Du lịch Việt Nam – những kỷ lục thú vị

Cập nhật 05/04/2010 11:30

Vòng quanh đất nước Việt Nam, bạn có thể khám phá vô vàn điều thú vị từ thiên nhiên, cuộc sống, con người.

Vòng quanh đất nước Việt Nam, bạn có thể khám phá vô vàn điều thú vị từ thiên nhiên, cuộc sống, con người. Và có thể bạn chưa biết, ngay xung quanh mình, có những sự vật, sự việc thân thuộc, gần gũi lại đang giữ những kỷ lục thật bất ngờ.

1. Nhà thờ có bộ chuông lớn nhất Việt Nam

Tọa lạc giữa cổng trường Công xã Paris, Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn là ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ và cổ kính được xây dựng từ năm 1877 và hoàn thành vào năm 1880.


Nhà thờ có chiều dài 93m; rộng 35,90m; cao 57m. Tất cả các vật liệu xây dựng như ximăng, gạch, ngói, sắt thép, đinh ốc… đều được đưa từ Pháp sang. Tường gạch mặt ngoài của nhà thờ là loại gạch đặc biệt do kiến trúc sư Bonrard đặt hãng gạch ngói Marseille (Pháp) làm. Loại gạch này không phai sắc mà đến rêu và bụi cũng không thể bám vào được.


Đặc biệt Vương Cung Thánh Bà Sài Gòn có một bộ chuông vĩ đại và quý hiếm gồm 6 quả được chế tạo tại Pháp, được kiến trúc sư Bonrard mang sang Sài Gòn vào tháng 5 năm 1879. Bộ chuông có sức nặng gần 29 tấn (kể cả hệ thống đối trọng), các quả chuông có tên sol, la, si, đô, rê, mi. Bộ chuông này được xem là bộ chuông lớn nhất trong các nhà thờ ở Việt Nam.

2. Nhà thờ có sức chứa lớn nhất Việt Nam

Nhà thờ Bảo Lộc (Đà Lạt) là nhà thờ có sức chứa lớn nhất trong các nhà thờ ở Việt Nam hiện nay. Nhà thờ có khả năng chứa khoảng 3000 giáo dân.


Theo thiết kế ban đầu để xây dựng nhà thờ Bảo Lộc năm 1993 của kĩ sư Ngô Viết Thụ là phần nhà thờ có diện tích 3600m2, không thể công trình phụ là tháp chuông nằm bên cạnh. Nếu thực sự đúng thiết kế thì nhà thờ Bảo Lộc sẽ là nhà thờ lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhưng mới chỉ thực hiện được 1/20 thì linh mục Vương Văn Điền qua đời, do đó không có khả năng để tiếp tục.

Đến năm 1997, bản thiết kế được điều chỉnh thu gọn trong diện tích 42m x 42m = 1764m2 và chiều cao chỉ còn 13m thay vì 53m theo thiết kế ban đầu. Phần trần nhà thờ với một mái vòm tròn đường kính 36m, được chia thành 12 cánh ôm lấy vòng trung tâm, bằng chất liệu thạch cao với những nét khắc tinh tế, cũng là một điểm nhấn của công trình nội thất. Trong nhà thờ có bộ tranh kính màu có diện tích 66m2 gồm 33 bức. Đây cũng là bộ tranh kính màu lớn nhất trong số các trang ở các nhà thờ Việt Nam.

3. Khách sạn xưa nhất Việt Nam

Bạn muốn thưởng thức café kiểu Ý, các món ăn Việt Nam và cả Châu Âu hay căn phòng mà nhà văn người Anh Graham Greene — tác giả cuốn tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng — đã ở, cũng như để thả mình vào một không gian đặc trưng của kiến trúc Phương Tây trong khung cảnh Á Đông, mời bạn đến “GRAND— LADY” một cách gọi thân mật của nhà báo Pháp Mark Phillip Yoblonka dành cho khách sạn Continental.


Đây là khách sạn đầu tiên của Sài Gòn được xây dựng vào năm 1880, tọa lạc tại trung tâm thành phố. Continental gồm 83 phòng được trang trí và xây dựng theo kiểu kiến trúc lâu đài xưa. Khách sạn đã hai lần đón tiếp hai vị Tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing và Jacques Chirac.


Có dịp dừng chân, bạn sẽ xem lại những bức ảnh, bằng chứng sống động cho dòng thời gian đã trôi qua nơi đây. Khi bước chân vào khu vườn Continental Patio, bạn được nhìn nhiều loại cây trong đó có cây bông sứ bằng số tuổi của khách sạn. Continental là khách sạn đầu tiên đưa món phở vào thực đơn ăn sáng được thực khách nước ngoài ưa chuộng với tên gọi “Phở Đại Lục lữ quán”. Khách sạn Continental còn được gắn với danh xưng: Cung điện huyền thoại và độc đáo ở Việt Nam.

4. Nhà ga duy nhất ở Việt Nam được công nhận di tích kiến trúc quốc gia


Nhà ga Đà Lạt là một công trình kiến trúc nổi tiếng, thể hiện nét đặc thù riêng của Đà Lạt. Nhà ga được xây dựng từ những thập niên đầu của thế kỉ XX , do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế. Người thi công là thầu khoán Võ Đình Dung, với kinh phí là 200 ngàn France.

Ga xe lửa Đà Lạt có hình dáng như núi Lang Biang hùng vĩ, với chiều dài 66,5m chiều ngang 11,4m và chiều cao 11m, kiến trúc giống các nhà ga ở các tỉnh miền Nam nước Pháp, tức là có mái và hai đầu mái uốn vòm. Nếu nhìn từ phía bên hông ta sẽ thấy 3 mái nhọn nhô ra ở phía trên đầu rồi thụt vào ở phía chân, nhưng luôn theo kiểu thẳng đứng. Nhìn từ mặt trước, nhà ga có ba chóp nhọn tam giác tượng trưng cho ba đỉnh núi Lang Bian, còn các mái ngói ở chân tam giác ngoài xiên ra như chân sườn núi. Đây là một công trình kiến trúc vừa duyên dáng vừa độc đáo, là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây với kiến trúc nhà rông Tây Nguyên, sự tuyệt mỹ của những đường nét họa tiết trang trí đã được nhà nước xếp vào hàng di sản.

5. Lễ hội xích lô đầu tiên ở Việt Nam

Đây là lễ hội nằm trong chuỗi hoạt động của Festival nghề truyền thống Huế do UBND TP Huế tổ chức, khai mạc vào ngày 2.6.2007.


Cùng với 300 chiếc xích lô của các nghiệp đoàn trên địa bàn Tp Huế sẽ là một số “đại diện” xích lô đến từ Thủ đô Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.

Lễ hội xích lô được thực hiện bằng diễu hành xích lô quanh TP Huế, tìm hiểu địa danh, lịch sử văn hoá và các làng nghề, các di tích văn hoá lịch sử của Huê. kiến thức an toàn giao thông, giao lưu văn nghệ... Một điểm nhấn khác của lế hội này là các sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế sẽ tham gia trang trí cho đoàn xe, làm cho lễ hội thực sự cuốn hút bằng các sắc màu ...

DiaOcOnline.vn - Theo website Du lịch