Từng bán đất thu hồi vốn, Hoa Sen Group vừa tăng sở hữu tại các công ty bất động sản

Cập nhật 25/12/2018 13:59

Hoa Sen Group - HSG sẽ nhận chuyển nhượng cổ phần công ty bất động sản từ các cổ đông sáng lập và giá chuyển nhượng là giá trị góp vốn thực tế mà các cổ đông đó đã góp vốn.

Hoa Sen Group - HSG sẽ nhận chuyển nhượng cổ phần công ty bất động sản từ các cổ đông sáng lập và giá chuyển nhượng là giá trị góp vốn thực tế mà các cổ đông đó đã góp vốn.


Tăng sở hữu tại các công ty bất động sản

Hoa Sen Group (HSG) vừa tăng tỷ lệ sở hữu phần vốn góp tại các công ty con và công ty liên kết. Bao gồm:

(1) Động thái tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Hoa Sen Yên Bái từ mức 70% lên 95% vốn, đơn vị này được thành lập giữa năm 2016 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Hoa Sen Yên Bái có 3 cổ đông sáng lập là HSG (70%), Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (25%) và ông Lê Phước Vũ (5%), ngành nghề chính là cho thuê văn phòng, kinh doanh nhà.

(2) HSG cũng tăng vốn tại CTCP Hoa Sen Quy Nhơn (HSQN) từ mức 45% lên 99%. Được thành lập cùng thời điểm với Hoa Sen Yên Bái, HSQN có vốn điều lệ 100 tỷ do 3 cổ đông HSG (45%), Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (45%) và ông Lê Phước Vũ (10%) góp. Hoa Sen Quy Nhơn có ngành nghề chính là cho thuê văn phòng, kinh doanh nhà, đầu tư kinh doanh khu du lịch, cảng sông, cảng biển, cho thuê kho bãi.

(3) Cuối cùng là việc tăng sở hữu tại CTCP Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Du Long (HSDL) từ 45% lên mức 95%. HSDL thành lập vào tháng 4/2017 với vốn điều lệ 47 tỷ đồng. Tương tự hai đơn vị trên, HSDL cũng do 3 cổ đông là HSG (45%), Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (45%) và ông Lê Phước Vũ (10%) sáng lập nên. Ngành nghề chính của HSDL bao gồm kinh doanh nhà ở, cho thuê văn phòng làm việc, kho bãi trong KCN, kinh doanh bến phao neo tàu, kinh doanh hạ tầng KCN, kinh doanh bất động sản.

Lý do tăng sở hữu tại nhóm công ty này, theo HSG là nhằm đảm bảo sự nhất quán, linh hoạt trong hoạt động quản trị điều hành Tập đoàn đối với các công ty trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, bất động sản, khách sạn. Được biết, HSG sẽ nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông sáng lập và giá chuyển nhượng là giá trị góp vốn thực tế mà các cổ đông đó đã góp vốn.

Từng bán đất cân đối nguồn vốn

Về HSG, trước khó khăn của ngành thép năm qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành không đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng, riêng Tập đoàn liên tục thua lỗ do áp lực nợ vay khá lớn. Trong quý 4 niên độ 2017-2018, mặc dù doanh thu thuần tăng 23,5% nhưng do giá vốn tăng cao, đi cùng chi phí tài chính tăng cao nên HSG chịu lỗ sau thuế hơn 100 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí lãi vay tăng mạnh đã "ngốn" sạch doanh thu nỗ lực tạo ra, khi mà dư nợ vay của HSG tăng 21% lên 14.300 tỷ đồng vào cuối kỳ.

Trước những bộn bề cùng lúc, Hoa Sen trước đó liên tục chuyển nhượng bất động sản. Đơn cử HSG từng chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án bất động sản và 1 dự án logistics là dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen – Gemadept. Mới đây nhất, Tập đoàn tiếp tục chuyển nhượng dự án tại Đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, Tp.HCM để thu hồi vốn đầu tư, tổng giá trị chuyển nhượng gần 140 tỷ đồng.

Mặt khác, vào cuối tháng 9, cũng do khó khăn về tài chính khiến HSG quyết định ngừng triển khai Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Đầm Vân Hội – Yên Bái, đây từng là dự án Chủ tịch Lê Phước Vũ rất tâm đắc.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ