Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng tại buổi làm việc tại TPHCM chiều nay 27-6, cho biết cho vay bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng ở TPHCM tăng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016 và tăng cao hơn cả mức tăng chung cả nước, và điều này có thể tiềm ẩn rủi ro.
Buổi họp của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TPHCM chiều nay. Ảnh: Văn Nam
|
Phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TPHCM chiều nay, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết tổng tài sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM cho đến nay chiếm khoảng 40% tổng tài sản toàn hệ thống, huy động vốn chiếm gần 30%, tín dụng chiếm gần 27%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố có nhiều điểm sáng và rất tích cực. Cụ thể, huy động vốn trên địa bàn tăng 5,8% so với cuối năm 2015 và đây là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, giúp tạo nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố, ông Hưng cho hay.
Ngoài ra, theo ông Hưng, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 6,8% (cao hơn mức tăng bình quân cả nước) và đây cũng là điểm tích cực, và mức tăng trưởng tín dụng này cũng được cho là cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
TPHCM cũng là địa phương làm tốt việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp với tổng mức vốn cam kết của các tổ chức tín dụng hơn 200.000 tỉ đồng với số dư nợ gần 67.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn chương trình kết nối này tối đa chỉ 7%, cho vay trung – dài hạn tối đa khoảng 9%, chưa kể dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn đến nay đạt khoảng 50.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhìn lại 6 tháng đầu năm, ông Lê Minh Hưng cho rằng còn một số vấn đề cần quan tâm về hoạt động tiền tệ, tín dụng.
Thứ nhất, do đặc thù của thành phố là trung tâm kinh tế năng động, có nhiều tổ chức kinh tế nên trong cơ cấu nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thì nguồn ngắn hạn chiếm tỉ trọng tương đối lớn, và điều này đòi hỏi hệ thống ngân hàng, các đơn vị chức năng của thành phố cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đảm bảo kỳ hạn, tránh những rủi ro phát sinh về cân đối.
Thứ hai, ông Hưng lưu ý rằng trong 6 tháng đầu năm 2016, tín dụng cho vay bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng ở thành phố tăng khá mạnh, tăng cao hơn mặt bằng chung của cả nước và cho thấy có thể tiềm ẩn một số vấn đề rủi ro.
“Vừa qua, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo toàn hệ thống, đặc biệt là đối với TPHCM, phải tăng cường giám sát để đảm bảo an toàn cho vay”, ông Hưng nói tại buổi làm việc và lưu ý thêm một vấn đề thứ ba là tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cao hơn mặt bằng chung cả nước. Ông Hưng cho rằng các tổ chức tín dụng tại thành phố cần tiếp tục chương trình tái cơ cấu để đảm bảo hoạt động các tổ chức tín dụng lành mạnh.
Theo báo cáo của UBND thành phố về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố vẫn ổn định và tăng trưởng tốt, huy động vốn và dư nợ tín dụng đều tăng so với cuối năm 2015 và tăng cao so với cùng kỳ; đây được cho là điều kiện thuận lợi và ổn định để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thành phố năm 2016.
Cụ thể, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đến cuối tháng 6-2016 đạt 1.658.000 tỉ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2015 và tăng 17,09% so với cùng kỳ, trong đó tiền gởi Việt Nam đồng tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với ngoại tệ và chiếm tỉ trọng hơn 86% trong tổng nguồn vốn huy động.
Dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước đến cuối tháng 6 đạt 1.319.500 tỉ đồng, tăng 16,42% so với cùng kỳ, tỉ lệ nợ xấu đến cuối tháng 4-2016 là 4,47% trong tổng dư nợ, tăng 0,55 điểm phần trăm so với cuối năm 2015 (cuối năm 2015 chiếm 3,92%).
Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn thành phố đã giảm khá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (tín dụng cho sản xuất kinh doanh chiếm 75% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn).
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG