1 tỉ USD kích cầu chi vào đâu?

Cập nhật 13/12/2008 01:45

Tổng cộng sẽ có khoảng 10 dự án được hỗ trợ từ gói 1 tỉ USD. Chúng tôi sẽ hỗ trợ theo dự án chứ không phân biệt đó là dự án dùng vốn ngân sách nhà nước hay vốn của các địa phương hoặc vốn của các tập đoàn...

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Tín, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) về phương án chi của gói kích cầu trị giá 1 tỉ USD. Ông Nguyễn Trọng Tín cho biết:

MPI đề xuất chi tiền vào 2 hai mảng chính: Cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội. Sở dĩ chúng tôi đề xuất chi 1 tỉ USD vào hai mảng nói trên bởi đó là hai mảng quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

* Việc cấp vốn kích cầu sẽ dựa trên tiêu chí nào, thưa ông?

- Các dự án sẽ được xem xét là các dự án lớn, mang tính cấp thiết về kết cấu hạ tầng như đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không. Các dự án phải có điều kiện để hoàn thành đúng tiến độ (như dự án đã sắp hoàn thành, dự án đang được quản lý tốt...).

Một tiêu chí khác là các dự án này phải có khả năng thu hồi vốn. Một số dự án có thể được xem xét cấp vốn là: Dự án nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng (nhà ga đã làm xong móng, khi có thêm tiền sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện), Dự án đầu tư xây dựng nhà ga T2 Nội Bài, dự án làm đường cao tốc theo diện BOT, quốc lộ 51, cầu Đồng Nai, đường tránh Biên Hòa...



Nguyễn Trọng Tín
Ảnh: K.T.L

Về an sinh xã hội, chúng tôi sẽ ưu tiên cho các dự án xây nhà cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây ký túc xá cho sinh viên CĐ, ĐH.

Tổng cộng sẽ có khoảng 10 dự án được hỗ trợ từ gói 1 tỉ USD. Chúng tôi sẽ hỗ trợ theo dự án chứ không phân biệt đó là dự án dùng vốn ngân sách nhà nước hay vốn của các địa phương hoặc vốn của các tập đoàn... Tất cả sẽ là tiền Chính phủ cho vay thông qua ngân hàng, với lãi suất 0%, thời gian cho vay sẽ phụ thuộc vào quá trình triển khai dự án. Trong tháng 12 chúng tôi sẽ trình lên Thủ tướng tiêu chí được ưu tiên hỗ trợ rót vốn. Chúng tôi sẽ lập danh sách theo thứ tự ưu tiên, có tiền đến đâu giải ngân đến đó.

* Việc Nhật Bản lại tạm dừng cho vay vốn ODA ảnh hưởng thế nào đến các dự án cơ sở hạ tầng đang cần rất nhiều vốn, thưa ông?

- Các dự án ODA phía bạn đã cam kết thì sẽ tiếp tục giải ngân để thực hiện nên các công trình này sẽ vẫn có vốn để hoàn thành. Xu hướng chung của thế giới là khi một nước càng phát triển, vượt qua ngưỡng nước nghèo thì nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp sẽ ngày càng ít đi. Tổ chức cho vay ODA sẽ chuyển sang cho vay với lãi suất lớn hơn lãi suất của vốn ODA nhưng thấp hơn vốn cho vay thương mại.

Chúng ta cần huy động vốn từ nhiều nguồn, như huy động vốn trong nước từ các cá nhân, tổ chức, từ các doanh nghiệp nước ngoài... Trong năm tới, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh một nghị định về đầu tư PPP (đầu tư hỗn hợp giữa nhà nước và tư nhân), theo đó, một số dự án sẽ vừa dùng vốn ngân sách vừa dùng vốn ngoài ngân sách.

Ví dụ, Nhà nước sẽ hỗ trợ phần giải phóng mặt bằng, còn phần xây lắp của các doanh nghiệp. Sau đó sẽ phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn... Đó sẽ là cơ chế mới để huy động các nguồn lực vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đất nước.

* Xin cảm ơn ông.

>“Bất động sản sẽ được lợi từ chính sách kích cầu”

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên