Vốn cho cao tốc Bắc - Nam: Ngân hàng Nhà nước lên tiếng

Cập nhật 02/10/2019 09:15

Trả lời câu hỏi về khả năng thu xếp vốn cho dự án cao tốc Bắc - Nam sau khi Bộ Giao thông Vận tải hủy đấu thầu quốc tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định vốn cho các dự án BOT tới đây là trách nhiệm của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ quan tâm và cố gắng.

Trả lời câu hỏi về khả năng thu xếp vốn cho dự án cao tốc Bắc - Nam sau khi Bộ Giao thông Vận tải hủy đấu thầu quốc tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định vốn cho các dự án BOT tới đây là trách nhiệm của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ quan tâm và cố gắng.

"Đại dự án" cao tốc Bắc-Nam sẽ được đấu thầu trong nước rộng rãi, chỉ còn nhà thầu Việt tham gia dự án.

Chia sẻ với báo chí về khả năng cung ứng vốn của hệ thống ngân hàng với dự án cao tốc Bắc - Nam và các dự án hạ tầng giao thông khác trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Vấn đề đường giao thông theo hình thức BOT đang nhận được sự quan tâm của người dân nhất là dự án Trung Lương – Mỹ Thuận ở phía Nam.

Liên quan đến vốn cho dự án này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định "đã cơ bản được giải quyết". Theo ông Tú, câu chuyện dự án Trung Lương - Mỹ Thuận không phải là giải ngân vì vốn ngân hàng thương mại sử dụng sau cùng để khỏi phải trả lãi. Hiện các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp BOT, UBND tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án) đang trao đổi để thống nhất sớm ký cam kết hợp đồng.

Vừa trở về từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn và sự kiện thông xe tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ: Sau thông xe tuyến cao tốc này, giai đoạn 2 còn đoạn lên cửa khẩu Hữu Nghị sẽ cần hơn 8.000 tỷ đồng, tỉnh Cao Bằng đề xuất con đường từ Đồng Đăng qua thành phố Cao Bằng đi Trà Lĩnh, dự kiến 20.000 tỷ đồng, rồi đường từ Hòa Bình đi Mộc Châu cần khoảng 22 nghìn tỷ đồng...

Trong khi đó, Chính phủ cũng có quyết định việc làm đường cao tốc Bắc - Nam chủ yếu do các nhà thầu trong nước thực hiện triển khai và vấn đề vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại cũng được đặt ra. Điểm qua sơ bộ những dự án trên để thấy vốn tín dụng cho BOT là rất lớn.

“Hôm qua, tại Lạng Sơn, thay mặt Ngân hàng Nhà nước tôi đã báo cáo với Thủ tướng và các Bộ, ngành, thực hiện tham gia các dự án BOT giao thông là một trong những quyết tâm cao của các ngân hàng thương mại và trách nhiệm chính trị rất lớn. Cứ hình dung, cho vay trung và dài hạn ít nhất từ 15 năm trở lên. Thứ hai nguồn vốn rất lớn, mấy chục nghìn tỷ chứ không phải một vài trăm triệu”, Phó Thống đốc cho biết.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với nhà thầu trong nước, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, là “câu chuyện mà ai cũng biết”, đó là vốn ngân hàng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ với báo chí về khả năng cung ứng vốn của hệ thống ngân hàng với dự án cao tốc Bắc - Nam và các dự án hạ tầng giao thông khác trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, thực tế với hoạt động ngân hàng thì huy động vốn ngắn hạn vẫn là chủ yếu trong khi cho vay các dự án BOT giao thông là trung và dài hạn phải từ 15-20 năm, số lượng vốn lại rất lớn tới hàng nghìn tỷ đồng chứ không phải vài chục tỷ đồng nên các ngân hàng thương mại phải rất cân đối.

Bên cạnh đó, khi cho vay các ngân hàng thương mại còn phải dựa trên các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng như không được vượt quá 15% vốn tự có với một đơn vị vay, hệ số an toàn vốn (CAR) cũng được đặt ra…

Ngoài BOT giao thông, hệ thống ngân hàng còn phải cung ứng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên trong sản xuất kinh doanh, phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Và với BOT, Phó Thống đốc nhấn mạnh trách nhiệm của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ quan tâm và cố gắng trong điều kiện, khả năng cho phép đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng.

Ngoài vấn đề nguồn vốn thì các bộ, ngành cũng phải làm rõ các chính sách liên quan đến BOT để không gây ra rủi ro như vấn đề thu phí BOT, vấn đề đặt trạm thu phí… nó tác động trực tiếp tới nhà đầu tư xây dựng, đi cùng đó là những khoản vay của hệ thống ngân hàng thương mại.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí