Dư luận gần đây bức xúc với dự án khổng lồ của Tập đoàn điện lực VN (EVN): xây dựng cao ốc trung tâm tài chính thương mại điện lực 14 tầng ngay cạnh hồ Gươm....
Dư luận gần đây bức xúc với dự án khổng lồ của Tập đoàn điện lực VN (EVN): xây dựng cao ốc trung tâm tài chính thương mại điện lực 14 tầng ngay cạnh hồ Gươm. Nhiều người lo vì cảnh quan hồ Gươm chỉ một phần, còn phần khác là do dự án của EVN sẽ san phẳng cả một số di tích truyền thống.
Vốn là người từng làm trong ngành điện, nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói:
- Việc xây dựng một tòa nhà của một tập đoàn là chuyện bình thường. Nhưng việc EVN công bố xây trung tâm tài chính thương mại tại hồ Gươm làm tôi rất băn khoăn vì ba lý do: thứ nhất nó xâm hại tính truyền thống, thứ hai là lãng phí, thứ ba là vấn đề qui hoạch.
* Thưa ông, khi EVN xây tòa nhà trung tâm tài chính thương mại điện lực ngay trên nền của trụ sở Tập đoàn Điện lực hiện tại, hẳn là họ đã quyết tâm phá hẳn khung cảnh mang tính lịch sử của ngành điện. Theo ông, điều này có nên không?
- Ngày 21-12-1954, ngay sau khi trở về tiếp quản thủ đô, Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ (trụ sở Công ty Điện lực Hà Nội, 69 Đinh Tiên Hoàng hiện nay). Tại đây, Bác đã dặn dò rất kỹ cán bộ ngành điện về sự phát triển của ngành. Ngày Bác về thăm đã trở thành ngày truyền thống của ngành điện. Năm 2004, cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Hà Nội đã quyên góp tiền đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt trang trọng tại chính giữa khuôn viên trụ sở công ty để ghi nhớ dấu ấn Bác Hồ về thăm. Đó là yếu tố lịch sử thứ nhất.
Thứ hai, trụ sở Công ty Điện lực Hà Nội hiện nay cũng là nơi Pháp đặt một tổ máy phát điện đầu tiên tại VN, nên có thể nói nơi đây là địa danh gắn với sự ra đời của ngành điện. Thứ ba, khi thực dân Pháp phải rút khỏi Hà Nội năm 1954, trụ sở Nhà máy đèn Bờ Hồ cũng là nơi ghi lại hành động đấu tranh anh dũng của tập thể cán bộ, công nhân nhà máy. Để chống lại âm mưu của thực dân Pháp muốn tháo dỡ thiết bị, máy móc và mang hồ sơ đi hòng gây khó khăn cho ta khi tiếp quản; chúng tôi, những công nhân nhà máy, đã huy động cả vợ con mình đứng chặn trước đầu xe của Pháp định chuyển hồ sơ đi, kiên quyết giữ cho Hà Nội sáng đèn sau ngày giải phóng, mặc cho trung đội lính lê dương đang chĩa súng và sẵn sàng nhả đạn.
Thế nhưng, dự án cao ốc trung tâm tài chính thương mại điện lực nếu được thực hiện sẽ xóa đi tất cả. Tôi hoan nghênh chủ trương phát triển đa ngành của EVN nhưng cũng rất băn khoăn việc phá bỏ toàn bộ cơ sở của công ty điện lực Hà Nội, một tài sản lớn của nhân dân, một di tích truyền thống quí báu của ngành điện lực VN. Đối với mỗi người từng làm trong ngành điện nói chung, EVN và những cán bộ đang và sẽ làm trong ngành điện, đây sẽ là một mất mát lớn. ý nghĩa của ngày truyền thống 21-12 cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Mới 6 giờ sáng, nhà nhiếp
ảnh nước ngoài này đã
đến... tắm sương bờ hồ
Các quyết định đơn phương, tốn kém để xây trung tâm tài chính thương mại điện lực của EVN
EVN thành lập Công ty CP Đầu tư và kinh doanh trung tâm tài chính thương mại điện lực (EVN - Land Hanoi). Gần đây, EVN tiếp tục thông báo chủ trương phá toàn bộ trụ sở của Tập đoàn Điện lực, Công ty Điện lực 1, Công ty Điện lực Hà Nội, Điện lực Hoàn Kiếm, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và yêu cầu các đơn vị nêu trên phải chuyển đến nơi mới trước tháng 6-2008.
Theo kế hoạch của EVN, để tập đoàn này xây cao ốc, các cơ quan lớn như Điện lực Hà Nội, Công ty Điện lực 1, cả Trung tâm Điều độ điện quốc gia... sẽ phải đi thuê trụ sở trong vòng ba năm. Theo một nguồn tin, EVN dự kiến thuê một tòa nhà khoảng 800m2, 17 tầng với giá 25-30 USD/m2. Cộng với tiền di chuyển, mua sắm mới, như vậy số tiền ba năm người mua điện phải bỏ ra trả cho việc EVN xây cao ốc kinh doanh lên đến tiền triệu USD.
Đó là chưa kể đến việc xin đất, xây dựng mới trụ sở làm việc cho các cơ quan sau ba năm đi thuê. Điều đáng băn khoăn nhất là với chủ định thành lập công ty cổ phần ngay từ đầu, sau này tài sản lớn nhất: quĩ đất cả ngàn mét vuông có bị chuyển thành vốn của các cá nhân khi công ty cổ phần tiến hành bán cổ phần ưu đãi cho cán bộ nhân viên như vẫn thường thấy hiện nay? Như vậy, những hi sinh của người dân sẽ được đổ vào túi những người mua được nhiều cổ phần nhất.
Chia phần vì bị phản đối
Ban đầu, EVN định thu hồi đất của các đơn vị trực thuộc và dùng quĩ đất này để góp vốn với bên ngoài nhằm thành lập công ty cổ phần. Sau khi gặp sự phản ứng của Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty Điện lực 1, EVN đã ra văn bản số 4434/CV-EVN thông báo cho các đơn vị liên quan về việc xúc tiến thành lập EVN - Land Hanoi, trong đó EVN giữ 80% vốn điều lệ, Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty Điện lực 1 được góp 10% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, sau phản ứng của dư luận, ngày 23-11 EVN lại ban hành quyết định số 986/QĐ-EVN-HĐQT, nói lại cơ cấu vốn góp: công ty mẹ - EVN giữ 60% vốn điều lệ, các công ty Điện lực Hà Nội và Điện lực 1, mỗi đơn vị được phân 20% vốn điều lệ. Trong tất cả văn bản này đều không đả động gì đến quyền sử dụng đất mà hai đơn vị trực thuộc EVN đang được Nhà nước giao (các đơn vị đều có sổ đỏ).
Phải bảo vệ hồ Gươm
Ai cho phép xây ở đây (hồ Gươm) là người vô cảm với Hà Nội. Chúng ta cần bảo vệ di sản vật chất và phi vật chất ở khu vực đó, từ đường phố, cảnh quan, cây xanh, các công trình kiến trúc, kể cả việc quảng cáo cũng phải nghiêm ngặt.
Đối với hồ Gươm nói riêng và các điểm quan trọng trong cảnh quan Hà Nội nói chung, chúng ta phải có thái độ cư xử không giống như các khu vực mới, và mọi người đều phải có tâm bảo vệ nó. Hiện nay, cái tâm đó không sáng, rõ. Người ta lấy giá trị đất ra để cho rằng phải đầu tư thế này, thế kia mới khai thác hết tiềm năng của đất - nhận thức như vậy là không thích hợp, thậm chí phản lại di sản của chúng ta! Mà di sản đã mất thì đừng nói đến giá trị đất, vì không có những di sản đó thì không còn là Hà Nội nữa!
KTS Nguyễn Tấn Vạn (chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng)
Không phải chỉ bây giờ hồ Gươm mới có những bức ảnh lung linh sáng giá, mà cách đây 6-7 thập niên, nhiều hình ảnh lãng mạn về hồ Gươm của các lão nghệ sĩ Võ An Ninh, Đỗ Huân, Nguyễn Xuân Át đã xuất hiện, đem lại những ấn tượng mỹ cảm khó phai mờ.
Trong thâm tâm của mỗi nhà nhiếp ảnh, hồ Gươm luôn là nét đặc trưng và quyến rũ của thủ đô ngàn năm văn vật. Chưa có bức ảnh hồ Gươm nào ưng ý, tự mình xem như... chưa đến Hà Nội vậy.
Theo Tuổi Trẻ