Những kì quan nhân tạo tại Mỹ

Cập nhật 25/03/2010 11:30

Đó có thể là những biểu tượng, có thể là những tòa nhà cao ngất trời và cũng có thể là những chiếc cầu dài nối liền khoảng cách giữa 2 bờ...,

Kỳ trước, DiaOcOnline.vn đã giới thiệu với bạn đọc 7 trong những kỳ quan nhân tạo ở nước Mỹ. Kỳ này, DiaOcOnline.vn lại tiếp tục giới thiệu đến quý độc giả những kỳ quan khác cũng do bàn tay con người tạo nên. Đó có thể là những biểu tượng, có thể là những tòa nhà cao ngất trời và cũng có thể là những chiếc cầu dài nối liền khoảng cách giữa 2 bờ..., nhưng cho dù nó là gì thì nó cũng chứng tỏ được sức mạnh vô địch của con người, sức mạnh kết nối thiên nhiên, xóa tan mọi khoảng cách không gian mà trước kia vốn tưởng chừng như không thể.

1. Tượng nữ thần Tự Do

Được đặt ở đảo Bedloe, tại cửa sông Hudson, nhìn ra cảng New York, tượng Nữ Thần Tự Do là tặng phẩm của nước Pháp dành cho nhân dân Mỹ, một kỷ vật để tượng trưng cho tình cảm của nước Pháp đối với cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, cuộc Cách mạng mà nhiều người Pháp đã chiến đấu và đổ máu cho nền Độc Lập và Tự Do của Bắc Mỹ.

Tượng do Auguste Bartholdi thiết kế, cao 46 m, được đặt trên bệ khổng lồ hình ngôi sao cao 47m do kiến trúc sư người Mỹ Richard Morris Hunt thiết kế, khiến chỏm ngọn đuốc cao hơn mặt đất tới 93 m.




Tượng nặng 229 tấn, lưng rộng 10,6 m, miệng rộng 91 cm, tay phải giơ ngọn đuốc lửa dài 12,8 m, chỉ riêng một ngón tay trỏ cũng dài 2,4 m. Trên chân Tượng Nữ Thần Tựu Do có xiềng sắt tượng trưng cho việc lật đổ chính quyền tàn bạo, tay trái nắm bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, trên đầu Tượng đội chiếc mũ có bảy đường tia sáng chiếu khắp bảy đại dương, bảy đại châu. Trong ruột Tượng Nữ Thần Tự Do có cầu thang xoáy trôn ốc, có thể leo lên được vùng đầu, tương đương với leo một ngôi nhà lầu cao 12 tầng. Phần sườn thép bên trong, chịu áp lực của bức tượng, đã được vẽ kiểu và thực hiện do kỹ sư Gustave Eiffel, cha đẻ của Tháp Eiffel, ngọn tháp được xây dựng vào năm 1889 và cũng đã trở thành một trong những biểu tượng của nước Pháp.

2. Tòa nhà ngũ giác cao nhất

Tòa nhà ngũ giác cao nhất trên thế giới là tháp JPMorgan Chase được đặt tại Houston, Texas tại Mỹ. Nó cao hơn tòa nhà trung tâm thương mại thế giới Baltimore nhưng các mặt của tòa nhà này không bằng nhau.


Tòa nhà có 75 tầng với độ cao 305,4m. Trước đây được gọi là tòa tháp thương mại Texas và là tòa nhà cao nhất tại Texas. Nó cũng là một trong những kiến trúc cao nhất trên thế giới.

3. Trung tâm thương mại thế giới


Trung tâm Thương mại Thế giới (tiếng Anh: World Trade Center, viết tắt WTC; cũng được gọi Tòa tháp đôi), là tên gọi chung của khối bảy tòa nhà trước đây nằm gần cực nam Manhattan, thành phố New York. Trung tâm nổi bật với hai tòa tháp đôi 110 tầng, được kiến trúc sư người Mỹ gốc Nhật Minoru Yamasaki thiết kế và mua lại bởi Larry Silverstein. Khởi công từ 1966 và khánh thành vào 4 tháng 4 năm 1973, nó vượt qua chiều cao của tòa Empire State lịch sử, trở thành tòa nhà cao nhất thế giới chỉ trong một năm, trước khi tòa tháp Sears ở Chicago hoàn tất. Đã từng bị đánh bom vào tháng 2 năm 1993, nhưng nó vẫn đứng vững kiên cố. Tuy vậy nó đã không tránh khỏi sụp đổ gây ra bởi hai chiếc phi cơ Boeing đâm vào, trong những sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001.


Trước sự kiện tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở Thành phố New York chiếm vị trí thứ 2 và 3 trong bản tổng sắp. Chiều cao của tháp số 1 là 1368 feet, tương đương 417 mét. Chiều cao của tháp số 2 là 1362 feet, tương đương 415 mét.

4. Cây cầu nằm trên cao nhất

Nằm cheo leo ở độ cao 1.200 m phía trên một cao nguyên đá, cây cầu Skywalk Grand Canyon tại bang Nevada của Mỹ được làm toàn bằng kính có thể khiến du khách phải nín thở khi đi dạo trên đó.


Nhưng khi nghe những thông số của cây cầu thì người ta có thể yên tâm về độ an toàn.


Nó có thể nâng đỡ sức nặng của 71 chiếc Boeing 747 đã chở đầy khách, và cũng vững vàng trước tác động của một trận động đất 8 độ richter trong bán kính 75 km.

5. Cầu Bảy Dặm ở Florida, Mỹ


“Cầu 7 dặm” ở Florida chạy qua eo biển giữa vịnh Mexico và eo biển Florida đến đất liền. Chính xác chiều dài của nó là 6.79 dặm tương đương 10,93km. Khởi thủy mục đích sử dụng của chiếc cầu là dùng làm đường xe lửa được xây dựng trong gần 5 năm, từ năm 1908 - 1912. Nó là một phần đường ray xuyên biển của Henry Flagler giữa Miami và Key West. Năm 1935 một cơn bão đổ bộ ngay trong ngày Quốc tế Lao Động đã phá hủy nặng nề đường ray này. Sau đó, Chính phủ tiếp quản đường ray và biến nó thành đường cho xe chạy. Vào năm 1980 chiếc cầu cũ đóng cửa để sửa chửa và chiếc cầu Seven Mile Bridge ngày nay được hoàn thành vào tháng 5/1982, trở thành một trong những chiếc cầu dài nhất thế giới. Vẻ đẹp hùng vĩ của nó đã thu hút nhiều nhà làm phim, chiếc cầu đã “thủ vai” trong một số bộ phim như True Lies, 2 Fast 2 Furious, License to Kill và Up Close & Personal.

6. Chesapeake Bay Bridge










Thường được biết đến với tên là Bay Bridge, là chiếc cầu lưu thông 2 chiều chính của Maryland, Mỹ, nối liền các bang ở phía đông và các vùng bờ biển phía Tây. Trong hơn 43 năm qua, chiếc cầu đã thu hút sự chú ý của cả thế giới như là một kỳ quan của công nghệ khoa học hiện đại. Chạy bên trên và cả bên dưới mặt nước nơi vịnh Chesapeake hòa cùng Đại Tây Dương, kể từ khi chính thức thông cầu vào ngày 15/4/1954, chiếc cầu và đường hầm này được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan xây dựng của thế giới hiện đại.

7. Cây cầu cáp dây văng rộng nhất thế giới




Leonard P. Zakim tại bang Massachusettes, Mỹ là cây cầu cáp dây văng rộng nhất thế giới và là một phần của tuyến đường cao tốc lớn nhất Mỹ - Boston"s Big Dig.






Nó được thiết kế với chiều rộng hơn 60 m, nhằm giúp luồng giao thông được vận hành tối đa khi vào thành phố và hạn chế tối đa việc ách tắc.

Để cây cầu có được chiều rộng này, các kiến trúc sư đã sử dụng thiết kế treo hai làn đường bên ngoài hệ thống dây cáp, cùng với 8 làn đường do trụ đỡ.

 

DiaOcOnline.vn tổng hợp - Ảnh: Internet