Năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng cường huy động các nguồn lực phấn đấu đưa tổng mức đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đạt khoảng 1.700 tỉ đồng.
Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. Ảnh: chanmaylangco.com.vn |
Năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng cường huy động các nguồn lực phấn đấu đưa tổng mức đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đạt khoảng 1.700 tỉ đồng.
Tỉnh đang lập đề án kêu gọi vốn ODA và sử dụng có hiệu quả vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư giai đoạn I đê chắn sóng cảng Chân Mây (400m); dự án thu gom và xử lý rác thải khu công nghiệp, khu đô thị Chân Mây và triển khai một số dự án giao thông quan trọng khác.
Tỉnh ưu tiên tập trung và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cấp phép, đặc biệt là khu du lịch Laguna Huế; hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; bệnh viện đa khoa Chân Mây.
Mở rộng kho dầu Chân Mây (từ 7.000m3 lên 100.000m3) và xây dựng cảng dầu 30.000DWT của Tổng công ty Dầu Việt Nam. Một số dự án khác như khu du lịch Bãi Chuối, khu phức hợp văn phòng - khách sạn Thủ Đức - Lăng Cô sẽ tiếp tục được khởi công xây dựng trong năm nay.
Tỉnh thúc đẩy việc hoàn thành các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu của các khu tái định cư Lập An, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, ổn định cuộc sống cho người dân trong diện đền bù, thu hồi đất. Trên cơ sở đó, tỉnh đảm bảo có mặt bằng sạch khoảng 1.000ha phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển của khu kinh tế.
Trong đầu tư phát triển, Thừa Thiên - Huế chú ý tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, mặt nước đầm Lập An, bãi biển… đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Hiện tại, trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có 21 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đang triển khai thực hiện, bao gồm 16 dự án giao thông, 4 dự án khu tái định cư, 1 dự án công trình công cộng với tổng mức đầu tư là 1.235 tỉ đồng.
Ngoài cảng Chân Mây đưa vào sử dụng trong 3 năm qua, tỉnh cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trục giao thông chính, bao gồm đường nối quốc lộ 1A vào cảng Chân Mây, đường ven sông Bù Lu, ven sông Thừa Lưu, đường dưới chân đèo Phú Gia, đường nối khu đô thị mới với khu công nghiệp, đường ngoài khu công nghiệp số 1 cũng như hoàn thành việc xây dựng hạ tầng thông tin liên lạc, điện, nước sạch để thu hút đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+