Tín dụng bất động sản: Có tiền đâu dễ cho vay!

Cập nhật 01/12/2011 09:55

Có một điều khá lạ lùng là cả ngân hàng và doanh nghiệp đều “kêu” gặp khó trong các giao dịch liên quan đến bất động sản hiện nay.

Có một điều khá lạ lùng là cả ngân hàng và doanh nghiệp đều “kêu” gặp khó trong các giao dịch liên quan đến bất động sản hiện nay.

Ngay cả với những ngân hàng “sẵn tiền”, chuyện cho vay đối với các dự án bất động sản cũng không còn như mấy năm về trước.

Thế nên mới dẫn đến thực tế, trong khi các chủ đầu tư bất động sản đang “sống dở chết dở” vì đói vốn, không thể tiếp cận được nguồn tiền từ ngân hàng, thì các tổ chức tín dụng cũng loan tin, họ đang “đốt đuốc tìm doanh nghiệp”.

“Dặt dẹo” vì thiếu vốn

Ngay sau khi quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc loại 4 nhóm tín dụng bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, đã có nhiều ý kiến bình luận trái chiều về tác động của chủ trương này tới thị trường bất động sản. Đồng thuận có, phản đối có, khen có, chê có... nhưng rốt cục thị trường bất động sản dường như vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ động thái được xem là “cởi trói” này.

Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long cho hay, việc nới tín dụng nói trên với ràng buộc về thời gian hoàn thiện dự án, bàn giao nhà trước 1/1/2012 thì rất khó doanh nghiệp (thiếu vốn) nào đáp ứng được.

Do đó, với chính sách này, câu chuyện “kẻ cần không được, kẻ được không cần” đã xảy ra trên thị trường bất động sản cũng như trong chính hoạt động vay vốn ngân hàng của các chủ đầu tư. Hệ quả của nó là số chủ đầu tư bất động sản đảm bảo được tiến độ xây dựng, bàn giao nhà đúng là chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, theo như lời Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu.

Người viết trong quá trình tìm hiểu thông tin về sức khỏe các doanh nghiệp bất động sản cũng như tiến độ các dự án, đã được khá nhiều chủ đầu tư chia sẻ, kể khổ về thực trạng dự án của mình. Tuy nhiên, để được ngồi nghe “trọn đầu trọn đuôi” câu chuyện làm ăn, tất yếu phải kèm một điều kiện ngặt nghèo “không được bê tên dự án của anh lên báo”.

Chỉ khi nhận được cái gật đầu, lãnh đạo một doanh nghiệp có tiếng về bất động sản mới "bật mí", hiện dự án tại Hà Đông (Hà Nội) của doanh nghiệp này mới chỉ xây được 7 trên tổng số 25 tầng theo thiết kế. Tuy nhiên, mọi kế hoạch huy động vốn từ khách hàng trước khi bắt tay vào dự án đều “bể” hết vì trong suốt 6 tháng trời vừa qua, doanh nghiệp này chỉ bán được 15 căn hộ. Số tiền huy động góp vốn của khách hàng trước đó cũng chỉ được 120 tỷ đồng, trong khi giá trị dự án tính sơ sơ cũng ngót 500 tỷ.

Khó chồng khó, nợ chồng nợ, vị này cho hay hiện số tiền thanh toán theo tiến độ cho nhà thầu doanh nghiệp này cũng đang khất, cộng với nợ gần 18 tỷ tiền thuế sử dụng đất, nên quả thật doanh nghiệp này đang rơi vào cảnh “dặt dẹo”, không biết bấu víu vào ai. Tất nhiên, ngân hàng thì lại càng không thể.

“Không riêng gì chúng tôi đâu, đố nhà báo đi tìm xem trên địa bàn Hà Nội hiện nay có doanh nghiệp bất động sản nào sống khỏe, sống tốt không. Nếu không có đầu ra, không bán được căn hộ thì không ai có thể nói tài nói giỏi được đâu”, vị này tâm sự.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn mới đây cũng thừa nhận, đúng là các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang “khó khăn thật”. Chuyện hàng loạt doanh nghiệp địa ốc nợ tiền sử dụng đất cũng có một nguyên nhân không nhỏ do họ không bán được hàng để lấy tiền nộp ngân sách và quay vòng đồng vốn.

Tuy nhiên, khó khăn thực hư của doanh nghiệp như thế nào, lãnh đạo ngành thuế cho biết sẽ lập hẳn đoàn đi kiểm tra, sau đó mới có giải pháp tháo gỡ.

Cho vay đâu dễ

Sau khi Quyết định 8844 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, từ trạng thái gần như “đóng băng”, các ngân hàng thương mại bắt đầu mở lại tín dụng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vay vốn mua, sửa chữa nhà ở.

Đi đầu trong xu hướng “mở cửa” là Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) với chương trình “Dễ dàng vay vốn - Sở hữu căn nhà mơ ước”, hỗ trợ cho các khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công vay vốn để sửa chữa, mua nhà/đất để ở.

Theo ABBank, chương trình này giúp khách hàng, đặc biệt là giới cán bộ, công nhân viên chức, nhân viên văn phòng - những người có khoản thu nhập hàng tháng đều đặn, có được nguồn vốn vay để phục vụ, trang trải cho chi phí mua mới, hoặc xây sửa nhà, chuẩn bị cho một năm mới đang tới gần.

Liền đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) cũng tung ra chương trình cho vay mua nhà dự án với lãi suất đặc biệt ưu đãi xuống tới 19%/năm kèm hàng loạt ưu đãi về giá trị, thời hạn trả nợ vay.

Theo một đại diện của Ngân hàng Nhà nước, dù đã có cơ chế thoáng đối với tín dụng bất động sản, song không phải ngân hàng nào cũng đủ điều kiện để cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thanh khoản các ngân hàng gặp khó, không phải ngân hàng nào cũng sẵn tiền để tung ra thị trường được. Chỉ có một số “đại gia” hoặc ngân hàng huy động tốt mới có thể triển khai được chủ trương này.

Nhưng ngay cả với những ngân hàng “sẵn tiền”, chuyện cho vay đối với các dự án bất động sản cũng không còn như mấy năm về trước, khi hệ quả của việc cho vay tràn lan trước đây đến giờ vẫn chưa khắc phục được.

Theo một lãnh đạo của OceanBank, ngân hàng này đang có trên 47 nghìn tỷ đồng vốn từ huy động, tình hình thanh khoản khá tốt, tuy nhiên, “dù Ngân hàng Nhà nước đã bật đèn xanh cho vay bất động sản, nhưng chúng tôi phải tiếp tục tìm kiếm các dự án đầy đủ tính pháp lý, hợp tác với chủ đầu tư có năng lực và kinh nghiệm mới dám cho vay được. Đối với người mua, cũng phải thẩm định kỹ!”.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy