Bất động sản, thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin được xem là 4 điểm “hút” dòng vốn đầu tư gián tiếp từ Nhật Bản về Việt Nam trong thời gian gần đây.
Để tiết kiệm thời gian chuẩn bị đầu tư, thay vì đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư Nhật Bản bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A).
Cuối năm 2011, một thương vụ đình đám được nhiều nhà đầu tư đề cập là việc Tama Global Investment Pte - thành viên của Tập đoàn Tama Home (Nhật Bản) đã khởi động tiến trình “chinh phục” thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại 20% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nhà đất Cotec (Cotecland), thành viên của Cotec Group để trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Trên lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, sau thời gian rầm rộ đầu tư vào 7 doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2011 (là VNG, VMG, Vật giá, VGame, Baokim, CleverAds và Di Động Xanh) ngay những ngày đầu tháng 3/2012, Quỹ CyberAgent của Nhật đã công bố khoản đầu tư mới vào website thương mại điện tử Tiki.vn.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện Quỹ đầu tư CyberAgent tại Việt Nam cho biết, Tiki là công ty thứ 3 trong lĩnh vực Internet & Mobile của Việt Nam được CyberAgent đầu tư trong vòng chỉ chưa đầy một tháng. CyberAgent chọn là do, Tiki có tiềm năng phát triển thành mạng thương mại điện tử B2C hàng đầu tại Việt Nam nhờ đạt mức tăng trưởng tốt từ khi thành lập.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Masata “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành Công ty Recof tại Việt Nam cho biết: “Hiện nay, dòng đầu tư hướng tới lĩnh vực thương mại, dịch vụ”.
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Shinichiro Hori, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dream Incubator Việt Nam (chủ sở hữu Quỹ Đầu tư Công nghiệp DI châu Á - DIAIF) nói: “Với nguồn vốn 70 triệu USD, chúng tôi xác định lĩnh vực đầu tư chủ yếu là thực phẩm và đồ uống (F&B) và ngành chăm sóc sức khỏe.
Hiện nay, DIAIF đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) với việc nắm giữ 31,1% cổ phần của công ty này và Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood)”.
Vậy, câu hỏi được đặt ra là, vì sao các nhà đầu tư lại chọn Việt Nam?
Ông Masata “Sam” Yoshida cho biết, quyết định đầu tư của Nhật Bản thường dựa vào các thông số quan trọng là thị trường đông dân, tốc độ phát triển kinh tế ổn định, tăng trưởng thu nhập đầu người và tính hấp dẫn của dự án.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản (AFIRE), Việt Nam được xếp thứ 4 trong số những thị trường mới nổi về mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là lý do nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chọn Việt Nam.
Còn tại sao chọn phương án M&A, ông Masata “Sam” Yoshida cho rằng, khi thực hiện phương án mua lại một phần doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư. Chi phí đầu tư có thể giảm đến 20% trong bối cảnh hiện nay.
Ông Toshifuni Iwaguchi, Giám đốc điều hành Công ty Recof cho biết, trong thời gian tới, M&A giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam sẽ tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, do rào cản ngôn ngữ và việc lên kế hoạch đầu tư dự án cần nhiều thời gian, công sức, do vậy họ thực hiện các thương vụ M&A thông qua các công ty chuyên tư vấn về M&A như một giải pháp tối ưu để đầu tư vào Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư