Tiền chảy vào kênh nào?

Cập nhật 09/11/2011 16:30

Lạm phát cao đã tạo ra một nghịch lý: vừa là kết quả của tình trạng thừa tiền (tiền nhiều hơn hàng), vừa là thủ phạm gây ra tình trạng thiếu tiền (so với giá hàng đã tăng lên). Nghịch lý này được lý giải ra sao?’


Trong 10 tháng qua, tiền đồng đã chạy chủ yếu vào vàng, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (và đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát cao). Ảnh: Đức Thanh
Lạm phát cao đã tạo ra một nghịch lý: vừa là kết quả của tình trạng thừa tiền (tiền nhiều hơn hàng), vừa là thủ phạm gây ra tình trạng thiếu tiền (so với giá hàng đã tăng lên). Nghịch lý này được lý giải ra sao?’

Trước hết, cần bắt đầu từ lạm phát - được coi là thủ phạm của tình trạng thiếu tiền. Lạm phát do nhiều nguyên nhân, nhưng suy cho cùng là do tiền nhiều hơn hàng, hay còn gọi là thừa tiền, là sự giảm giá của đồng tiền. Khi lạm phát cao, ai cũng muốn tìm nơi trú ẩn an toàn vào hàng hóa, vàng, ngoại tệ… Cùng một lượng tiền, do lạm phát tăng mà chỉ mua được một lượng hàng hóa và dịch vụ ít hơn, vì vậy, để mua cùng một lượng hàng hoá và dịch vụ như trước đây, thì ai cũng cảm thấy thiếu tiền. Nhưng nếu vì thiếu tiền mà Nhà nước in tiền, đưa tiền ra lưu thông như trước kia đã từng có ý kiến đề xuất theo kiểu "lấy lạm phát để trị lạm phát", thì chẳng khác gì "thêm củi vào lửa" gây ra "lạm phát phi mã", với tốc độ tăng phải tính bằng lần. Vậy tiền đồng chạy đi đâu?

Theo quy luật tự nhiên, "nước chảy chỗ trũng". Trên thị trường lưu thông tiền tệ, "tiền chạy vào kênh có giá tăng cao". Như vậy, trong 10 tháng qua, tiền đồng đã chạy chủ yếu vào vàng, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (và đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát cao). Tuy nhiên, trong tổng số tiền đồng đã chạy vào thị trường hàng hóa, dịch vụ, tiêu dùng, ngoài số từ nguồn ngân hàng thương mại, còn có một lượng tiền lớn là chảy từ các kênh khác sang, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản.

Đó là diễn biến trong 10 tháng qua, còn thời gian tới xu hướng sẽ ra sao?

Giá vàng trong nước tăng cao, có nguyên nhân từ bên ngoài, do giá vàng thế giới tăng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước thường cao hơn giá vàng trên thế giới và gần đây, do tỷ giá VND/USD tăng lên, do xuất khẩu vàng từ mấy năm nay ở mức khá cao, trong khi nhập khẩu ít hơn nhiều; theo đó, giá vàng trong nước vẫn nằm trong xu hướng tăng, nhưng với dự thảo Nghị định về quản lý vàng, giá vàng trong nước chủ yếu là tăng theo giá thế giới, cộng hưởng với tỷ giá, ít bị đầu cơ hơn, nên sẽ không tăng cao đột biến như đã từng xảy ra.

Giá USD ổn định tương đối lâu, thậm chí giá giao dịch còn thấp hơn trần giao dịch theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và chênh lệch giữa thị trường tự do với thị trường chính thức đã thu hẹp so với trước. Nhờ vậy, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua vào lên đến 6 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố trong tháng 10 đã tăng liên tục (trong gần 1 tháng đã 14 lần tăng, với tốc độ tăng 0,85%. Do phương thức điều chỉnh tỷ giá đã thay đổi từ "giật cục" sang "trườn bò", làm cho các nhà đầu cơ rất khó đón lõng, nên biến động sẽ không lớn. Nhiều chuyên gia dự báo, tỷ giá cả năm sẽ tăng thấp hơn nhiều so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nói cách khác, lượng tiền đồng vào thị trường này sẽ không lớn. Tuy nhiên, do tốc độ tăng tín dụng rất cao, nên tỷ giá có thể tăng lên.

Về lạm phát, khi Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu tốc độ tăng tín dụng và tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm 12%, thì lạm phát cả năm sẽ khoảng 18%. Điều đó có nghĩa là, tốc độ tăng giá trong những tháng tới sẽ không còn cao như cuối năm trước.

Tiết kiệm đang là kênh an toàn nhất, hiện có lãi suất danh nghĩa ở mức trần 14%/năm. Nếu CPI tăng dưới 1,0%/tháng, thì gửi tiết kiệm không chỉ là nơi "tạm trú" đối với các nhà đầu tư như lâu nay, mà còn là kênh đầu tư hiện có lãi suất "thực dương".

Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do định hướng giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất giảm xuống 16% vào cuối năm; giá trị giao dịch thấp, nhiều nhà đầu tư đã rời thị trường. Khả năng cả năm, VN-Index khó đạt mức 484,66 điểm.

Thị trường bất động sản sẽ gặp khó khăn do giá đã ở mức quá cao, lãi suất vay lớn, tỷ trọng tín dụng vào đây giảm, cung đang cao hơn cầu…, nên tiền ra nhiều hơn tiền vào thị trường này (khả năng kéo dài đến năm 2012 - 2013).

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư