Cuối tuần qua, trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không để nguồn vốn vay sử dụng sai mục đích, đồng thời tăng cường...
Cuối tuần qua, trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không để nguồn vốn vay sử dụng sai mục đích, đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát tín dụng, nhất là tín dụng chứng khoán và bất động sản.
Liên quan đến vấn đề này, các ngân hàng TMCP đều tuyên bố, trong quá trình cho vay, việc chọn lọc khách hàng được áp dụng nghiêm ngặt chứ không có chuyện tăng dư nợ tràn lan, “van” an toàn do vậy vẫn đảm bảo.
Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, ông Hồ Hữu Hạnh cho biết, đối với cho vay cầm cố chứng khoán, hiện các ngân hàng được phép triển khai 20% trên tổng vốn điều lệ theo Chỉ thị số 03/2007/CT-NHNN. Dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM tăng không đáng kể so với đầu năm, song việc kiểm soát chặt để hạn chế rủi ro cho toàn hệ thống là điều cần thiết.
Đối với tín dụng bất động sản, ông Hạnh cho biết, dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn hiện là 66.000 tỷ đồng. So với cuối năm trước, dư nợ tín dụng cho vay bất động sản của các ngân hàng tăng không nhiều. Tuy nhiên, không ít ngân hàng sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn. Nguyên nhân chính là do các ngân hàng khó huy động được nguồn vốn dài hạn, cho dù đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn dài ngày. Trong đó, không loại trừ một số đối tượng khách hàng vay vốn để đầu cơ chờ giá lên. Vì vậy, ngân hàng nào nới lỏng điều kiện cho vay trong lúc này là điều đáng phải quan tâm, vì rất rủi ro cho chính bản thân các ngân hàng đó.
"Nếu lựa chọn đúng khách hàng để cung ứng vốn thì hiệu quả trong triển khai cho vay bất động sản là rất lớn, bởi đây là một thị trường đầy tiềm năng. Ngược lại, ngân hàng cung ứng vốn không lựa chọn và nếu nới lỏng điều kiện cho vay sẽ dẫn đến nguy cơ bong bóng - điều đã từng xảy ra vào cuối năm 2007, kéo dài sang năm 2008", ông Hạnh nói. Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng gia tăng và chủ yếu rơi vào mảng cho vay bất động sản. Song trong những tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã có cơ hội cơ cấu lại tỷ lệ nợ quá hạn, vì doanh số nhà bán tăng lên.
Với nhiều ngân hàng TMCP, trong những tháng đầu năm, các ngân hàng có cơ hội tốt để triển khai hoạt động cho vay cầm cố chứng khoán và bất động sản. Đáng chú ý là tín dụng cầm cố chứng khoán đã được hồi sinh và tăng khá mạnh kể từ những ngày cuối tháng 2/2009, khi TTCK bắt đầu đi lên. Nhiều ngân hàng đã tái triển khai cho vay cầm cố chứng khoán, với tỷ lệ cho vay cao và kéo dài thời gian trả nợ nhằm thu hút NĐT. Ở BIDV, Agribank, Eximbank, ACB… hiện không giới hạn mức vốn tối đa đối với tín dụng cầm cố chứng khoán, nếu xét thấy khách hàng tiềm năng.
Trước diễn biến như trên, không ít ý kiến cho rằng, dòng vốn từ ngân hàng chảy vào TTCK trong các tháng 3, 4, 5 đã khiến TTCK tăng nóng, gây rủi ro cao, cần phải kiểm soát chặt nguồn vốn này. Tuy nhiên, để xác định được dòng tiền chảy vào chứng khoán thời gian qua từ đâu, dung lượng bao nhiêu là điều không dễ. Trong khi đó, những ý kiến phản bác lại quan điểm trên lý luận rằng, nếu một phần dòng tiền từ ngân hàng chảy vào chứng khoán thì điều đó cũng không xấu. Bởi lẽ, ngay từ đầu năm 2009, khi TTCK sụt giảm mạnh, Chính phủ đã phải tìm kiếm giải pháp để vực dậy thị trường.
Hiện tại, TTCK đang có xu hướng giảm nên các ngân hàng không mạnh tay cấp tín dụng cầm cố chứng khoán, rủi ro vì thế không đáng kể. Mặt khác, khi thị giá tài sản cầm cố giảm đến mức cảnh báo so với thị giá tài sản tại thời điểm cầm cố, ngân hàng sẽ yêu cầu NĐT phải bổ sung tài sản cầm cố tương ứng với giá trị tài sản cầm cố sụt giảm. Nếu sau thời gian yêu cầu, NĐT không nộp tài sản bổ sung, ngân hàng sẽ bán tài sản để thu hồi nợ và lãi vay. Do đó, rủi ro trong cho vay cầm cố đã phần nào được kiểm soát chặt.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán