12 năm 'đắp chiếu', vì sao tháp BIDV Diamond chưa bị thu hồi?

Cập nhật 15/09/2014 13:27

Hơn 12 năm bỏ hoang, từng bị "gửi tối hậu thư" thu hồi cách đây 5 năm, nhưng không hiểu vì sao tháp BIDV Diamond của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn "thoát hiểm" và tiếp tục bị "dọa" thu hồi.

Hơn 12 năm bỏ hoang, từng bị "gửi tối hậu thư" thu hồi cách đây 5 năm, nhưng không hiểu vì sao tháp BIDV Diamond của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn "thoát hiểm" và tiếp tục bị "dọa" thu hồi.

Ngày 25/12/2002 UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 8917/QĐ-UB thu hồi 3.344m2 đất tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy và xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội để giao cho Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thăng Long (BIDV Thăng Long) thuê để xây dựng văn phòng làm việc và giao dịch với thời hạn thuê 30 năm.

Theo đó, công trình này có tên gọi "Tòa tháp DIAMOND” có chức năng sử dụng đất làm trụ sở làm việc cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng các đơn vị trực thuộc ngân hàng này. Sau các thủ tục, BIDV Thăng Long chính thức tiếp nhận bàn giao đất tại thực địa vào tháng 11/2003.

Mô hình tháp BIDV Diamond

Tháp BIDV Diamond nằm trên khu đất tại đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội với diện tích 3.344m2, tổng diện tích sàn 40.128m2 (không kể tầng hầm và tầng kỹ thuật), gồm 30 tầng nổi và 4 tầng hầm. 

Theo thiết kế, tầng B4 - B1 là khu vực để xe máy và xe ô tô và tầng kỹ thuật; từ tầng 1 - 4 sử dụng làm văn phòng của BIDV, một phần sử dụng làm văn phòng cho thuê, cửa hàng; tầng 6 sử dụng làm phòng họp, trung tâm hội họp cho thuê; tầng 7 - 29 làm văn phòng cho thuê; tầng 30 là nhà ăn, quầy bar và vườn trên mái. 

Dự án được thực hiện nhằm tạo diện tích văn phòng làm việc cho BIDV và phục vụ mục đích kinh doanh cho thuê...  Chủ đầu tư dự án là Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Doul international LTD, architects & consultants và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị việt nam (VCC).

Tuy có đất nhưng dự án vẫn không được triển khai. Gần 3 năm sau, tháng 8/2007, BIDV có Công văn số 4465/CV-BQLCT gửi UBND thanh phố Hà Nội, cùng Sở Quy hoạch và Kiến trúc điều chỉnh mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất tại khu vực này tăng chiều cao của công trình từ 13 tầng lên 30 tầng, diện tích sàn xây dựng khoảng 50.000m2, hệ số sử dụng đất khoảng 15 lần, mật độ xây dựng khoảng 50-55%.

Sau gần 2 năm "xem xét”, ngày 24/3/2009, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định 2318/UBND-KT về việc cho phép chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tháp BIDV khu vực Tây Hà Nội.

Ngay sau đó, các văn bản đã được ban hành với tốc độ "chóng mặt”: Ngày 25/3/2009 (chỉ sau quyết định của thành phố 1 ngày), Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội đã có văn bản 590/QHKT-P1 xác nhận, vị trí, ranh giới khu đất dự án được xác định tại bản vẽ mặt bằng tổng thể quy hoạch QH-01, tỷ lệ 1/500 do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam lập vào tháng 3/2009.

Các quyết định trên cũng không "quên” phần nhắn nhủ: "việc lập và triển khai dự án đầu tư phải theo tiến độ của pháp luật”. Nhưng đâu vẫn vào đó, mảnh đất trên vẫn "nằm dài hơi” khi việc triển khai xây dựng vẫn không được BIDV Thăng Long thực hiện như chỉ đạo trong các văn bản cấp phép phê duyệt.

Ngày 13/1/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã phải ra "tối hậu thư” gửi BIDV Thăng Long, trong đó đề nghị trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày 1/2/2010, nếu ngân hàng vẫn không thể đưa diện tích đất được giao vào sử dụng thì phải trả lại đất cho thành phố.

Điều lạ thay, "mảnh đất vàng” đang nằm "đắp chiếu” nhưng không hiểu vì lý do gì, thay vào bằng việc thu hồi lại diện tích trên thì ngày 2/6/2011, UBND thành phố Hà Nội lại "bất ngờ” có quyết định điều chỉnh hình thức sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất từ 30 năm thành 50 năm, mà trước đó UBND thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận (số 01121000943).

Việc điều chỉnh nhiều lần dự án này đã bị các cơ quan chức năng chỉ ra hàng loạt các sai phạm. Tại Kết luận thanh tra số 1137/KLTTr-BTNMT ngày 8/4/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ rõ, việc BIDV Thăng Long có dự án và các quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án có một phần kinh doanh bất động sản, nhưng chưa báo cáo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép là không đúng với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và không đúng với chức năng và giấy đăng ký kinh doanh của ngân hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, BIDV Thăng Long chưa đưa đất vào sử dụng sau khi được bàn giao đất tại thực địa. Mặc dù, đã được thành phố Hà Nội gia hạn, nhưng BIDV Thăng Long vẫn để cỏ mọc trên toàn bộ diện tích này. "Điều này là vi phạm Luật Đất đai. Nguyên nhân chính là do đơn vị xin điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch đất đai, xây dựng”.

Từ những sai phạm trên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị, yêu cầu BIDV Thăng Long tập trung hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng để nhanh chóng đưa đất vào sử dụng trước ngày 30/5/2011. Nếu quá thời hạn trên mà BIDV Thăng Long chưa đưa đất vào sử dụng thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề nghị UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi đất để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của thành phố quản lý theo quy định.

Từ đó đến nay, dù đã quá thời hạn "tối hậu thư" thu hồi đất đưa ra 5 năm, nhưng dự án vẫn bất động và không hiểu vì lý do gì mà dự án này vẫn chưa bị thu hồi.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục trình UBND thành phố chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất đối với dự án này.

Câu hỏi đặt ra là vì sao có đến 3.344m2 "đất vàng” giữa Thủ đô, nhưng gần 12 năm nay dự án vẫn chưa được triển khai, trong khi các cơ quan chức năng đã phải "vất vả” để thúc giục, thực chất là "chạy” theo dự án.

Theo quy định của Luật Đất đai, đối với trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được phép chấp thuận cho phép chậm tiến độ một lần và chậm không quá 12 tháng.

Trường hợp không được chấp thuận cho chậm tiến độ, hoặc quá thời hạn cho phép được chậm tiến độ nêu trên, thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất và người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán giá trị đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất.

Luật đã quy định rõ, nhưng không hiểu vì sao, đến nay dự án vẫn chưa bị thu hồi. Và với lần đề xuất thu hồi lần này của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, không hiểu việc thực hiện sẽ thế nào, liệu các cơ quan Nhà nước có kiên quyết thu hồi dự án theo đúng quy định của pháp luật hay không?

Ngoài dự án BIDV Diamond, vào thời điểm năm 2007 BIDV cũng gây xôn xao dư luận khi công bố kế hoạch triển khai Dự án BIDV Hồ Chí Minh Tower tọa lạc tại giao lộ Nguyễn Huệ và Tôn Thất Thiệp, Quận 1. Tổng thể dự án là một tòa nhà 40 tầng cao và 4 tầng hầm với chiều cao 152m. 

Đây là một trong số các dự án hiếm hoi tại trung tâm TPHCM với mặt bằng sạch và tọa lạc tại vị trí "vàng" mà nhiều nhà đầu tư thèm khát. Điều đáng nói là, giống như dự án BIDV Diamond, khu đất vàng tháp BIDV tại trung tâm Sài Gòn hiện cũng trong tình trạng bị bỏ hoang quá lâu, không chỉ gây lãng phí về quỹ đất mà còn mang lại nhiều tiếc nuối cho giới đầu tư.


DiaOcOnline.vn - Theo VTC