Trong buổi tọa đàm Đóng góp ý kiến tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2013 diễn ra ngày 8-6, các đại biểu đã chỉ ra nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đất đai sau một năm Luật có hiệu lực thi hành.
Quang cảnh buổi tọa đàm ngày 8-6. Ảnh: Hoài Anh.
|
Luật Đất đai 2013 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014, ngay từ khi có hiệu lực thi hành, đạo luật này đã phát huy tác dụng tốt, giải quyết được nhiều điểm vướng mắc hạn chế của Luật đất đai 2003. Tuy nhiên, theo Ban tổ chức buổi tọa đàm, qua 1 năm thực hiện, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã bộc lộ nhiều bất cập cần được tháo gỡ.
Theo ông Bùi Khắc Vư, Giám đốc Trung tâm Asiaplant, đại diện nhóm 7 tổ chức xã hội dân sự đã triển khai dự án tham vấn lấy ý kiến tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Đất đai 2013 cho biết, các chuyên gia của nhóm đã chỉ ra 20 điểm bất cập trong các văn bản tại 4 nhóm nội dung, đơn cử như: vướng mắc trong Quy hoạch phát triển kinh tế vùng, thời gian xác định giá kéo dài do nhiều khâu ảnh hưởng đến đền bù, văn bản không thống nhất, chồng chéo về đền bù đất đai và chi phí đầu tư vào đất, giá đền bù khác nhau giữa nhà nước thu hồi và dự án do các DN thu hồi, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phức tạp, vướng mắc do chưa công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai, bất cập do khác nhau về thời gian thực hiện các thủ tục hành chính giữa các văn bản...
Tại buổi tọa đàm, liên quan đến vấn đề giá đền bù khác nhau giữa Nhà nước thu hồi và dự án do các DN thu hồi, ông Lại Đức Thành, một nông dân đến từ tỉnh Hà Nam cho biết, giá đền bù thu hồi đất ở Hà Nam thấp nhất trong số 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, dù Hà Nam là tỉnh giáp ranh với Hà Nội.
Bên cạnh đó, từ năm 2009 đến nay, giá đất đền bù thu hồi cho 1 m² đất nông nghiệp tại Hà Nam vẫn không thay đổi, vẫn giữ ở mức 40.000 đồng/m², theo bình luận của ông Thành là “chỉ bằng một bát phở”. Cùng với một số nội dung đền bù đi kèm như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề... tổng cộng 1 m² đất nông nghiệp được đền bù khoảng 135.000 đồng. Tính trên 1 sào đất, tổng cộng số tiền đền bù vào khoảng 49 triệu đồng/ sào.
Trong khi đó, theo ông Thành thì nếu DN trực tiếp thỏa thuận với người dân thì giá đền bù thường vào khoảng trên dưới 100 triệu đồng/m². “Mức giá đền bù thu hồi đất do DN tiến hành khác xa so với do Nhà nước thu hồi. Tôi cho rằng Nhà nước cần quan tâm đến lợi ích của người dân, giá đất đền bù cần sát với giá thị trường, phù hợp với các vùng miền”, ông Thành nêu ý kiến.
Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, theo luật sư Lê Đức Tiết, nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Trung ương MTTQ Việt Nam, bất cập lớn nhất của chính sách trong thu hồi đất là không đưa ra được căn cứ nào để định giá đất, nói cách khác là căn cứ để xác định giá không rõ ràng.
Đất đai là nguồn sinh sống của con người và những bất cập trong thu hồi đất để lại nhiều hệ lụy trong xã hội, cho nên cái tương ứng cho đền bù là cuộc sống, chứ không phải chỉ là tiền. Xuất phát từ quan điểm này, luật sư Lê Đức Tiết đề nghị cần có cách giúp người nông dân quản lý tiền đền bù để giúp người nông dân và gia đình họ có nghề nghiệp, ổn định cuộc sống, không lâm vào cảnh không có sinh kế, lâm vào các tệ nạn xã hội như thời gian qua. Lịch sử của đất nước cho thấy, đất nước hưng thịnh hay suy vong đều do chính sách liên quan đến đất đai.
Liên quan đến nhóm bất cập về cơ chế sử dụng đất, thủ tục hành chính và xử lý vi phạm đất, ông Lê Đức Lưu, Giám đốc Công ty cổ phần Salung thông tin thêm hiện 22 tỉnh chưa công bố bảng giá đất, 40 tỉnh chưa thành lập văn phòng hỗ trợ thủ tục hành chính về đất đai...
Ông Lâm Bá Khánh Toàn đến từ khoa Luật, Đại học Cần Thơ cho biết, tại Cần Thơ, khi được hỏi, nhiều người dân cho biết họ rất ít được tiếp cận các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai, vì nhiều lý do khác nhau. Vì vậy việc công khai thông tin, trách nhiệm công bố thông tin thuộc chủ thể nào, cần được làm rõ để người dân, DN có điều kiện tìm hiểu.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều cho rằng các vướng mắc về Luật Đất đai vẫn còn nhiều và chưa được tháo gỡ. Và nếu không kịp thời điều chỉnh, những bất cập này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm đối tượng như nông dân, DN, người dân tộc thiểu số, lao động trẻ, phụ nữ và chính sách pháp luật...
DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan