Nhà nước tốn hàng ngàn tỉ đồng cho những “con đường đắt nhất thế giới” nhưng hệ lụy là hàng loạt tuyến phố ra đời như một nồi lẩu thập cẩm với những căn nhà siêu mỏng, siêu lạ!
Những căn nhà siêu lạ xuất hiện trên những con đường vừa mới giải tỏa mở rộng - ảnh: Phan Hậu |
Một cán bộ trong Ban quản lý Các dự án trọng điểm về đô thị Hà Nội (xin giấu tên) cho biết thêm: “Tổng mức đền bù 527 tỉ đồng cho đoạn đường này mới chỉ là số liệu khái toán của tổng dự toán dựa trên các số liệu quản lý hành chính về đất đai của chính quyền địa phương. Số tiền đền bù giải phóng mặt bằng thật sự sắp tới sẽ phải dựa vào từng phương án đền bù được phê duyệt đối với mỗi hộ dân. Ngoài số tiền đền bù đất và tài sản trên đất, các hộ dân di dời còn được hưởng thêm tiền hỗ trợ phá dỡ, tiền thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng... Do vậy, tổng mức tiền đền bù thật sự có thể sẽ cao hoặc thấp hơn con số khái toán 527 tỉ đồng đã đưa ra”. (Việt Chiến) |
Những tuyến phố xây dựng lộn xộn ngày càng nhiều theo các dự án mở đường - ảnh: Phan Hậu |
Lời giải không quá khó
KTS Trần Huy Ánh (hội viên Hội KTS Việt Nam) đề xuất giải pháp đấu giá đất mặt đường, đánh thuế các hộ từ hẻm được ra phố chính để giảm gánh nặng đầu tư xây đường bằng ngân sách nhà nước. Ông nói:
Tôi thì cho rằng có cách làm rất đơn giản: Thứ nhất, muốn làm một con đường như đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đỡ tốn kém, không lặp lại "vết xe đổ" của con đường Kim Liên dạo trước, phải có sự chia sẻ lợi ích công cộng với người sử dụng đất, tức là cho phép người đang sử dụng đất bị thu hồi để làm đường tham gia cổ phần với con đường của họ chứ không phải trả tiền GPMB xoẹt một cái rồi ném họ đi đâu thì đi.
Thứ hai là quy hoạch Hà Nội mở rộng đem lại cơ hội cực kỳ lớn để có những quỹ đất cho GPMB, tái định cư với giá thành thấp nhất do tính đền bù đất ruộng, cơ hội đó trong tầm tay của Nhà nước. Vì vậy, thay vì đền bù tại chỗ với mức đền bù quá tốn kém thì có thể tái định cư cho người dân thuộc diện GPMB ở các quỹ đất mở rộng đó.
Nếu làm theo cách lấy đất ở khu vực mở rộng đem đi bán đưa lại lợi nhuận cho các nhà đầu cơ BĐS, trong khi anh làm công trình công cộng thì cắn răng chi trả cho việc GPMB để mở những con đường lớn và dân ở hai bên mặt đường vừa mở được thu lợi mà không phải đóng góp hay đem lại lợi ích gì chung cho xã hội, thì một đất nước dù có giàu có đến bao nhiêu cũng không thể làm được chuyện đó. Thế nhưng lâu nay, quy hoạch đường sá của Hà Nội vẫn làm theo cách đó, đang thiếu hẳn một chiến lược phát triển các công trình công cộng.
Cách đây cả trăm năm, khi bắt đầu đô thị hóa, Hà Nội đã làm theo cách: Những ngôi nhà ở ven đường đều được đấu giá để lấy lợi ích bù cho xây dựng hạ tầng. Đồng thời, dùng thuế để điều chỉnh cho công bằng giữa hộ được đất mặt đường do làm công trình công cộng và đất trong hẻm.
Có giải pháp hữu hiệu mà đường Kim Liên xưa đã định làm mà không làm được, nghĩa là mở một con đường 140m và khoét thêm 40m ra hai bên để tạo ra hành lang và đền bù một thể. Sau đó, người ta sẽ lấy 2 bên dải đất khoét thêm (tổng cộng 40m ấy) để bán đi, bù vào chi phí làm 140m người ta phải đền bù GPMB và xây dựng.
Mình bây giờ lại luôn cắm đầu làm đường bằng được trong khi đó những người được hưởng lợi nhất từ chính sách làm đường của Nhà nước người ta không phải đóng thuế gì cả. Cách làm trên để lại hậu quả là một con đường không bao giờ thu hồi được vốn, nghiêm trọng hơn nữa là để lại hậu quả những nhà siêu dẹt, siêu mỏng không bao giờ giải quyết được, hết đời ông này đổ sang đời ông khác nhưng không giải quyết nổi, khiến cho bộ mặt đô thị bày ra nhếch nhác. Thể hiện rõ nhất sự yếu kém trong quản lý đô thị ở những con đường mới mở chính là sự tồn tại của các căn nhà siêu méo, siêu mỏng như thế. Hay nói cách khác, cách làm này không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc mà còn hỏng cả mỹ quan kiến trúc đô thị.
Nhà siêu mỏng, siêu sâu, siêu lạ!
Bất chấp về quy định của UBND TP Hà Nội, không cấp phép xây dựng cho những lô đất có diện tích nhỏ hơn 15m2, có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m nhưng cứ mỗi con đường mới mở lại xuất hiện những căn nhà "siêu lạ".
Tại đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, nhà siêu mỏng, siêu sâu chủ yếu được xây ở mặt đường. Các tầng dưới cho thuê làm cửa hàng, tầng trên để ở. Diện tích đất quá nhỏ nên chủ nhà chỉ còn cách chồng lên 5 - 6 tầng để gia tăng diện tích sử dụng. Rất nhiều khu phố khác như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Phong Sắc..., những căn nhà "lạ" cũng đang mọc lên như nấm. Càng những căn nhà mặt tiền sát đường đi, hình thù càng kỳ quái.
Ở nút giao thông vành đai 3 - Khuất Duy Tiến mới mở cách đây chưa lâu, có 2 ngôi nhà đang xây dở được cư dân xung quanh gọi là "nhà kinh điển". Trên mẩu đất không rõ hình thù, ngôi nhà 3 tầng có hình ngũ giác. Tầng 1, nếu tính cặn kẽ mọi ngóc ngách, diện tích chỉ khoảng 11m2. Nhưng càng lên các tầng trên, diện tích căn nhà được cải thiện đáng kể do được cơi nới không gian bằng cách xây chìa ra bên ngoài. Còn ngôi nhà phía đối diện lại được thiết kế theo... hình bình hành do khoảnh đất quá hẹp. Nhà 4 tầng, 1 tum gác, có bề rộng chỉ trên 2m, bề sâu khoảng 6m.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên