Tháp Eiffel - Biểu tượng của 'Kinh đô ánh sáng'

Cập nhật 26/03/2008 11:03

Hơn một trăm năm nay hình ảnh nước Pháp và Thủ đô Paris gắn liền với tháp Eiffel. Người ta không thể hình dung Paris mà lại không có tháp Eiffel.

Hơn một trăm năm nay hình ảnh nước Pháp và Thủ đô Paris gắn liền với tháp Eiffel. Người ta không thể hình dung Paris mà lại không có tháp Eiffel.

Tháp Eiffel (tiếng Pháp: Tour Eiffel) là một công trình kiến trúc bằng sắt nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thành phố Paris. Vốn có tên nguyên thủy là Tháp 300 mét (Tour de 300 mètres), công trình do Gustave Eiffel cùng các đồng nghiệp xây dựng nhân Triển lãm thế giới năm 1889, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp.

Qua đó nước Pháp muốn tự khẳng định mình là một cường quốc công nghiệp đồng thời thể hiện tính táo bạo của người Pháp, dám khởi đầu một cuộc cách mạng mới trong lịch sử ngành kiến trúc Pháp với việc sử dụng các vật liệu xây dựng sắt, thép, gang... Làm như vậy nước Pháp là người bắt đầu một kỷ nguyên công nghiệp với nền văn minh duy vật lấy máy móc, sắt thép làm biểu tượng.


Trong số 700 đề án thiết kế được gửi đến người ta chỉ giữ lại 3 đề án để xem xét. Cuối cùng đề án của Gustave Eiffel 36 tuổi, kỹ sư, nhà thầu khoán và nhà doanh nghiệp tài ba đã được chấp thuận. Ông đã mua lại và sửa đổi, hiệu chỉnh lại phác thảo của hai kỹ sư Kơslanh và Nughiê là nhân viên trong hãng của ông. Cả cơ nghiệp của cải của mình Eiffel dồn hết vào việc xây dựng một công trình đồ sộ đầy khó khăn, thêm nữa còn vấp phải sự không đồng tình của dư luận.

Ý tưởng của Eiffel muốn dựng lên một tháp cao hơn 300 mét bằng sắt thép đã gây tranh luận gay gắt giữa những người muốn duy trì truyền thống và những người có xu hướng tân thời. Trong giới nghệ thuật và văn học, đa số giận dữ vì họ e rằng công trình đồ sộ sắt thép này sẽ là một vết đen trên bầu trời Paris. Trong khi đó thì Eiffel thốt lên hào hứng: Nước Pháp là quốc gia duy nhất có cột cờ cao hơn 300m. Thật vậy, vào thời kỳ đó, tượng đài cao nhất ở Washington cũng còn thấp hơn tháp Eiffel đến 125m.



Ông Gustave Eiffel.


Chiều cao nguyên bản của công trình là 300 mét, theo đúng thiết kế, nhưng cột ăng ten trên đỉnh giúp tháp Eiffel đạt tới 325 mét. Từ khi khánh thành vào năm 1889, tháp Eiffel là công trình cao nhất thế giới và giữ vững vị trí này trong suốt hơn 40 năm. Ngay từ ban đầu, bên cạnh chức năng du lịch, tháp Eiffel còn được sử dụng cho các mục đích khoa học. Ngày nay, tháp tiếp tục là một trạm phát sóng truyền thanh và truyền hình cho vùng đô thị Paris.


Tháp Eiffel được xây dựng trong vòng 25 tháng. Rất nhiều người Paris đến xem xây dựng công trình kỳ quái này, và luôn luôn nghi ngại rằng có một ngày nào đó tháp này có thể đổ xuống đầu họ. Từ năm 1887 đến năm 1889 đã có 300 công nhân giỏi leo trèo lắp ráp 1 triệu rưởi đinh rivê. Đáy tháp chiếm một diện tích 129m. Với chiều cao 300 mét, Tháp được chia thành ba tầng: Từ đỉnh tháp tầm nhìn xa đến 67km. Cứ bảy năm lại phải dùng đến 50 tấn sơn và 40 nghìn giờ lao động để sơn lại tháp.

Khi khởi công xây dựng tháp Eiffel, người ta chỉ cho phép tháp tồn tại trong 20 năm. Năm 1887, nhiều nghệ sĩ và nhà văn đã thảo bản kiến nghị "Phản đối ba trăm" nhằm ngăn chặn việc xây dựng tháp vì nó sẽ làm mất danh giá Paris. Năm 1910, thời cuộc hoàn toàn thay đổi: tháp Eiffel trở thành nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ, nghệ sĩ. Nhà văn Cocteau đã sáng tác vở kịch lấy tên là "Các cặp tân hôn tháp Eiffel". Apollinaire lấy tháp làm biểu tượng cho nhiều bài thơ. Pissarro; Dufy; Utrillo và bao nhiêu họa sĩ khác cũng thường vẽ tháp trên nền trời Paris...

Bên cạnh đó kỹ thuật hiện đại tiến triển nhanh và ngay từ năm 1904 người ta đã đặt lên đỉnh tháp một hệ thống ăng ten. Cuối cùng đến năm 1910, người ta quyết định rằng tháp Eiffel tồn tại vĩnh viễn: Tháp phục vụ cho dịch vụ giờ chuẩn quốc tế, với chiều cao của nó, tháp có thể sử dụng cho việc truyền thông bằng điện thoại vô tuyến vượt đại châu. Năm 1918, Đài phát thanh sử dụng tháp để phát sóng và đến năm 1957, Đài truyền hình đã dựng ăngten lên đỉnh tháp. Sau đó, một phòng thí nghiệm về khí tượng và hàng không cũng đã sử dụng tầng cao nhất của tháp.


Edouard (Eđuác VII) hồi đó là Hoàng tử xứ Galles (Galơ) cùng với gia đình là những người đầu tiên lên đỉnh tháp ngày 10 tháng 6 năm 1889. Người ta có thể lên bằng thang máy hoặc cầu thang (cầu thang chỉ lên được đến tầng 1 và tầng 2), công chúng có thể lên dạo ngắm và tham quan trên sân thượng của cả ba tầng.

Ở tầng một qua thiết bị nghe nhìn du khách sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử của tháp, ở tầng hai có nhà hàng biểu diễn phục vụ ăn uống vào buổi tối; tầng ba được che kính, du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh mọi phía và xem hệ thống cầu thang máy phía cột cờ phía Tây. Ở tầng ba có cửa hàng Jules Verne (Giuylơ Vécnơ) nổi tiếng nhất của tháp, đặc biệt ở chỗ dùng khăn ăn màu xám, đĩa đen, cốc đen chân, hoa hồng đen để trên bàn.

Để ngắm nhìn toàn cảnh Paris, khách tham quan nên chọn ngày nắng đẹp, không nên lên tháp quá sớm vì buổi sáng ở Paris thường có sương mù.


Buổi chiều lúc Mặt trời lặn, hoặc ban đêm lên tháp khách tham quan sẽ thấy một cảnh tượng tuyệt vời. Từ năm 1985, tháp được lắp thêm một hệ thống chiếu sáng làm nổi bật vẻ đẹp và những đường nét kiến trúc phức tạp của tháp.




Những ánh đèn tỏa ra từ tháp sẽ tắt khoảng 5 phút, đây được
xem như một phần trong cuộc vận động tiết kiệm năng lượng.


Trở thành biểu tượng của "kinh đô ánh sáng", tháp Eiffel là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất toàn cầu. Ngoài ý nghĩa cách mạng khoa học, kỹ thuật. Tháp Eiffel còn là biểu tượng cách mạng về phương diện chính trị, là niềm tự hào của người dân Pháp và Paris.

Từ khi khánh thành cho tới năm 2007, tháp đã có hơn 236 triệu lượt khách viếng thăm. Riêng năm 2007, tháp Eiffel đã đón tiếp gần 7 triệu du khách, giữ vị trí công trình thu phí thu hút nhất trên thế giới.

DiaOcOnline.vn tổng hợp