Tín dụng bất động sản chưa tăng đột biến

Cập nhật 24/06/2015 09:22

Tại buổi họp báo sáng 23/6, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng bất động sản 5 tháng qua đã tăng 10,89% và không quá đột biến. Vốn chủ yếu đổ vào xây dựng, hoàn thiện dự án đô thị, chứ không phải chảy vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Tại buổi họp báo sáng 23/6, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng bất động sản 5 tháng qua đã tăng 10,89% và không quá đột biến. Vốn chủ yếu đổ vào xây dựng, hoàn thiện dự án đô thị, chứ không phải chảy vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chia sẻ thông tin về tình hình điều hành chính sách trong 6 tháng đầu năm và định hướng điều hành nửa cuối năm. Nhiệm vụ quan trọng nhất là điều hành chính sách tín dụng, tỷ giá, lãi suất… gắn chặt với diễn biến kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm ở mức thấp, thúc đẩy tăng trưởng ở mức hợp lý theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nguy cơ “bong bóng” BĐS

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, tính đến cuối tháng 5/2015, tín dụng bất động sản (BĐS) tăng 10,89%, chiếm tỷ trọng 8,3% tổng dư nợ tín dụng, chỉ tăng 7,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng tín dụng BĐS là không quá đột biến và NHNN sẽ không chủ quan trước diễn biến này.

“Tín dụng BĐS chủ yếu đổ vào xây dựng nhằm hoàn thiện các dự án khu đô thị để bán và cho thuê. Do đó, tín dụng không phải là đổ vào kinh doanh BĐS. Không chỉ đáp ứng nhu cầu người dân vay mua nhà, tín dụng BĐS tăng đôi chút cũng kích thích tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng, tạo dòng luân chuyển vốn...”- Bà Hồng giải thích.

Mới đây, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng tỏ ra lạc quan trước những diễn biến tích cực của thị trường BĐS. Trong 6 tháng đầu năm 2015, giao dịch nhà ở tăng mạnh, đạt trên 14.000 giao dịch, giá nhà nhích lên, vốn ngân hàng đổ mạnh vào BĐS… Hết quý 1/2015, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 330.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 4 năm trước (giai đoạn 2011-2012 siết chặt tín dụng).

“Chỉ 3 tháng đầu năm tín dụng đã tăng 10,3% so với cuối năm 2014. Vốn ngân hàng và dân cư đổ mạnh vào lĩnh vực này. Dư nợ xấu, tồn kho giảm nhanh là những tín hiệu tốt cho thị trường và cho thấy chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ xây dựng, NHNN… đã phát huy hiệu quả”-Ông  Nam đánh giá.

5 tháng đầu năm 2015, tín dụng BĐS đã tăng 10,89% so với cuối năm 2014

Tuy nhiên, trước tình hình ngân hàng đổ vốn mạnh vào lĩnh vực BĐS, đã có ý kiến lo ngại tình trạng “bong bóng” có nguy cơ tái diễn như giai đoạn trước, gây ra nhiều hệ lụy. Ở vai trò điều hành vĩ mô, NHNN cần có biện pháp kiểm soát dòng vốn đi đúng hướng vào doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực sự.

Đại diện NHNN cho hay, quan điểm điều hành tín dụng là theo phương châm mở rộng nhưng phải an toàn hiệu quả. Theo đó, cơ quan này đã phân giao chỉ tiêu tăng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD). Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN đặt biệt quan tâm, chỉ đạo các TCTD phải hướng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên vốn...

Cho nên, từ nay tới hết năm, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD khi tăng tín dụng phải đưa vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và chú trọng kiểm soát chặt rủi ro. Do đó, đòi hỏi các TCTD phải có quy trình kiểm soát rủi ro thanh khoản, tín dụng.

Ổn định lãi suất

Theo số liệu từ NHNN, đến ngày 18/6/2015, tổng phương tiện thanh toán tăng tăng 5,18%, huy động vốn tăng 4,74% so với cuối năm 2014, thanh khoản của hệ thống ổn định và có dư thừa.

Tín dụng của nền kinh tế đã tăng 6,09% so với cuối năm 2014 và tăng 18,98% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay ở lĩnh vực  ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn với dư nợ đến ngày 30/6/2015 dự kiến tăng 7,71% so với cuối năm 2014.

Còn 4 lĩnh vực ưu tiên cho vay khác có mức tăng tín dụng thấp hơn, như: tín dụng xuất khẩu tăng 3,9%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 1,88%, công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 0,2%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24,02% (tính đến cuối tháng 3/2015).

Ông Bùi Quốc Dũng – Vụ trưởng vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho biết, trong 6 tháng qua, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các chính sách tiền tệ. Chủ yếu là thông qua nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lượng tiền cung ứng hợp lý, sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối…

Mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm tiếp tục giảm 0,2 – 0,5%/năm so với cuối năm 2014. Cụ thể, lãi suất huy động giảm 0,2 -0,5%, chủ yếu ở các kỳ hạn dài hơn 6 tháng, giúp hỗ trợ giảm lãi vay trung và dài hạn. Lãi vay đã giảm khoảng 0,2 – 0,3%, hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm (ngắn hạn), từ 9 -11% (trung và dài hạn).

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận có hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, nhưng khẳng định “đây không phải là xu hướng phổ biến”. Theo bà Hồng, chỉ một số ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn đã huy động ở mức thấp hơn so với trần huy động kỳ dưới 6 tháng, nhưng nay đã tăng lãi suất lên so với trần huy động. Còn NHNN theo dõi, nhận thấy lãi suất trên 6 tháng vẫn ổn định và mặt bằng lãi vay vẫn giảm. Đến nay, lãi suất huy động giảm 0,2 – 0,4% và lãi vay giảm 0,2 – 0,5% so với cuối năm 2014.

Trong 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục giữ ổn định lãi suất thị trường liên ngân hàng như hiện nay. Với tăng trưởng tín dụng như thời gian qua, NHNN sẽ bơm hút tiền linh hoạt để các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường…

Còn lãi suất của các TCTD phụ thuộc vào cung cầu vốn thị trường. Diễn biến tín dụng tăng NHNN sẽ bơm hút tiền kịp thời và thông qua tái cấp vốn hỗ trợ vốn cho các TCTD.

Về tỷ giá, đại diện NHNN  khẳng định sẽ tiếp tục định hướng giữ ổn định tỷ giá trong biên độ định hướng 2% trong năm 2015, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường khi cần thiết.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh