Trung gian tài chính BĐS: Công cụ tránh rủi ro cho người mua

Cập nhật 18/09/2013 09:09

Sau một loạt vụ việc người dân mất trắng tiền khi góp vốn vào những dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, nhiều người mới bắt đầu nhận ra sự cần thiết của một đơn vị trung gian tài chính giúp đảm bảo việc chủ đầu tư sử dụng tiền của người mua nhà đúng mục đích.

 Sau một loạt vụ việc người dân mất trắng tiền khi góp vốn vào những dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, nhiều người mới bắt đầu nhận ra sự cần thiết của một đơn vị trung gian tài chính giúp đảm bảo việc chủ đầu tư sử dụng tiền của người mua nhà đúng mục đích.

Chị Hoan, một người mua BĐS đã gom góp tiền tích cóp của mình và gia đình đầu tư vào dự án bất động sản. Và khi chủ đầu tư dự án bị cơ quan công an tạm giữ điều tra về những sai phạm trong lĩnh vực BĐS, thì chị và hàng nghìn người đã đóng tiền mua nhà tại dự án này giờ đây không biết số phận đồng tiền của mình sẽ ra sao.

Giờ chị Hoan cũng chỉ biết đứng nhìn dự án vẫn hoang tàn, chỉ có hàng rào hạn gỉ và cỏ dại mọc đầy không biết đến bao giờ.

Chị Nguyễn Thị Hoan cho biết: "Có rất nhiều dự án xấu điển hình như dự án 683 ở Minh Khai, Từ Liêm. Tôi bỏ tiền mua 2 lô đất ở đó với giá hơn 1 tỷ và sau đó chủ đầu tư bị bắt còn hai đối tác cầm tiền bỏ chạy. Khi tòa án giải quyết không ai được một đồng nào".

Chủ đầu tư phá sản, dự án hoang tàn (Ảnh: VTV News)

Còn chị Mến, nhà môi giới BĐS đầy kinh nghiệm nhận định, cách đây khoảng 2-3 năm trên thị trường BĐS Việt Nam, có hiện tượng không ít chủ đầu tư chưa giải phóng xong mặt bằng, thậm chí chưa đủ giấy tờ để triển khai dự án nhưng đã bán hết cho dân hoặc thu hết tiền.

Nhưng sau đó, chủ đầu tư lại đem tiền đi làm việc khác chứ không đầu tư vào dự án đó. Điều này rất nguy hiểm khi mà người mua nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư và chủ đầu tư toàn quyền sử dụng đồng tiền đó, chứ không phải qua một tổ chức tài chính trung gian nào giám sát.

Chị Nguyễn Thị Huyền Mến, môi giới BĐS nói: "Ví dụ mình mua một lô đất ở Hà Nội thì phía đúng vẫn là chủ đầu tư. Chủ đầu tư phá sản, vỡ nợ thì người mua không thu lại được đồng nào. Còn ở nước ngoài, khi người ta mua đất sẽ chuyển tiền vào ngân hàng. Chủ đầu tư xây đến đâu thì ngân hàng giải ngân đến đó thì tiền của nhà đầu tư nằm trong ngân hàng".

Ngân hàng mà chị Mến nói đến ở đây chính là một tổ chức trung gian, hay có thể gọi là dịch vụ tài chính đứng ra giám sát dự án BĐS. Hình thức dùng dịch vụ tài chính trong các giao dịch BĐS đã được trên thế giới áp dụng từ lâu nhưng ở Việt Nam lại gần như chưa có.

Dịch vụ tài chính là ngân hàng sẽ đứng ra nhận tiền của người mua, giao lại cho chủ đầu tư theo từng phần tương ứng với tiến độ công việc mà chủ đầu tư thực hiện, ngân hàng sẽ đứng ra giám sát tiến độ của chủ đầu tư. Và nếu có rủi ro, ngân hàng cũng sẽ đứng ra bảo đảm người mua sẽ được đền bù một phần số tiền đã bỏ ra mua nhà tại dự án.

Ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Nước ta có một nhược điểm rất lớn là quản lý BĐS mà không quan tâm đến dịch vụ tài chính. Dịch vụ này tốt hơn mua bảo hiểm vì chưa chắc đã có hãng bảo hiểm bán bảo hiểm loại này vì họ sợ rủi ro, còn dịch vụ tài chính thì kiểm soát ngay từ đầu không để xảy ra rủi ro".

Câu chuyện về sử dụng dịch vụ tài chính giờ đây có vẻ như đã là quá muộn với nhiều người, khi mà hàng loạt những vụ kiện tụng, đổ vỡ trên thị trường BĐS đã xảy ra và người dân đã mất mát quá nhiều.

Thế nhưng muộn còn hơn không và người dân vẫn hy vọng thị trường BĐS sẽ nhanh chóng có những công cụ tài chính hữu hiệu để trở nên công bằng và minh bạch hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo VTV