Tiếp tục gỡ khó cho tín dụng

Cập nhật 05/03/2010 10:10

Ngân hàng thừa 30.000 tỉ đồng vốn khả dụng sau tết, theo Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhưng lãi suất huy động vẫn chưa giảm, tiền chưa chảy vào ngân hàng và doanh nghiệp vẫn than khó vay vốn. NHNN sẽ tiếp tục có chính sách để khơi thông dòng vốn tín dụng.


Ở nhiều ngân hàng, lãi suất huy động gần như vẫn bằng nhau ở tất cả các kỳ hạn. Ảnh: Lê Quang Nhật.
Ngân hàng thừa 30.000 tỉ đồng vốn khả dụng sau tết, theo Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhưng lãi suất huy động vẫn chưa giảm, tiền chưa chảy vào ngân hàng và doanh nghiệp vẫn than khó vay vốn. NHNN sẽ tiếp tục có chính sách để khơi thông dòng vốn tín dụng.

Một người phụ trách nguồn vốn ở một doanh nghiệp đầu tư tài chính đang có vốn nhàn rỗi lớn cho biết, ông liên tục nhận được lời chào mời gửi những món tiền từ 5 – 10 tỉ đồng trở lên từ các ngân hàng, với khoản hoa hồng cộng thêm đưa lãi suất tiết kiệm lên 12 – 13%/năm. Ông đã tạm thời bỏ vài chục tỉ đồng của công ty vào ngân hàng, hưởng lãi 1,1%/tháng kỳ hạn 1 tháng.

Vẫn đỏ mắt tìm vốn

Với mức lãi suất huy động “xé rào” trên, khi cho vay với lãi suất thoả thuận ngoài thị trường dân cư, ngân hàng vẫn lãi 3 – 4%/năm. Mức lãi này, cùng thông tư 07 quy định áp dụng lãi suất thoả thuận cho các khoản vay trung dài hạn đã khiến nhiều ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn bằng nhiều cách khác nhau.

Theo tin từ website NHNN, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại hiện đang dư thừa khoảng 30.000 tỉ đồng, cao hơn thời điểm trước tết âm lịch 17.000 tỉ đồng. Với lượng vốn khả dụng này cùng sự tăng cường hỗ trợ vốn của NHNN trong thời gian qua, tại sao các ngân hàng vẫn chưa hết sự căng thẳng trong việc tìm vốn với các mức lãi suất xé rào?

Theo lý giải của một quan chức NHNN, có thể vốn dư thừa nhưng không đồng đều, bị đọng ở ngân hàng này hay thiếu thốn ở ngân hàng khác; vốn khả dụng thừa lớn có thể là của các ngân hàng thương mại nhà nước, còn phần lớn trong khối ngân hàng cổ phần, liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài vốn này dư ở mức thấp. Các ngân hàng cũng bị hạn chế nguồn vốn cho vay bởi chỉ được dùng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn trong khi phần lớn vốn huy động được đều là ngắn hạn. Mà cho vay ngắn hạn hiện vẫn chưa được phép thoả thuận lãi suất.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn chịu ảnh hưởng bởi việc trong năm 2009 gia tăng quá cao trong cho vay mà khả năng huy động không đáp ứng được.

Trong báo cáo phân tích nhóm sáu cổ phiếu ngân hàng niêm yết của công ty chứng khoán Âu Việt (AVSC), năm 2009 tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động tăng nhanh nhất vào năm 2009 với 72,5%; trong khi trung bình ba năm qua là 67,7%. Thanh khoản của ngân hàng rất căng thẳng với tỷ lệ cho vay khách hàng trên huy động khách hàng trong năm 2009 lên tới 90,6%; STB, EIB, CTG tỷ lệ cho vay trên huy động là 100%.

Vốn từ thị trường dân cư tăng chậm, ngân hàng phải đi tìm thêm ở nhiều nguồn khác. Theo AVSC, năm 2009 SHB đã vay từ các tổ chức tín dụng chiếm 43,95% trong tổng vốn huy động, ACB và VCB vay 12,23%, trong khi STB, CTG, EIB chỉ chiếm 5,95%.

Trong khi đó, chỉ một số ngân hàng huy động thêm được từ nguồn NHNN, Chính phủ. Theo báo cáo trên, ACB vay được từ nơi này với tỷ lệ đến 9,5%, VCB vay được 7,4% trong khi trung bình năm ngân hàng còn lại chỉ đạt 1,64%, riêng SHB gần như không có khoản vay từ nguồn này.

Số liệu mới nhất từ NHNN trong hai tháng đầu năm nay, vốn huy động giảm 0,17% cho thấy các ngân hàng vẫn đang đỏ mắt tìm vốn.

Lãi suất cho vay tăng

Cách đây vài ngày, nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, các khoản vay mới chịu lãi suất cho vay thoả thuận ở ngân hàng ông đã đồng loạt được nâng lên ở mức 18%/năm. Giám đốc bộ phận cá nhân một ngân hàng khác thì đang tìm cách thoả thuận với khách hàng để nâng lãi suất trong các hợp đồng tín dụng cũ.

Lý do khiến ông phải nâng mức lãi suất này, là bởi với 90% khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 – 3 tháng, cứ mỗi lần giá vốn tăng là ông chịu lỗ, mà lãi suất ở những hợp đồng cũ vẫn phải theo lãi suất trần 12% quy định.

Việc một số ngân hàng vừa giảm nhẹ lãi suất các kỳ hạn ngắn, theo quan chức trên, vì họ thuận theo thông tư 07 quy định về cho vay lãi suất thoả thuận đối với kỳ trung và dài hạn. “Động tác này sẽ giúp ngân hàng điều chỉnh lại đường cong lãi suất, vì muốn cho vay dài hạn thì phải huy động được dài hạn”, ông nói.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, với giá cả hàng hoá tiêu dùng trong hai tháng đầu năm tăng ở mức khá cao (3,35%), cao hơn cùng kỳ năm ngoái, người gửi tiết kiệm sẽ còn ôm tiền chạy đến nơi có lãi suất hấp dẫn hơn. Và một khi họ còn chạy, lãi suất sẽ còn tăng.

Sẽ mở rộng áp dụng lãi suất thoả thuận

Trong cuộc họp báo hôm 3.3, ông Lê Đức Thuý, chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết NHNN sẽ tiếp tục có những động thái để khơi thông dòng chảy tín dụng. Chính phủ đã chỉ đạo NHNN cho phép các ngân hàng được cho vay với lãi suất thoả thuận đối với các hoạt động kinh doanh có hiệu quả chứ không chỉ bó hẹp trong cho vay trung và dài hạn hay ngắn hạn. Bằng cách đó sẽ tạo được mặt bằng lãi suất hợp lý trên thị trường.

Thông tin trên chỉ ra rằng NHNN sẽ tiếp tục có những chính sách mới về điều hành tiền tệ để khơi thông dòng chảy tín dụng. Bởi hiện tại, sau khi NHNN cho phép ngân hàng thương mại cho vay trung và dài hạn với lãi suất thoả thuận, việc cho vay ra vẫn gặp nhiều khó khăn. Tín dụng hai tháng đầu năm ước tăng 1,4% – thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (1,82%).

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị