Vì sao bảo tháp ở Việt Nam Quốc Tự có 13 tầng?

Cập nhật 10/04/2018 11:04

Chiều cao 63 mét và kiến trúc 13 tầng của bảo tháp vừa được lắp đỉnh tháp đồng 6 tấn tại Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM) có ý nghĩa gì là điều khiến không ít người thắc mắc.

Chiều cao 63 mét và kiến trúc 13 tầng của bảo tháp vừa được lắp đỉnh tháp đồng 6 tấn tại Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM) có ý nghĩa gì là điều khiến không ít người thắc mắc.


Phối cảnh bảo tháp 13 tầng trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự

Bảo tháp trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) được khởi công xây dựng vào ngày 3.8.2015, với hạng mục công trình bảo tháp gồm 13 tầng và 63 mét. Ngày 4.4, đỉnh tháp đồng nặng 6 tấn đã được lắp lên đỉnh tháp vừa hoàn tất phần đổ bê tông ở tầng 13 và mái tháp. Đỉnh tháp được đúc bằng đồng nguyên khối do nhóm thợ làng đúc đồng huyện Ý Yên, Nam Định thực hiện.

Đỉnh tháp đồng vừa được lắp lên mái tháp vào ngày 6.4. ẢNH: TỐ TÂM

Về kiến trúc bảo tháp, sở dĩ tháp có chiều cao 63 mét và có 13 tầng vì đây là công trình tôn giáo kỷ niệm cuộc đấu tranh bất bạo động đòi bình đẳng tôn giáo của Phật giáo diễn ra năm 1963. Bảo tháp 13 tầng có ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn, tông phái tham gia cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật giáo năm 1963. Bảo tháp sau khi hoàn thành sẽ là nơi trưng bày tư liệu về cuộc đấu tranh lịch sử đó.

Việt Nam Quốc Tự. ẢNH: TỐ TÂM

Một điều thu hút sự quan tâm của nhiều người là dự kiến sau khi hoàn thành, bảo tháp sẽ là nơi tôn trí xá lợi trái tim của hòa thượng Thích Quảng Đức. Vào ngày 11.6.1963, tại ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư  Nguyễn Đình Chiểu- Cách mạng tháng Tám. TP.HCM), hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau đó thi hài hòa thượng Thích Quảng Đức được đưa về hỏa thiêu lần nữa trong lò thiêu nhiệt độ 4.000 độ C nhưng trái tim vẫn không cháy.


Bảo tháp 13 tầng đã hoàn thiện phần thi công xây dựng thô và gắn đỉnh tháp. ẢNH: TỐ TÂM


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên