Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ cho vay bất động sản trên toàn hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 9/2008 là 115.500 tỷ đồng, chiếm 9,15%...
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ cho vay bất động sản trên toàn hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 9/2008 là 115.500 tỷ đồng, chiếm 9,15% tổng dư nợ trên toàn hệ thống.
Riêng địa bàn TP.HCM, tính đến ngày 30/8, tổng dư nợ bất động sản của các ngân hàng đã được điều chỉnh giảm dần xuống còn 10%, thay vì 19% như đầu năm.
Các ngân hàng đang tăng tốc thu hồi nợ cũ, đồng thời xem xét để tái triển khai hỗ trợ những khách hàng có nhu cầu về nhà ở thực sự. Mặc dù vậy, vẫn còn những quan ngại nhất định về việc khó tiếp cận vốn tín dụng cũng như giải chấp bất động sản của các ngân hàng.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, đã dừng cho vay các dự án bất động sản kể từ cuối năm 2007, chỉ duy trì tín dụng bất động sản tiêu dùng. Do lãi suất cho vay tăng mạnh theo diễn biến của lãi suất huy động trong những tháng đầu năm 2008 nên dư nợ cho vay lĩnh vực này cũng thu hẹp dần.
Tại ABBank, dư nợ bất động sản đang giảm dần. ABBank vẫn mở van tín dụng bất động sản tiêu dùng, nhưng lượng khách vay không nhiều.
Còn tại ACB, sau khoảng 3 tháng tạm ngưng, ngân hàng này bắt đầu tái triển khai cho vay, nhưng cũng chỉ ưu tiên cho các khách hàng cá nhân mua nhà trả góp, có thu nhập ổn định.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, giải chấp về bất động sản của khách hàng rất ít và dư nợ tín dụng bất động sản chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dư nợ của toàn hệ thống ACB.
Theo ông Hải, ACB không có chủ trương cho vay các dự án bất động sản, mà chỉ tập trung khai thác mảng tín dụng bất động sản tiêu dùng (mua, sửa chữa nhà trả góp) nên không đáng lo ngại khi thị trường nhà, đất xuống giá. Do đó, ACB tiếp tục dành 500 tỷ đồng để cho vay lĩnh vực này.
Cánh cửa tín dụng bất động sản của nhiều ngân hàng bắt đầu hé mở trở lại khi nguồn vốn khả dụng ngày một dồi dào hơn. Tuy nhiên, giải ngân được nguồn vốn vào bất động sản lúc này không còn dễ dàng như năm 2007, nhất là khi người có nhu cầu về nhà ở thực sự cũng e ngại trước áp lực trả lãi ngân hàng.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục thoái trào trước nguy cơ nợ xấu bất động sản gia tăng. Việc giải chấp bất động sản sẽ nhiều hơn trong những tháng tới khi các hợp đồng đáo hạn, còn thị trường nhà đất vẫn đóng băng.
Bên cạnh đó, các tài sản đảm bảo ở ngân hàng phần lớn cũng chính là bất động sản. Khi thị trường khó khăn, gây áp lực cho doanh nghiệp trong quá trình trả nợ, sẽ kéo thị trường bất động sản đi xuống.
Nhưng theo đánh giá của ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, cần có sự phân loại tín dụng bất động sản để đưa ra những nhận xét chính xác hơn. Ông Hạnh cho biết, kể từ khi NHNN thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát bằng biện pháp siết chặt tín dụng, các ngân hàng đã ngưng rót vốn vào các dự án bất động sản. Riêng các khoản cho vay mua nhà, đất trả góp có thế chấp bằng bất động sản hoặc tài sản khác thì ngân hàng luôn xem xét kỹ về thu nhập cũng như khả năng trả nợ của khách hàng.
Đặc biệt, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu đóng băng, ngay những tháng đầu năm, hầu hết ngân hàng đã chủ động ra sức thu hồi nợ.
Các khách hàng cũng nhìn thấy được áp lực và khó khăn khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất theo diễn biến của thị trường tiền tệ nên đã nhanh chóng giải quyết sớm khoản nợ vay. Điều này được chứng minh qua dư nợ giảm dần trong cho vay bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM và cả nước.
Đối với các tài sản đảm bảo là bất động sản, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho rằng, không nên quá lo ngại cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ vay.
Bởi thị trường tiền tệ đang dần ổn định, ngân hàng cho vay vốn trên cơ sở kiểm soát chặt các điều kiện trả nợ của khách hàng, các tài sản thế chấp được ngân hàng định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực, khách hàng vay vốn sử dụng vào mục đích khác bằng tài sản thế chấp là bất động sản đều có tính toán về khả năng trả nợ vay…
Theo một chuyên gia trong ngành ngân hàng, các ngân hàng rất ngại siết nợ khách hàng. Đó là biện pháp cuối cùng để thu hồi nợ vay. Do thủ tục phát mại mất nhiều thời gian và chi phí nên ngân hàng thường đưa ra nhiều biện pháp khác để hỗ trợ người vay. Trên thực tế, mặc dù kinh tế những tháng đầu năm có nhiều khó khăn, nhưng kết quả thu về của đa số doanh nghiệp vẫn khả quan.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán