30.000 tỷ đồng, tiền có - khó tiêu!

Cập nhật 05/08/2013 09:29

Sau 2 tháng triển khai, hiện chỉ có 2 dự án và 56 khách hàng cá nhân được vay từ gói 30.000 tỷ đồng. Một kết quả đáng thất vọng so với kỳ vọng.

Sau 2 tháng triển khai, hiện chỉ có 2 dự án và 56 khách hàng cá nhân được vay từ gói 30.000 tỷ đồng. Một kết quả đáng thất vọng so với kỳ vọng.

Chậm

Đó là đánh giá chung của thị trường về tiến độ triển khai các giải pháp giải phóng hàng tồn kho bất động sản, tập trung vào chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, kể từ khi Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ được ban hành ngày 7/1/2013. Cụ thể, từ chủ trương trên của Chính phủ, mãi đến ngày 8/3/2013, Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư số 02/2013 hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 24/4/2013.

 Từ khi có hiệu lực đến nay, Bộ Xây dựng đã tập hợp được danh sách gồm 47 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng; 16 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với quy mô thiết kế ban đầu khoảng 4.700 căn hộ, nay xin điều chỉnh tăng lên 6.600 căn hộ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, UBND TP. Hà Nội mới ban hành 2 quyết định cho phép 2 dự án được chuyển đổi và có văn bản đồng ý về chủ trương chuyển đổi đối với 5 dự án khác.

    HQC là 1 trong 2 doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận được vay từ gói 30.000 tỷ đồng tính tới thời điểm này - Ảnh: HQC

Và đến ngày 15/5/2013, Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư số 07/2013 hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 11/2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở. Hai thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2013.

 Ngày 4/6/2013, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1042/BXD-QLN đề xuất danh mục đợt 1 gồm 30 dự án nhà ở xã hội và dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để NHNN và các ngân hàng thương mại được giao triển khai thực hiện việc cho vay xem xét, thẩm định. Trong số 30 dự án này, NHNN mới chỉ chính thức xác nhận cho 2 doanh nghiệp có dự án đủ điều kiện được vay tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Theo thông tin mới nhất mà ĐTCK nhận được, Bộ Xây dựng vừa hoàn thành việc xét duyệt danh sách đợt 2, với 28 dự án nhà ở xã hội.

  "Đẽo cày giữa đường"

 Không chỉ chậm được ban hành, các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02 còn bộc lộ nhiều nội dung bất cập khi triển khai trong thực tiễn.

Vướng mắc đầu tiên là quy định, người mua nhà xã hội phải được chính quyền địa phương xác nhận là người thu nhập thấp và đang có khó khăn về nhà ở. Quy định này hầu như bị chính quyền các địa phương từ chối thẳng thừng, vì họ không có chức năng quản lý về thực trạng nhà ở của người dân nên không dám xác nhận. Tình hình bế tắc đến mức mới đây, Bộ Xây dựng đã phải có công văn đôn đốc các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác hỗ trợ về mặt thủ tục cho người mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Việc Bộ Xây dựng xây dựng “khung” cho vay gói vốn hỗ trợ lãi suất với những căn hộ có diện tích dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đã khiến cho phân khúc căn hộ có diện tích trên 70 m2 vốn đang bội cung không thể tiếp cận gói vốn ưu đãi để giải phóng hàng tồn. Trước đề xuất của một số địa phương về việc “nới” điều kiện cho người dân vay đối với các căn hộ có diện tích trên 70 m2, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ xem xét để kiến nghị Chính phủ cho phép dự án căn hộ có diện tích tới 90 m2 cũng được tiếp cận gói vốn 30.000 tỷ đồng.

 Về phía chủ đầu tư các dự án chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội, vướng mắc lớn nhất là quy định phải có sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các khách hàng khi dự án đã tiến hành huy động vốn. Sau những ca thán của chủ đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ kiến nghị cho phép chủ đầu tư chỉ cần có cam kết đã tiến hành thỏa thuận với khách hàng là đã được chuyển đổi, mà không cần phải có văn bản cam kết của từng khách hàng như quy định tại Thông tư 02.

Cách giải quyết các vướng mắc của người mua nhà cũng như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng đang khiến người ta liên tưởng đến chuyện “Đẽo cày giữa đường”, khi dễ dàng thay đổi những quy định do chính mình đề ra trước những ý kiến góp ý. Thậm chí, có những quy định, nếu bị thay đổi sẽ làm phương hại đến lợi ích hợp pháp và chính đáng của khách hàng như việc dự án phải được sự đồng ý của khách hàng khi xin chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán