Tín dụng bất động sản tăng 70% so với năm 2012: Thận trọng với rủi ro, “bong bóng”

Cập nhật 15/11/2015 08:08

Với điều kiện tín dụng được nới, khi không bị khống chế mức trần 16% đối với cho vay phi sản xuất, hiện các ngân hàng lại có xu hướng “rót”vốn vào các dự án bất động sản.

Với điều kiện tín dụng được nới, khi không bị khống chế mức trần 16% đối với cho vay phi sản xuất, hiện các ngân hàng lại có xu hướng “rót”vốn vào các dự án bất động sản.
.


Nếu dòng vốn đổ nhiều vào bất động sản thì vừa rủi ro, vừa không kích thích được các ngành khác phát triển

Bên cạnh việc dễ dàng hơn cho cá nhân vay mua nhà, nhiều ngân hàng cũng rộng cửa chào đón các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhất là các dự án có đầu ra khả thi. Thông qua hình thức bảo lãnh dự án, nhiều ngân hàng đang chạy đua trong cuộc giành thị phần tín dụng bất động sản. Cụ thể, Ngân hàng Phương Đông (OCB) bảo lãnh cho vay các dự án Western Dragon, Topaz City, Diamond Lotus. Ngân hàng Á Châu (ACB) bảo lãnh cho dự án của Sacomreal; Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bảo lãnh cho các dự án của Novaland; Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) bão lãnh dự án chung cư Phước Bình (quận 9)…

Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Ngân hàng VietBank cho biết,    VietBank tài trợ lãi suất cho cá nhân vay mua nhà chỉ ở mức 7 - 8%/năm trong giai đoạn đầu giải ngân và cộng thêm biên độ chỉ 3 - 3,5% trong thời gian sau đó. Ngoài ra, VietBank còn xem xét các chủ đầu tư dự án có đầu ra khả thi để hỗ trợ vốn triển khai, hoàn thành dự án.

Lãnh đạo OCB thì cho hay, hiện lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản mà ngân hàng này áp dụng ở mức tương đối phù hợp, chỉ 8 - 10%/năm. Theo OCB, thị trường bất động sản đang ấm dần lên, là cơ hội để mở rộng hoạt động tín dụng ở lĩnh vực này.

Dư nợ tín dụng bất động sản (cả cho cá nhân vay mua nhà và chủ đầu tư dự án) của nhiều ngân hàng tăng 10-15% so với năm ngoái.

Trước cuộc đua giành thị phần tín dụng bất động sản của các ngân hàng, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Mở TP.HCM khuyến cáo, tăng trưởng tín dụng bất động sản là điều kiện tốt làm ấm lên thị trường này. Đặc biệt là khi mặt bằng lãi suất và giá nhà đất về mức hợp lý hơn trước. “Tuy nhiên, các nhà băng không nên chạy theo chỉ tiêu và mục tiêu kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng mà cho vay bừa bãi. Bởi bất động sản là một trong những lĩnh vực có tính chất rủi ro cao. Mặt khác, với thị trường bất động sản hiện nay, nguồn cung đang cao hơn so với tính thanh khoản. Sự ấm lên của bất động sản không loại trừ tình trạng “ảo”, bởi thế, các ngân hàng phải thận trọng trong rót vốn để tránh nợ xấu”, ông Thuận nói.

Thực tế, từ xưa đến nay, nợ xấu của ngân hàng chủ yếu do “vung tay quá trán” trong cho vay bất động sản. Giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, tín dụng ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh, lên đến 37 - 40% một năm, nhưng chủ yếu theo sự thăng hoa của chứng khoán và bất động sản. Như năm 2009, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 37,7%, thì tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán) chiếm 19% tỷ trọng trong cơ cấu dư nợ của hệ thống. Vì thế, tháng 2/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/2011/NQ-CP về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, có yêu cầu giảm tốc độ, tỷ trọng vay vốn tín dụng khu vực kinh doanh phi sản xuất, nhất là bất động sản, chứng khoán.

Hiện tại, tín dụng cho bất động sản của ngành ngân hàng đã tăng khoảng 70% so với mức đáy của năm 2012, từ 197.000 tỷ đồng lên 333.000 tỷ đồng. Vì thế, Thủ tướng đã lưu ý ngành ngân hàng về tình trạng “bong bóng” tín dụng bất động sản như đã từng xảy ra.

Theo đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm theo dõi sát, kiểm soát tốt nguồn vốn đầu tư, nhằm tránh tình trạng sốt ảo, đổ vỡ, phát triển không lành mạnh của thị trường bất động sản, để lại hậu quả nợ xấu.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp kiểm soát dòng vốn, hướng tín dụng “chảy” vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vì nếu để vốn đổ nhiều vào bất động sản thì vừa rủi ro, vừa không kích thích được các ngành khác phát triển, không tạo được giá trị đóng góp vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư