Thời cho vay tiêu dùng đang trở lại, các ngân hàng đang đua nhau tài trợ vốn mua nhà ở, các chủ đầu tư cũng tận dụng cơ hội này để ưu đãi người mua nhà.
Chào mời lãi suất thấp
Để kích thích thị trường bất động sản đồng thời thúc đẩy tín dụng, các ngân hàng đã chủ động tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi lãi suất cho các khoản vay mua nhà. Các ngân hàng đều muốn tận dụng cơ hội kích cầu để đẩy mạnh dư nợ tín dụng trong năm nay. Hầu hết các dự án đều được ngân hàng cho thế chấp bằng chính căn hộ mua.
Việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay bất động sản là dấu hiệu tốt cho thị trường khởi sắc, cũng như là cơ hội thực sự cho những người cần mua nhà. Song với các điều kiện ngặt nghèo, đặc biệt là không trả được nợ trước thời hạn, là những ràng buộc mà khách hàng cần phải cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng.
Ngay từ khi Ngân hàng Nhà nước nới tín dụng bất động sản, BIDV đã tung ra nhiều gói cho vay mua nhà với các mức lãi suất gói sau thấp hơn gói trước.Chủ đầu tư Golden Palace và BIDV vừa đưa ra chương trình cho vay lãi suất 0% cho các khách hàng mua nhà tại dự án trong thời hạn 1 năm. Cách đó không lâu, Indochina Plaza Hanoi và Vietcombank cũng đưa ra chương trình tương tự. VIB và Nam Long cũng triển khai sản phẩm cho vay ưu đãi lãi suất 0% tại dự án EHome 3. Khách hàng mua nhà tại dự án Thủ Đức Trường Thọ chỉ phải đóng hơn 500 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ trả góp trong vòng 5 năm với mức lãi suất là 0%.
Nhiều ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài cũng đưa ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi dành cho các khách hàng có nhu cầu vay mua nhà.
Không dễ vay
Ưu đãi nhiều, nhưng lãnh đạo của một số ngân hàng trên địa bàn cho biết, cho vay mua bất động sản trong thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Theo lý giải của nhiều người, dù có nhu cầu thực sự, nhưng khách hàng vẫn khá e ngại khi đặt bút ký hợp đồng vay vốn.
Hầu hết các gói lãi suất cho vay mua nhà đều gắn với một vài dự án nhất định có ký kết hợp tác với ngân hàng. Như vậy, chỉ khi mua nhà tại các dự án đó, người vay tiền mới được ưu đãi lãi suất, còn với những dự án khác thì lãi suất vẫn cao ngất ngưởng. Sự hợp tác này giúp mang lại nhiều lợi ích như chủ đầu tư giải phóng hàng tồn kho, ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên không phải dự án nào cũng phù hợp với nhu cầu an cư của người dân, do đó cũng hạn chế khả năng tiếp cận vốn rẻ cho người mua nhà.
Điều đáng nói ở các dự án liên kết giữa chủ đầu tư với ngân hàng để tạo điều kiện cho khách hàng vay trả góp là sự nhập nhằng về mức tiền mà khách hàng được vay trên thực tế. Rất nhiều trường hợp khách hàng sau khi đóng xong tiền đặt cọc mới "té ngửa" vì được duyệt vay thấp hơn nhiều so với mức mà chủ đầu tư hứa hẹn, khiến họ rơi vào thế bị động, thậm chí phải vay thêm bên ngoài với LS cao.
Làn sóng đua nhau cho vay tiêu dùng vào nhà đất của các ngân hàng không làm lỏng các điều khoản vay mà còn thắt chặt hơn. Đơn cử, nhiều ngân hàng hiện nay định giá giá trị tài sản thấp hơn một vài năm trước, hoặc quy định cụ thể lãi suất áp dụng là lãi suất linh hoạt có thể thay đổi theo từng thời điểm. Khách hàng muốn vay phải chứng minh tài chính như nhận lương qua ngân hàng, có tiền chuyển khoản qua ngân hàng, mức thu nhập phải đạt từ khoảng 15 triệu đồng trở lên
Ngoài ra, theo các chuyên gia, những lo ngại về tiến độ của dự án, tâm lý chờ đợi giá nhà giảm thêm cũng là rào cản đối với việc cho vay bất động sản.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã khuyến cáo, bản chất đầu tư bất động sản là dài hạn, trong khi các gói ưu đãi là có thời hạn. Bởi vậy, phía các NH cần đưa thông điệp rõ ràng cho người tiếp cận vốn vay vì khi quyết định đầu tư, lãi suất ưu đãi chỉ một vài tháng nhưng một năm nữa, người vay sẽ phải đối mặt với khả năng bị phát mại tài sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, khách hàng cần lưu ý chọn doanh nghiệp uy tín và các dự án có sự liên kết tài trợ của ngân hàng thì việc vay vốn sẽ đảm bảo hơn. Các chủ đầu tư cũng cần thông báo rạch ròi về điều kiện vay và mức vay, tránh quảng cáo kiểu cào bằng dễ gây ngộ nhận cho khách hàng
DiaOcOnline.vn - Theo Vef