Athens, thành phố của nữ thần kỳ diệu. Cuộc sống êm đềm hiện nay của nó như đang còn mãi chiêm nghiệm một quá khứ hào hùng của vùng đất kỳ bí, đầy sự tích, một vùng đất thánh thiêng liêng của người Hy Lạp.
Chúng tôi quyết định đi Hy Lạp bằng phương tiện xe buýt tốc hành, đồ đạc để lại Sofia và chỉ mang theo đúng một bộ đồ lạnh cùng chiếc máy ảnh, để thấy được một phần ngoại ô của thành phố Sofia và biên giới của Hy Lạp - Bulgaria. Ông đại sứ Việt Nam tại Bulgaria là một người hoạt bát và dễ mến, không ngần ngại cấp cho chúng tôi một công hàm ngoại giao gởi đại sứ Hy Lạp, và trong vòng 5 phút, visa vào Hy Lạp đã được cấp.
Ngồi chung xe với người Bulgaria, Hy Lạp với nhiều tiếng địa phương khác nhau, chúng tôi chỉ có thể chào nhau bằng gật đầu và ra dấu. Xe ngang qua biên giới, một sự tương phản giữa hai lằn ranh rõ ràng đến mức phải chạnh lòng giùm những người dân Bulgaria đang cùng chung chuyến: một bên là đường bộ rộng thoáng 10 làn xe chạy, còn bên kia là một đường làng lỗ chỗ với ổ voi và ổ gà! Hạ tầng cơ sở của Hy Lạp khá hiện đại, với hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường hàng không vào loại tốt nhất của vùng Địa Trung Hải.
Chúng tôi theo đường cao tốc xuyên Châu Âu và ở trọ tại một làng nghỉ vùng ngoại ô. Chung quanh là đồi núi, thung lũng bạt ngàn. Làng mạc nằm dưới thung lũng mênh mông trông đẹp và thanh bình một cách kỳ lạ. Đường phố không rộng nhưng thẳng tắp với các hàng cây tô điểm bên những trụ đèn hoa văn cổ xưa. Hình ảnh đó trông giống như những bức tranh thủy mặc với kiến trúc vừa khoáng đạt vừa dè dặt kín đáo, vừa sôi nổi trẻ trung với nền văn hóa lâu đời.
Người Athens có thể tự hào về điều đó, bởi thành phố là một trung tâm văn hóa, kinh tế của Hy Lạp, một đô thị lớn nhất và là trung tâm thương mại của vùng Điạ trung Hải, bán đảo Balkan.
Đền Pathernon nhìn xuống Athens.
Khám phá Athens là những gì chúng tôi hằng mong đợi, háo hức. Chúng tôi theo xe buýt vào thành phố mà không kịp ăn uống, tắm rửa. Thành phố có nét quy hoạch giống như một số tỉnh thành của Việt Nam với nhà phố theo dãy, mặt tiền hẹp làm nơi buôn bán, lề đường rộng. Vì là ngày nghỉ nên phần lớn đường phố vắng vẻ và các cửa hiệu toàn bằng kính không cần che đậy, không sợ đạo chích! Một cảnh quan khá kỳ thú dọc đường phố. Trên những khu ở khác, nhà đều có sân trước và hàng rào thấp trồng dây leo với hàng cây cổ thụ um tùm che bóng mát, một vài nhà có cả giàn nho mọc trước sân với một lối kiến trúc khá nhẹ nhàng thanh thoát, khá tương phản với các đền đài cổ kính được xây dựng. Từ ngàn xưa, Athens là một trung tâm văn hóa cổ của Hy Lạp, đến nay nhiều di tích vẫn còn như đền đài ở Tessalomka, di chỉ khảo cổ Epidanrus, thành phố thời trung cổ Rhodes.
Quảng trường tại trung tâm Athens.
Ở trung tâm thành phố có nhiều viện bảo tàng, đại học Tổng hợp Athens và các trường cao đẳng mỹ thuật, kiến trúc, hài kịch, âm nhạc và nhiều viện nghiên cứu. Một vòng thăm các khu vực này chỉ tốn khoảng 10USD tiền xe bus. Chúng tôi đến thăm kịch trường của thành phố được xây dựng từ thế kỷ thứ hai, một danh thắng di tích và văn hóa lớn của Hy Lạp, nằm kề bên quảng trường HsiehHo (Quảng trường Hòa hợp). Tại đây tổ chức biểu diễn âm nhạc và những vở kịch cổ điển nổi tiếng thế giới. Kiến trúc của nó trông hao hao như một số nhà hát được khảo cổ học khai quật ở Alexandria, Ai Cập. Phố đi bộ của thành phố chính là ở đây, sầm uất, đông vui, vì ngày nghỉ người Hy Lạp có thói quen tụ họp nhau tại quảng trường và các bờ biển.
Một ngôi trường đại học tại Hy Lạp.
Thành phố hiện nay được quy hoạch khá rõ ràng theo phân khu chức năng: phía Bắc và phía Nam dành cho khu hành chính và khu văn hoá, phía Tây là cảng và khu thương mại, phía Đông và các vùng phụ cận là khu dân cư. Mỗi khu dân cư đều có tâm điểm là trường học và một quảng trường nhỏ làm khu sinh hoạt cộng đồng. Nội thành cũ, đường xá hẹp và ngoằn ngoèo nhưng ngoại thành thì hiện đại và ngăn nắp, các tầng lớp kiến trúc được bảo tồn. Ngoài văn hóa, thương mại, vùng đất này còn là trung tâm thể dục thể thao với niềm tự hào là thành phố đầu tiên tổ chức thế vận hội Olympic (1896).
Lịch sử của thành phố được viết từ thế kỷ 12 trước Công Nguyên khi người Mai-His-Nis trên núi Akro Poliszu xây một bức tường vây quanh hình thành Athens ngày nay. Thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên người Ionioi (Nisoi) xây dựng thành bang với chế độ nô lệ, từng bước phồn thịnh lên với địa vị minh chủ liên hiệp các bang của Greece (Hy Lạp) thành tổ chức đồng minh. Năm 538 trước Công Nguyên cũng trên núi Akro - Poliszu đã xây dựng miếu thần theo kiến trúc tôn giáo, từ đó thành Athens trở nên nổi tiếng, hình thành nên một thế lực mới: Athens của vùng Địa Trung Hải. Thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, nó lại bị La Mã thôn tính, đến năm 1458 thì bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ suốt 400 năm, kể từ năm 1830 mới chính thức trở thành thủ đô của vương quốc Hy Lạp (Greece).
Đền Parthenon được coi là mẫu mực tinh xảo nhất của kiến trúc cổ điển và là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc. Kiến trúc sư Ictinus, người Ionia miền Đông Hy Lạp, không thẹn là bậc thầy lớn về thấu thị kiến trúc. Ông đã để lại cho đời sau một tác phẩm hoành tráng đến như vậy, dù thời gian đã làm tường long vách lở nhưng nó vẫn có một vị thế uy nghi choáng ngợp. Đền Parthenon được xây trên nền đất thành Athena thời kỳ xa xưa (Athena là một nữ thần anh dũng, người bảo hộ nghệ thuật, một nữ thần đồng trinh và cũng là thần bảo hộ thành Athens), dài 69,5m, rộng 30,5m, có phong cách kiến trúc Doris với hành lang cột chung quanh và hành lang cột bên ngoài vây lấy nội điện. Trong nội điện có khám thần với pho tượng nữ thần lớn bằng vàng và ngà voi, có 46 cây cột lớn rãnh lõm do rất nhiều đá cẩm thạch lớn xếp thành, đỡ các dầm hình tam giác với nóc bằng gỗ. Ngôi đền nhìn tổng thể khá đơn giản, hình chữ nhật, nhưng các chi tiết bên trên các dầm cột lại rất tinh xảo. Cũng giống như phần lớn các ngôi đền khác thờ thần Hy Lạp trên thế giới, nhưng ngôi đền này xưa nhất và hoành tráng nhất.
Hiện nay, dù kế hoạch trùng tu bị phá sản, nhiều cây cột bị kéo đổ, các tác phẩm điêu khắc bị nước ngoài thu giữ, nó vẫn là nhân chứng của nền văn minh nhân loại cổ xưa, thăng trầm qua mỗi thời kỳ, đã từng là giáo đường chính giáo phương Đông Hy Lạp, giáo đường Thiên Chúa giáo La Mã, từng được dùng làm đền Hồi giáo, và đã từng là kho đạn dược của quân Thổ Nhĩ Kỳ…Trải qua bao đổi thay, Parhenon vẫn như một triết gia câm lặng và chịu đựng …
Athens, thành phố của nữ thần kỳ diệu. Cuộc sống êm đềm hiện nay của nó như đang còn mãi chiêm nghiệm một quá khứ hào hùng của vùng đất kỳ bí, đầy sự tích, một vùng đất thánh thiêng liêng của người Hy Lạp. Cô bạn gái người Athens, đôi mắt to, mái tóc đen dài, bảo chúng tôi phải dành một phút mặc niệm trước khi bước qua một tảng đá thiêng ở ngôi đền cổ. Trong tôi bỗng trào lên một cảm xúc khó tả: giữa đất trời không thể nào chỉ là cát đá trơ trụi, không lẽ chỉ là những hạt bụi bay vòng vòng trong vũ trụ? Nhà thơ Đức Goethe cũng từng thắc mắc: "Giữa trời và đất hẳn phải có cái gì khác nữa? ". Tôi hy vọng một sự kỳ diệu xảy đến, một điều thiêng liêng sẽ xuất hiện, và nó hiện ra thật!. Không cụ thể để ta sờ mó, nhìn thấy. Tự trong sâu thẳm của ký ức, tôi như nhìn thấy hàng trăm ngàn người đang âm thầm xây dựng, họ là hàng ngàn nghệ nhân cổ đại đang miệt mài tạo ra một tác phẩm nghệ thuật trường tồn với thời gian để những gì trong tim óc thấy được và sờ được cho hàng ngàn năm sau...
Một tiếng còi tàu bỗng vang lên, ngân mãi từ Địa Trung Hải. Ánh mặt trời dần lịm tắt. Hoàng hôn phủ một màu xanh xám lên thành phố. Cảnh tượng thật tuyệt vời, không gian như lắng đọng. Chìm ngập trong một cảm xúc khó tả, tôi lọt vào một thế giới nào đó mà mình như vô tình lọt vào vòng xoáy và lang thang như kẻ mộng.
Theo Tuổi Trẻ
Ảnh: Internet