đọng giấy chứng nhận đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận còn nhiều, khoảng 500.000 giấy, tập trung chủ yếu ở 12 tỉnh: Bình Phước, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An, Hưng Yên, Thái Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La.
Làm thủ tục nhà, đất tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD
|
Nhiều địa phương chưa có bản đồ địa chính, phải tận dụng các bản đồ, tài liệu đo đạc hiện có hoặc tổ chức đo đạc bằng phương tiện đơn giản để cấp giấy chứng nhận nên độ chính xác về diện tích cấp giấy còn thấp. Thời gian tới, các địa phương này sẽ phải đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp đổi lại giấy chứng nhận.
Hiện còn năm tỉnh chưa hoàn thành cơ bản việc cấp giấy, đạt dưới 85% diện tích cần cấp giấy gồm: Bình Phước, Đắk Lắk, Lai Châu, Hải Dương, Hưng Yên.
“Phần lớn các trường hợp chưa cấp giấy còn lại là do không có giấy tờ hợp lệ, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai từ nhiều năm chưa được giải quyết” - ông Phi cho biết.
Quá nhiều vi phạm
Vi phạm đối với từng loại đất được Bộ TN&MT chỉ rõ. Đối với đất ở, chủ yếu dưới các hình thức: Chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, mua bán “trao tay”. Vi phạm phổ biến nhất là ở các đô thị và khu vực ven đô thị, điển hình như TP.HCM có 134.000 trường hợp, Hà Nội có 130.700 trường hợp, Bắc Ninh có 24.200 trường hợp, Bình Định 18.700 trường hợp và TP Cần Thơ 10.800 trường hợp.
Tại các dự án nhà ở, nhiều chủ đầu tư sai phạm dưới các hình thức: Chưa xong thủ tục về đất nhưng đã xây và bán nhà; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất; xây không đúng giấy phép hoặc quy hoạch; phân lô bán nền không đúng quy định…
Đối với đất sản xuất nông nghiệp, tồn tại chủ yếu là tình trạng tự khai hoang, phá rừng để sản xuất nông nghiệp, tập trung nhiều ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, nhiều nơi người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa, cây hằng năm sang đất trồng cây lâu năm như cao su, cà phê hoặc nuôi trồng thủy sản không phù hợp quy hoạch, phổ biến ở các tỉnh Đông Nam Bộ.
Đối với đất của các tổ chức, nhiều trường hợp cho thuê, cho mượn đất trái phép để bị lấn chiếm hoặc giao đất chồng lấn lên đất của tổ chức, cá nhân khác, gây tranh chấp đất đai qua nhiều năm chậm giải quyết. Vi phạm nhiều nhất là các cơ quan, đơn vị sử dụng diện tích đất lớn như các nông-lâm trường, trường bắn, trường học, sân bay…
Nhũng nhiễu vẫn còn
Theo Bộ TN&MT, một vấn nạn gây bức xúc trong dư luận là tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình cấp giấy chứng nhận. Thời gian cấp giấy với nhiều trường hợp còn kéo dài.
Bộ TN&MT đề xuất cần đổi mới cơ chế thu, sử dụng các khoản thu từ đất theo hướng giảm mức thu khi cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với trường hợp sử dụng đất hợp pháp để khuyến khích việc đăng ký đất đai; tăng thu đối với các trường hợp vi phạm pháp luật, để bảo đảm công bằng; bổ sung, điều chỉnh các khoản thu, mức thu phí, lệ phí khi thực hiện các quyền và cung cấp thông tin đất đai.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP