Thời cơ cổ phiếu bất động sản “lên ngôi”

Cập nhật 14/12/2015 13:35

Bất động sản là nhóm ngành mà lợi nhuận cuối năm thường hay đột biến nên giao dịch rất sôi động. Thị trường BĐS cũng đang được kỳ vọng sẽ sớm có sự bứt phá. Nhu cầu về BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục tăng khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP, khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bất động sản là nhóm ngành mà lợi nhuận cuối năm thường hay đột biến nên giao dịch rất sôi động. Thị trường BĐS cũng đang được kỳ vọng sẽ sớm có sự bứt phá. Nhu cầu về BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục tăng khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP, khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, khả năng mua, thuê nhà ở, căn hộ sẽ tăng khi các chuyên gia và người thu nhập cao từ các nước đến Việt Nam. Tốc độ đô thị hóa tại các thành phố tăng lên sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp. Dưới tác động của TPP, nhu cầu văn phòng chất lượng quốc tế cũng được dự báo sẽ tăng lên.

Hầu hết, giá cổ phiếu BĐS còn đang nằm ở ngưỡng thấp, nên nhà đầu tư kỳ vọng với thông tin tích cực giá cổ phiếu sẽ tăng.

Thị trường khởi sắc

Sự khởi sắc của thị trường diễn ra trên diện rộng với lượng hàng tồn kho giảm đều và ổn định. Khối lượng giao dịch tăng vọt cũng như sự phục hồi về giá chào bán trong tất cả các phân khúc cao cấp, trung cấp… giúp các doanh nghiệp lạc quan hơn.

Sự phục hồi của thị trường bất động sản dựa trên các yếu tố vững chắc như: nhu cầu, các chính sách hỗ trợ, hạ tầng đã phát triển... Sự phục hồi còn nhiều tiềm năng khi giá căn hộ chỉ tương đương 67% mức giá đỉnh của năm 2008.

Tuy nhiên, trước sự tăng vốn ồ ạt thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi và kết quả kinh doanh còn mờ nhạt, nhiều doanh nghiệp từ lãi sang lỗ khiến nhà đầu cũng phải cẩn trọng.

Theo thống kê của Vietstock, tổng lợi nhuận của 60 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết đạt hơn 4.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng doanh thu tăng trưởng 13%, đạt hơn 37.400 tỷ đồng.

Dẫn đầu con số lợi nhuận về tuyệt đối vẫn là Vingroup (VIC) với hơn 972 tỷ đồng. Các dự án bất động sản mà VIC triển khai vẫn chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu. Chỉ riêng quý III/2015, doanh thu cho thuê TTTM/Văn phòng đạt 700 tỷ đồng, tăng 31%; doanh thu kinh doanh khách sạn, du lịch và vui chơi giải trí đạt 915 tỷ đồng, tăng 59%; doanh thu từ hoạt động giáo dục đạt 149 tỷ, tăng 105% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi, lỗ đan xen

Bám sát và tiến đến gần với VIC nhất là Tập đoàn FLC. Từ năm 2011 đến nay, FLC liên tục tăng trưởng mạnh mẽ về hoạt động kinh doanh, nhưng năm 2014 vừa qua là mốc đánh dấu lợi nhuận bắt đầu đạt hơn trăm tỷ. Nếu năm 2014, FLC đạt lãi ròng gần 356 tỷ đồng thì chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, con số này đã hơn 630 tỷ đồng, tăng trưởng 163% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Nam Long (NLG) đã thoát khỏi “cái bóng” lỗ 3 quý đầu năm khi đạt doanh thu gần 650 tỷ đồng và lãi ròng hơn 75 tỷ đồng. Còn HQC đạt doanh thu lên tới 880 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, tăng đột biến so với con số 11 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014. Doanh thu tăng mạnh khiến cho lãi ròng lũy kế 9 tháng của đơn vị đạt hơn 101 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với 9 tháng đầu năm 2014.

Theo HQC, nhờ tiếp tục bàn giao và ghi nhận doanh thu, các căn hộ Block HQ1, HQ2, HQ3, HQ4, dự án nhà ở xã hội HQC Plaza, các căn hộ thô của dự án HQC Hóc Môn mà kết quả kinh doanh đã tăng trưởng như vậy. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2015, HQC chỉ mới thực hiện 27% chỉ tiêu doanh thu và 32% lãi ròng.

Phát Đạt (PDR) - đại diện cho phân khúc bất động sản cao cấp, cũng đạt doanh thu khá khi bàn giao một số căn hộ thuộc dự án The EverRich 2 và The EverRich 3 đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Theo đó, PDR đạt 351.3 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp gần 4 lần cùng kỳ và lãi ròng đạt gần 79 tỷ đồng, gấp 9.4 lần cùng kỳ năm 2014.

Cũng nằm trong nhóm có lợi nhuận cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, nhưng kết quả của Sacomreal (SCR) không nằm ở hoạt động kinh doanh chính khi trong 9 tháng đầu năm lỗ thuần đến 240 tỷ đồng.

“Cứu tinh” cho SCR là lợi nhuận khác hơn 300 tỷ đồng, chẳng những giúp công ty thoát lỗ mà còn ghi nhận lãi tăng trưởng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Và con số lợi nhuận khác này có được chính nhờ vào việc chuyển nhượng “vội vàng” dự án Celadon City.

Thời gian qua, SCR đã tung ra thị trường nhiều dự án như Carillon 2,3 và Jamona City… Tuy nhiên, những dự án này sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ nửa sau năm 2017. Đây là lý do giải thích tại sao doanh thu SCR 9 tháng đầu năm giảm 83% nhưng lãi ròng vẫn tăng vọt.

Thống kê của Vietstock cũng cho thấy, có 12 doanh nghiệp bất động sản báo lỗ. Nguyên nhân chính là sự xuất hiện lỗ bất ngờ của những đại gia có vốn nghìn tỷ đồng.

Lỗ nặng nhất là CTCP KD & PT Bình Dương (TDC) với con số gần 67 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến TDC lỗ nặng chính là do một số công trình xây dựng chưa nghiệm thu, trong khi nguồn thu từ bất động sản giảm do hàng bán bị trả lại và công ty cũng chưa triển khai bán hàng. Chi phí lãi vay tăng đột biến khiến cho TDC chịu lỗ nặng nhất trong ngành.

Thông thường, cuối năm thị trường BĐS bao giờ cũng rất sôi động lan tỏa trên sàn niêm yết. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp có qũy đất lớn còn liên kết với nhau để phát triển nhằm mở rộng thị trường.

DiaOcOnline.vn -  Theo Thời báo Kinh doanh