Tín dụng bất động sản: Tăng trưởng chậm

Cập nhật 11/08/2010 10:40

Tuy lãi suất cho vay thỏa thuận đã được điều chỉnh giảm so với đầu năm, sản phẩm bất động sản (BĐS) trên thị trường nhiều hơn trước, song tăng trưởng dư nợ của loại hình tín dụng này hiện khá thấp.


Ảnh minh họa. Nguồn: Corbis
Tuy lãi suất cho vay thỏa thuận đã được điều chỉnh giảm so với đầu năm, sản phẩm bất động sản (BĐS) trên thị trường nhiều hơn trước, song tăng trưởng dư nợ của loại hình tín dụng này hiện khá thấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM vừa cho biết, tính đến ngày 30/6/2010, tổng dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM đạt 91.302 tỷ đồng, tăng 16,7% so với đầu năm 2010. “So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng của tín dụng BĐS là không cao, một phần là do lãi suất vay thỏa thuận còn cao”, ông Minh nhận định.

Cho vay mua căn hộ, nhà, đất hoặc sửa chữa nhà dưới hình thức trả góp luôn được xem là loại hình cho vay có tiềm năng lớn trong mảng tín dụng BĐS và được các ngân hàng tập trung khai thác. Do đó, trong thời gian qua, không ít ngân hàng tiếp tục đưa ra ra thị trường một số sản phẩm mới, với nhiều ưu đãi và nới lỏng tín dụng.

Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Ngân hàng ABBank cho biết, so với đầu năm 2010, dư nợ tín dụng cá nhân nói chung và cho vay mua nhà, căn hộ, sửa chữa nhà cửa nói riêng có tăng, song vẫn chưa thực sự có dấu hiệu khởi sắc. Nhìn chung, khách hàng có tâm lý chờ lãi suất thỏa thuận được điều chỉnh ở mức hợp lý thì mới vay vốn.

Còn theo Trần Sơn Nam, Tổng giám đốc TrustBank, ngân hàng này vừa triển khai Chương trình “Nhà Vĩnh Phúc”. Theo đó, tất cả các khách hàng có sẵn đất cần xây dựng nhà hoặc khách hàng có nhu cầu mua nhà mới sẽ được TrustBank hỗ trợ 70% kinh phí, với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm. Song, đổi lại, khách hàng phải mở sở tiết kiệm góp tiền định kỳ trong thời gian ấn định, với số tiền lần đầu không lớn (tối thiểu 500.000 đồng) và tăng dần hàng tháng đến khi tài khoản tiết kiệm đủ 30% giá trị căn nhà muốn xây hoặc mua mới. Đồng thời, các khách hàng tham gia vay vốn theo Chương trình trên phải sử dụng nguyên vật liệu của Công ty Vĩnh Phúc.

Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc ACB cho rằng, so với cùng kỳ năm trước, dư nợ cho vay mua nhà trả góp hiện tăng chậm. Các khách hàng chưa sẵn sàng trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để mua căn hộ, nhà, đất trả góp. Trong khi đó, lãi suất thỏa thuận đối với loại hình sản phẩm này cũng được ACB điều chỉnh dần theo xu hướng và phù hợp với mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh cho vay có tài sản đảm bảo, ACB cũng triển khai thêm cho cá nhân vay tín chấp lên đến 300 triệu đồng và giải ngân nhanh chóng trong vòng 48 giờ. Thế nhưng, theo ông Toàn, khách hàng vẫn có tâm lý chờ lãi suất và giá nhà đất giảm thêm.

Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà, đất trả góp đang được các ngân hàng áp dụng mức dao động 15 – 16%/năm (ở các ngân hàng lớn) và từ 16 đến 18%/năm (ở ngân hàng nhỏ). Vì thế, với các khách hàng mua căn hộ, nhà, đất hoặc sửa chữa nhà trả góp chưa dám tiếp cận vốn vay, do áp lực lãi suất còn quá sức chịu đựng của khách hàng.

Ông Lê Chí Sĩ, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức nhận xét, đối với đa số người có thu nhập thấp thì với mức giá khoảng từ 800 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/căn hộ là khoản tiền quá lớn, trong khi vay ngân hàng phải chịu lãi suất khá cao. Hiện lãi suất vay mua căn hộ tại ACB trên 16,5%/năm; Eximbank là 16,56%/năm; Vietcombank 15,55%/năm… Chính điều này đã ảnh hưởng đến tín dụng BĐS, bởi thực tế hiện nay, các ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay mua căn hộ, nhà và đất trả góp, do cho vay dự án chứa đựng rủi ro cao.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư