Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, cho đến thời điểm này, mục tiêu được Bộ Xây dựng đặt ra phấn đấu từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn thành xây dựng 11 triệu mét vuông nhà ở dành cho người thu nhập thấp có vẻ quá xa vời, nếu không nói là một tham vọng quá lớn.
Được triển khai từ hơn 2 năm nay, dự án mang ý nghĩa xã hội cao này đang đứng trước nguy cơ phá sản do số sản phẩm làm ra mới chỉ đạt 1% kế hoạch.
Đăng ký nhiều, làm chẳng bao nhiêu
Cách đây hơn 2 năm, khi Cty Vinaconex Xuân Mai (đơn vị thành viên của TCty Vinaconex) đi đầu cả nước trong chương trình xây nhà dành cho người có thu nhập thấp TNT) tung ra thị trường 330 căn hộ TNT đầu tiên tại đường Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, đông đảo người dân TNT đã đón nhận nguồn cung này hết sức nồng nhiệt. Người ta chen lấn, xô đẩy nhau, xếp hàng từ tờ mờ sáng để được bốc thăm trúng suất mua nhà. Có thể thấy kỳ vọng đổi đời từ nhà TNT trong dân quá lớn. Và cũng từ kỳ vọng ấy, nhiều DN xây dựng đã vào cuộc hưởng ứng chương trình này như Viglacera; Sudico (Tập đoàn Sông Đà); Handico (TCty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội)...
Khu nhà thu nhập thấp Sài Đồng (Hà Nội). Ảnh: S.M
|
Theo số liệu cung cấp từ Bộ Xây dựng, trong khoảng thời gian năm 2009 - đầu năm 2010, nhiều địa phương đã báo cáo đề xuất nhu cầu đầu tư cho giai đoạn 2009 - 2015 là 189 dự án, quy mô là 166.390 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 700.000 người. Riêng trong hai năm 2009-2010, các DN xây dựng đã đăng ký 150 dự án, quy mô xây dựng 5.659.740m2 sàn, số vốn đầu tư 22.738 tỉ đồng, hoàn thành 152.372 căn hộ, đáp ứng cho 640.000 người...
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, mới có 39 dự án được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 3.878 tỉ đồng, tổng diện tích sàn là 785.500m2 đáp ứng cho khoảng 66.900 người TNT, tức là chỉ đạt 26% so với dự kiến. Điều đáng nói là trong số 39 dự án này, hiện mới có 1.714 căn hộ hoàn thành, đáp ứng cho khoảng 6.800 người, chỉ đạt... 1% so với kế hoạch đề ra!
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này mà theo kêu ca của nhiều DN xây dựng là do họ không được áp dụng ưu đãi thuế, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, lãi suất vay từ các NHTM rất cao, khiến các chủ đầu tư không chịu được nhiệt, buộc phải dãn tiến độ... Tuy nhiên, theo phản ánh từ người dân - đối tượng chính được mua nhà TNT - thì cái chính là do giá quá cao, lại phải trả tiền một cục nên họ không thể đáp ứng được. Vì thế, giờ nhà TNT có xây ra ê hề, người dân cũng không còn mặn mà như trước.
Gỡ rối thế nào: Nên bán hay cho thuê?
Các động thái gần đây nhất của Bộ Xây dựng như đề xuất với UBND TP.Hà Nội nới rộng đối tượng được mua nhà TNT và không giới hạn địa bàn; nâng diện tích để xét vào diện khó khăn về nhà ở lên từ 7 - 10m2/người; thậm chí giảm thời gian cấm chuyển nhượng từ 10 năm xuống còn 5 năm... được dư luận đánh giá là một cách gỡ rối vụng về cho bài toán nhà TNT hiện nay.
Điều quan trọng nhất hiện nay là mức giá bán đang được các DN đưa ra quá cao, chỉ thấp hơn chút ít so với nhà ở thương mại, thậm chí ở dự án Sài Đồng (Long Biên), mức giá chủ đầu tư đưa lên tới hơn 13 triệu đồng/m2, đẩy giá mỗi căn hộ có diện tích khoảng 60m2 kên ngót ngét cả tỉ đồng/căn thì không người có TNT nào đủ năng lực tài chính để chi trả.
Nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm.
|
Theo ông Tống Văn Nga - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - hiện trong tư tưởng của rất nhiều DN đang muốn đẩy hết sản phẩm ra thị trường, nhưng ở đây có vấn đề phải củng cố lại. Nhà TNT là chính sách xã hội, với DN đầu tư xây dựng, Nhà nước phải có chính sách ưu đãi nhiều hơn về đất đai, thuế, lãi suất. “Vì vậy, thay vì bán nhà TNT như hiện nay, theo tôi, phải coi đây là tài sản của Nhà nước, giao cho một cơ quan đảm trách quản lý cho thuê tới những đối tượng có đồng lương và thu nhập trung bình, ổn định. Làm như vậy sẽ hiệu quả và có tác dụng thực sự hơn lên các đối tượng này” - ông Nga nói.
Ông Nga cho rằng, với người dân, đề xuất chỉ nên cho thuê và thuê mua trả chậm trong vòng 10-20 năm thì chắc chắn người có thu nhập ổn định, có nghề nghiệp thì họ sẽ có điều kiện mua. Người dân đã có TNT thì không thể có đâu một lúc mấy trăm triệu đồng để mua nhà. “Với giá thuê hợp lý thì người có thu nhập ổn định ai cũng muốn vào. Còn thuê mua là dài hạn, lúc đầu người mua trả hằng năm, sau 10-15 năm trả hết tiền, lúc ấy căn nhà chuyển thành sở hữu của anh. Tôi cho rằng chính sách đúng thì sẽ có kết quả” - ông Nga khẳng định.
Phải tìm mọi cách hạ giá nhà thu nhập thấp. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UNND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi tại cuộc làm việc với các sở, ban, ngành về vấn đề này vào chiều 7.9. Hiện giá nhà TNT ở Hà Nội cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác và thừa nhận với mức giá này, các căn hộ ưu tiên cho người TNT khó tìm được chủ nhân thực sự.
Sở Xây dựng đề xuất “thu hẹp” quy mô căn hộ; nhà TNT sẽ không cao quá 15 tầng, các diện tích nhỏ; mở rộng đối tượng được mua nhà TNT. Phó Chủ tịch TP yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu xác định tổng nhu cầu về nhà ở xã hội cho người TNT toàn thành phố, trên cơ sở đó quy hoạch dự án nhà TNT một cách tổng thể và hợp lý. Thành phố sẽ duyệt giá nhà TNT trên cơ sở thẩm định giá tại thời điểm xây dựng và công bố công khai và mức giá này có thể biến động tùy từng thời điểm.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động