Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP. HCM cho biết, kết thúc 8 tháng đầu năm, dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn tăng 19,1%. Còn huy động vốn...
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP. HCM cho biết, kết thúc 8 tháng đầu năm, dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn tăng 19,1%.
Còn huy động vốn chỉ tăng 6,2%/năm. Trong đó, tín dụng bất động sản đang được các ngân hàng giảm dần, đồng thời ra sức thu hồi nợ cũ.
Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, tính đến hết tháng 8/2008, dư nợ tín dụng bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn đạt hơn 10% trên tổng dư nợ.
Mức này đã giảm gần một nửa so với đầu năm 2008. Tuy nhiên, tình hình nợ khó đòi trong tín dụng bất động sản bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.
Một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bắt đầu có dấu hiệu mất khả năng trả nợ. Do đó, các ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt hơn đối với loại hình tín dụng này.
Thực tế, trong những tháng hoạt động đầu năm, mức sinh lời thu về của một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không nhiều, trong khi họ phải gồng mình để trả lãi suất tăng cao cho khoản vốn vay chưa đến kỳ đáo hạn. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, tín dụng bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát của các ngân hàng.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), thời gian qua NHNN đã có công văn yêu cầu các ngân hàng báo cáo tình hình tín dụng, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn như dư luận đề ra.
Theo đánh giá của NHNN - Chi nhánh TP. HCM về tín dụng dành cho SMEs của các ngân hàng trên địa bàn thì tăng trưởng dư nợ cho vay đối với khối này có phần chững lại.
Do tình hình khó khăn, một số SMEs đã tính đến việc thu hẹp kế hoạch sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên kết quả hoạt động của SMEs vẫn rất khả quan.
Gần đây, do lãi suất vay vốn cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để mở rộng hoạt động.
Các ngân hàng chỉ dành nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu (có kế hoạch kinh doanh hiệu quả, khả năng trả nợ cao) theo hình thức cho vay VND, lãi suất USD.
Sở dĩ các ngân hàng kiểm soát ngày càng chặt nguồn vốn cho vay, vì chi phí đầu vào chưa thể giảm. Mặc dù NHNN đã tăng lãi suất cho khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc, nhưng với mức lãi suất huy động áp dụng hiện nay phổ biến khoảng 18%/năm vẫn quá khó khăn cho ngân hàng.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thừa nhận, với tình hình hiện nay thì càng cho vay ra ngân hàng sẽ càng lỗ. Theo ông này, lãi suất huy động được áp dụng mức bình quân 18%/năm, trong khi lãi suất đầu ra khống chế dưới 21%/năm và tiếp tục đà giảm dần theo chủ trương của Chính phủ thì khó có thể bù đắp được chi phí trong hoạt động.
"Chênh lệch lãi suất hiện chỉ còn khoảng 2 - 3% thì không thể có lãi, nhất là với khoản tín dụng đã triển khai trong 2 - 3 tháng trước, đến nay chưa thể điều chỉnh lãi suất ngân hàng sẽ lỗ nặng", vị tổng giám đốc nói.
Chủ trương của ngân hàng này là điều chỉnh giảm dần tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, nên chỉ ưu tiên vốn cho các nhà xuất nhập khẩu có kế hoạch kinh doanh hiệu quả.
Theo dự báo của ông Hạnh, nhiều khả năng lãi suất sẽ được điều chỉnh trong tháng tới, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế ở mức thấp.
Ông Hạnh cho biết, chủ trương trong thời gian tới là lãi suất sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của CPI. Khả năng lạm phát tháng 9 sẽ giảm nhiệt và kéo dài trong những tháng tiếp theo, vì giá cả hàng hóa trên thị trường đã phần nào được điều chỉnh.
Tuy nhiên, do các ngân hàng hiện vẫn xem xét động thái của nhau, nên chưa nhà băng nào dám tiên phong để giảm mạnh lãi suất đầu vào - đầu ra, vì sợ tiền "chạy".
Theo Đầu Tư Chứng Khoán