Đền tháp Borodudur

Cập nhật 05/08/2013 07:21

Borobudur là một kỳ quan kiến trúc Phật giáo cổ kính, tinh xảo được xây dựng từ năm 750 đến năm 842, cách thành phố Yogyakarta 42km về phía Bắc, trung tâm đảo Java, Indonesia. Đền Borobudur được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1991. Tên gọi Borobudur có gốc từ Vihara Buddha Ur trong tiếng Phạn, có nghĩa là “tháp Phật trên đồi cao”.

Borobudur là một kỳ quan kiến trúc Phật giáo cổ kính, tinh xảo được xây dựng từ năm 750 đến năm 842, cách thành phố Yogyakarta 42km về phía Bắc, trung tâm đảo Java, Indonesia. Đền Borobudur được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1991. Tên gọi Borobudur có gốc từ Vihara Buddha Ur trong tiếng Phạn, có nghĩa là “tháp Phật trên đồi cao”.



Ngôi đền tháp này được xây dựng dưới vương triều Sailendra vốn sùng đạo Phật (thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ IX). Tọa lạc trên đỉnh một quả đồi, giữa vùng đồng bằng phì nhiêu, phía sau là một dãy núi màu lam làm nổi bật ngôi đền. Từ chân đồi du khách phải leo hơn 15m mới lên tới nền đền.

Toàn bộ kiến trúc gồm 12 nền tầng to, nhỏ, vuông, tròn xen kẽ, chồng lên nhau tạo thành một khối cao 42m. Chiều dài mỗi cạnh nền dưới cùng là 123m. Tòa tháp được xếp thành từ 300 nghìn viên đá, loại đá núi lửa màu xám khai thác trên đảo Java, trên một mặt phẳng hình vuông rộng 2500m², theo mô hình của một Mạn-đà-la (sơ đồ về khái niệm vũ trụ của Phật giáo Tây Tạng).

Móng tháp là một đài hình vuông có cạnh là 123m. Phía trên là 6 tầng hình vuông cắt góc mỗi cạnh lần lượt là 120, 89, 69, 61, 54, 58m, tượng trưng mặt đất mênh mông. Ba tầng còn lại hình tròn có đường kính lần lượt là 51, 38, 26m tượng trưng cho vũ trụ bao la hùng vĩ. Trên ba tầng này còn có rất nhiều tháp nhỏ trông giống như những cái sọt, nên có người còn gọi tháp Borobudur là “sọt Phật Java”. Lúc hoàn thành Borobodur có 602 pho tượng Phật, nhưng một số đã bị đánh cắp, ngày nay còn 504, một số tượng bị mất đầu.



Nhìn từ xa, ngôi đền giống như một ngọn đồi hay một kim tự tháp với nhiều tượng Phật và bảo tháp. Viếng đền tháp Borobudur bắt đầu từ cổng phía Đông, đi theo chiều kim đồng hồ, mỗi tầng đều có bậc thang để trèo lên tầng cao hơn, hết tầng này tiếp nối tầng khác. Kiến trúc tổng quát của ngôi đền có thể chia làm ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho ba cảnh giới của Ta-bà: các tầng thấp nhất là Dục giới, tiếp theo là Sắc giới và những tầng trên cùng là Vô sắc giới.

Ở trên vách đá các tầng thấp hiện ra những cảnh tượng điêu khắc của Dục giới, phô bày những cảnh tượng của Dục giới, gồm đủ loại chúng sinh như quỷ đói, súc sinh, loài người, các cảnh tượng tham lam, những xung năng thấp kém, tham dục và hận thù. Các tầng trên là cảnh tượng của Sắc giới gồm những bậc thánh nhân, và sau hết là các thiên nhân thuộc Vô sắc giới.

Những tầng cao hơn hết kể lại sự tích tiền thân của Đức Phật trong nhiều kiếp trước, sau đó là ngày đản sinh, ngày Đức Phật từ bỏ cung điện đi tìm đạo, ngày đạt được Giác ngộ, và ngày Đức Phật thành đạo…Đối với các tín đồ Phật giáo dưới vương triều Sailendra, thì Borobudur là đại diện cho Phật giáo thực nghiệm. Họ có thể dễ dàng hình dung quá trình tu luyện của bản thân qua kiến trúc đền.






Tầng thứ nhất (tính từ chân đồi) có bình đồ hình vuông, mỗi bốn cạnh căn chiếu theo bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Khoảng giữa mỗi cạnh để trống 7,38m, hai bên đặt con sư tử lớn bằng đá chầu hai bên. Mỗi tượng thú cao 1,7m kể cả bệ, dài 1,26m, và rộng 0,8m. Trong 8 con sư tử ở bốn cạnh thì một số đã được đẽo gọt, chạm trổ hoàn chỉnh. Vài con còn chưa được đẽo gọt hoàn chỉnh.

Tầng thứ hai cao hơn tầng thứ nhất 1,52m. Bình đồ tầng hai không theo dạng hình vuông như ở tầng nhất, mà là hình đa giác với 20 cạnh, gần như ôm lấy triền đồi. Tầng hai dù vậy vẫn có bốn cạnh lớn hướng về bốn phương trời, giữa có bốn tầng cấp. Hai bên tầng cấp có hai lan can uốn lượn duyên dáng. Cuối lan can là một đầu voi rất to, trong miệng ngoạm một con sư tử; còn đầu lan can kia, là một đàn sư tử, mõm mở rộng, lưng tựa vào tường.

Từ tầng thứ ba trở lên, lại có hình dạng vuông, riêng tầng ba trên cùng có dạng hình tròn. Trên mỗi tầng có xây dựng nhiều đền đài miếu mạo, cái lớn nhất ở giữa, hai bên là những cái bé hơn. Trên cùng của đền tháp là mái tròn hình chuông.

Tất cả các bậc thềm từ tầng một đến tầng chín đều được phủ kín bằng những phù điêu, được chạm trổ rất công phu, mô tả cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mầu Ni, các bồ tát và các anh hùng đã giác ngộ Phật pháp, về thiên đàng, về địa ngục…

Riêng ba tầng trên cùng bằng phẳng, trơn nhẵn có trổ 72 tháp chuông hình mắt cáo. Bên trong có đặt 72 tượng Phật ngồi (tầng một 32, tầng hai 24 và tầng ba 16).

Nguồn gốc của đền Borobudur đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Có ý kiến cho rằng, nguồn gốc của đền tháp Borobudur bắt nguồn từ Campuchia nước cổ Phật giáo. Đó là vào đầu thế kỷ thứ VIII, hoàng triều Sanjaya theo Ấn giáo và thờ thần Shiva, đóng đô ở vùng Bắc trung tâm Đảo Java. Một hoàng thân người Campuchia được hoàng triều này che chở, nhưng sau đó ông trở về Campuchia vào năm 802 và lên ngôi vua. Có thể chính ông đã đem theo về nước dự án đầu tiên của Borobudur, vì người ta tìm thấy trên đất Campuchia một ngôi đền nhỏ xây bằng gạch hình tháp tương tự với mô hình của Borobudur.





Năm 850 có thể xem là năm hoàn thành Borobudur. Nhưng vào khoảng đầu thế kỷ XIII, những người buôn bán Ả Rập đã đưa Hồi giáo vào Indonesia. Chỉ trong vòng hai trăm năm, cả quần đảo Indonesia gần như hoàn toàn bị Hồi giáo hoá. Borobodur trở nên hoang tàn. Vào năm 1814, một phái đoàn các nhà khoa học châu Âu, do chính quyền thuộc địa Hà Lan tại Indonesia cử đến, mới tiến hành nghiên cứu và tu bổ lại ngôi đền đã bị đổ nát, hư hỏng nghiêm trọng. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Indonesia mới ý thức được tầm quan trọng của Borobudur liền mời nhiều nhà khảo cổ trên thế giới đến nghiên cứu, đồng thời kêu gọi UNESCO giúp sức để trùng tu nhằm giúp cho Borobudur thoát khỏi cảnh hoang tàn và quên lãng. 600 nhà phục chế có tên tuổi trên thế giới đã tiến hành trùng tu lại ngôi đền trong suốt 12 năm trời và tiêu tốn 50 triệu đô la Mỹ.

Ngày nay, Borobudur là thắng cảnh thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Indonesia. Borobudur không chỉ là một kỳ quan đáng ngưỡng mộ của Indonesia mà còn là công trình nghệ thuật kiến trúc vĩ đại nhất và giá trị nhất của thế giới Phật giáo và của cả nhân loại, xứng đáng là một trong những kì quan nổi tiếng châu Á. Hàng năm, đây là nơi hành hương của Phật tử Indonesia trong dịp lễ Vesak truyền thống.




DiaOcOnline.vn - Theo hoidisan