Vàng và nợ xấu “vây” thống đốc

Cập nhật 14/11/2012 13:47

Hàng loạt vấn đề nóng như tình trạng đói vốn của doanh nghiệp, nợ xấu của hệ thống ngân hàng, việc quản lý thị trường vàng… đã được nhiều đại biểu đặt ra với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Thống đốc Nguyễn Văn Bình - Ảnh: VIỆT DŨNG

Hàng loạt vấn đề nóng như tình trạng đói vốn của doanh nghiệp, nợ xấu của hệ thống ngân hàng, việc quản lý thị trường vàng… đã được nhiều đại biểu đặt ra với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong phiên chất vấn ngày 13-11. Tuy nhiên, trả lời của thống đốc chưa được các đại biểu hài lòng.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải giải quyết cho được ngân hàng yếu kém và nợ xấu mà Quốc hội đánh giá là nghiêm trọng. Phải phấn đấu giảm nợ xấu đến năm 2015 xuống còn 3%, tập trung giải quyết những tiêu cực trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, vấn đề lợi ích nhóm, thâu tóm ngân hàng.

Đừng nghĩ là dân không biết gì

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi vì sao cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng miếng chưa đem lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu là đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới? Tại sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tập trung vào quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu để tạo ra sự độc quyền, có biểu hiện lợi ích nhóm trong vấn đề này hay không? Trách nhiệm và giải pháp của thống đốc thế nào?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhìn nhận thực tế giá vàng trong nước còn cao hơn giá vàng thế giới, nhưng nó không làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Vàng không phải là mặt hàng thiết yếu, vàng miếng là mặt hàng Nhà nước không cấm kinh doanh nhưng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng.

“Nếu thấy rằng chênh lệch giá như thế mà phải bình ổn thì rõ ràng không có lý do để bình ổn, kể cả về mặt tác động đối với kinh tế vĩ mô cũng như bản chất của vàng miếng” - ông Bình nói. Theo ông Bình, sắp tới theo nghị định 24, toàn bộ mạng lưới buôn bán vàng miếng sẽ được cấp giấy phép và có tiêu chí về chất lượng do NHNN quy định. Những bước đi hiện nay là tiến tới một thị trường vàng được chuẩn hóa về chất lượng vàng miếng, chuẩn hóa trong giao dịch vàng miếng và chuẩn hóa về hệ thống bán lẻ của vàng miếng.

"Khi Chính phủ đã kiên quyết đóng sàn vàng và đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, nhiều ý kiến phản đối. Nhưng đến nay sau 3-4 năm chúng ta triển khai việc đó, tôi cũng xin báo cáo với Quốc hội là nhiều chủ các sàn vàng trước đây đã đến gặp tôi và nói rằng ngày đó em căm anh lắm, nhưng đến bây giờ thấy rằng nếu còn tiếp tục thực tiễn đó thì đến nay có lẽ em cũng giống bầu Kiên thôi, cũng lỗ hàng trăm tỉ"

Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Tuy nhiên, những giải trình của ông Bình vẫn không làm thỏa mãn các ĐB. Bấm nút chất vấn lần thứ hai, ĐB Nguyễn Văn Tuyết nói: “Lý giải của thống đốc về giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, tôi thấy chưa thuyết phục”. Ông Tuyết cho rằng thống đốc trả lời khôn là tốt, nhưng “thống đốc đừng nghĩ là dân không biết gì”. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nói rằng đồng tình chống vàng hóa, nhưng bức xúc cách thực hiện, “xin thưa, qua trình bày của thống đốc dường như muốn tiêu diệt thị trường vàng, chứ không phải bình ổn thị trường vàng”.

Quà đi quà lại vẫn không vay được vốn

Sốt ruột với phần trả lời của thống đốc NHNN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc: “Xin lỗi đồng chí Bình, mất 30-40 phút rồi mà mới trả lời một đại biểu. Cách trả lời này dài quá”. Chủ tịch Quốc hội nhắc rằng ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) hỏi là giải pháp gì để tăng trưởng tín dụng, bây giờ lãi suất có giảm rồi, nợ xấu cũng cơ cấu một bước rồi. Huy động vốn tăng trên 12%, cho vay ra có 2,5%, có nghĩa là chưa tăng trưởng được tín dụng, người cần vay tiền chưa vay được. Vấn đề các ĐB đặt ra là nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn nhưng lại chưa tiếp cận được, chính là chỗ này... “Xin đồng chí trả lời chỗ này cho đúng câu hỏi của ĐB”.

Ông Bình cho biết đã gặp gỡ rất nhiều doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. “Ngân hàng với doanh nghiệp như hình với bóng, chẳng thể nói anh nào có trước, anh nào có sau, anh nào không cần anh nào. Phải có doanh nghiệp thì mới có ngân hàng, doanh nghiệp muốn phát triển được thì phải dựa vào ngân hàng, đó là quan hệ khăng khít, nên bất kể vấn đề gì tốt đối với doanh nghiệp thì ngân hàng cũng được nhờ” - ông Bình nói.

Theo ông Bình: “Thường thường doanh nghiệp mang quà đến cho ngân hàng dịp lễ tết. Đó cũng là nét văn hóa (tôi nói quà chứ không nói tham nhũng). Nhưng trong thời gian tăng trưởng tín dụng nóng, ngân hàng lại mang quà cho doanh nghiệp, đến nay vẫn vậy. Nếu doanh nghiệp tốt thì ngân hàng mang quà đến thường xuyên lắm vì có doanh nghiệp mới có ngân hàng”.

Chủ tịch Quốc hội tiếp tục nhắc: “Anh Bình ơi, quà đi quà lại nhưng bây giờ doanh nghiệp vẫn kêu là chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. Những doanh nghiệp không làm ăn được, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, doanh nghiệp phải trả nợ thì đã đành. Nhưng doanh nghiệp đang làm ăn được, người ta muốn vay chút nữa để tiếp tục ổn định, phát triển thì người ta vẫn bảo không tiếp cận được vốn. Cái khó là ở chỗ ấy...”.

Ông Bình mạnh miệng tuyên bố nếu có doanh nghiệp nào “chỉ cần đáp ứng được yêu cầu, thậm chí hơi yếu một tí, các đồng chí chỉ đến đây, tôi sẽ chỉ đạo toàn hệ thống là cấp tín dụng mới ngay, thậm chí lãi suất hợp lý”. Tuy nhiên, ngay sau khẳng định này, ông Bình lại “xin báo cáo thật với ĐB Quốc hội, tôi gọi nhiều ngân hàng đến và họ nói rằng: Anh ơi, em cũng đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp. Bây giờ anh bảo em cho vay ra không thu hồi được, sau này anh có chịu trách nhiệm không? Anh có dám ký bảo lãnh vào đây không? Tôi cũng xin chịu”.

Chưa hài lòng với phần trả lời của ông Bình, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần làm rõ có hay không doanh nghiệp làm ăn được, cần vay vốn nhưng không vay được. “Ý kiến của thống đốc tôi sợ không đúng đâu, cần bám sát thực tế để xem lại tình hình này” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Có lợi ích nhóm chi phối

ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nhắc thống đốc từng nói “tôi không hứa gì về việc xử lý nợ xấu” rồi chất vấn: “Thống đốc không hứa là vì e ngại điều gì hay là những giải pháp đặt ra tính khả thi không cao?”. Ông Bình đáp: “Tôi có thể chủ động được trong lĩnh vực mình phụ trách, phối hợp với các bộ. Những kết quả liên quan đến ngành mình, biện pháp do mình đưa ra có thể khẳng định được, còn những biện pháp chung mà phải phối hợp thì phải phụ thuộc vào ý chí chung. Ở đây hàm ý là một mình NHNN không thể làm được việc này, cần có sự thống nhất của cả hệ thống để giải quyết vấn đề nợ xấu”.

ĐB Đỗ Ngọc Niễn tiếp: “Có hay không có tình trạng nợ xấu của ngân hàng do có sự tiêu cực của cán bộ ngân hàng trong đánh giá giá trị thực tế của tài sản thế chấp? Dư luận đồn đoán rằng trong hệ thống ngân hàng có lợi ích nhóm, vậy có hay không?”. Thống đốc cho hay qua các đợt thanh tra của NHNN, một số tổ chức tín dụng bị một nhóm cổ đông thao túng bằng các công ty sân sau. Họ có các bất động sản được định giá giá trị rất cao và chính họ phê duyệt cho ngân hàng cho vay khoản đó, nên có việc đánh giá tài sản cao hơn so với giá trị thật.

“Chúng ta cũng khẳng định rằng có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định, cả một ngân hàng mà phụ thuộc vào một vài ông, mấy ông này quyết định hết hoạt động của ngân hàng để phục vụ lợi ích của mình thì đó là lợi ích nhóm. Về biện pháp xử lý, nếu ở mức độ nghiêm trọng thì phải tái cấu trúc ngân hàng, có biểu hiện hình sự thì chuyển sang hình sự” - thống đốc nhấn mạnh.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ