Tỷ trọng dư nợ vay mua nhà nhiều nhất nhóm bất động sản

Cập nhật 15/02/2012 10:10

Đến 31/10/2011, dư nợ tín dụng để xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở... là hơn 52.000 tỷ đồng, chiếm 25,9%.



Ảnh minh họa
Đến 31/10/2011, dư nợ tín dụng để xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở... là hơn 52.000 tỷ đồng, chiếm 25,9%.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/10/2011, dư nợ tín dụng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 201.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,45% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế của toàn hệ thống. Tỷ lệ này giảm 14,25% so với 31/12/2010.

Cơ quan này cũng cho biết số liệu cụ thể về dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản phân theo mục đích vay vốn. Cụ thể, tính đến 31/10/2011, dư nợ tín dụng xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 13.943 tỷ đồng, chiếm 6,9% dư nợ lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản. Xây dựng khu đô thị là 26.575 tỷ đồng, chiếm 13,2%. Xây dựng văn phòng, cao ốc cho thuê là 32.658 tỷ đồng, chiếm 16,2%.

Dư nợ tín dụng đôi với xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở, kết hợp với cho thuê mà khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải tiền lương là 52.329 tỷ đồng, chiếm 25,9%. Xây dựng sửa chữa mua nhà để bán, cho thuê là 22.376 tỷ đồng, chiếm 11,1%; quyền sử dụng đất: 16.490 tỷ đồng, chiếm 8,2%.

Tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản khác (xây dựng khách sạn, nhà hàng để bán, cho thuê nhưng không bao gồm các nhu cầu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh…) là 37.379 tỷ đồng, chiếm 18,5%.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản tính đến 31/10/2011 là 4,36%. Tuy nhiên, tính đến 31/12/2011, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 3,52%.%. Con số này, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước là khá cao, do nhiều dự án mà các nhà băng đã mạnh tay cho vay trước đây đã bị mất khả năng thanh khoản, cộng với lãi suất từ đầu năm tăng cao khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc trả nợ.

Với mặt bằng giá hiện nay và sự sôi động của thị trường bất động sản thời điểm đầu năm 2011 trở về trước, Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc doanh nghiệp bất động sản phản ánh tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở. "Do đó, trong năm 2012, cần phải rà soát, đánh giá để xác định thực trạng tài chính và nguyên nhân nếu có sự thua lỗ thực sự", Phó thổng đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đồng Tiến nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress